Dự kiến 15 tuyến cao tốc với tổng chiều dài gần 788km sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác từ nay đến cuối năm 2025.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, 15 tuyến cao tốc được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ được bàn giao cho Cục Đường bộ VN quản lý, khai thác gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng -Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hoà Liên - Tuý Loan, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Khánh Hoà - Đắk Lắk, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau và Biên Hòa - Vũng Tàu.
Dự kiến trong năm 2025 sẽ có khoảng 800 km cao tốc do Bộ Xây dựng quyết định đầu tư hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng.
Chuẩn bị tiếp nhận các đoạn tuyến cao tốc đưa vào khai thác, sử dụng, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ, Ban QLDA rà soát, kiểm tra, kiểm đếm, đánh giá tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến, công tác kiểm tra rà soát hồ sơ hoàn công, hồ sơ phục vụ công tác quản lý, bảo trì công trình và lựa chọn được đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến cao tốc ngay sau khi bàn giao.
Cùng đó hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình theo quy định, trong đó cần có thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu của Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.
Công trình bàn giao phải được lắp đặt đầy đủ báo hiệu đường bộ, công trình an toàn giao thông.
Cơ quan chức năng cần lập phương án tổ chức giao thông trình Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt. Dự án cũng phải được thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông công trình đường bộ trước khi đưa vào khai thác theo quy định.
Các Ban QLDA chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị có liên quan khắc phục các tồn tại, bất cập của kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến trước khi bàn giao công trình cho đơn vị quản lý.
Đối với các đoạn tuyến cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh và Vân Phong - Nha Trang, dự kiến đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2025, Cục Đường bộ VN đề nghị các Ban QLDA 6, 7 và Thăng Long hoàn thiện các nội dung trên trước ngày 20/4/2025. Đối với các đoạn tuyến còn lại, các Ban Quản lý dự án hoàn thiện các nội dung trên trước khi bàn giao cho Cục Đường bộ VN trước 15 ngày.
Cũng liên quan các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Xây dựng đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với 5 tuyến đường cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Các tuyến đường cao tốc được đề xuất thu phí gồm: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Trong đó, 4 tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết được đề xuất mức thu 900 đồng/km. Đây là các dự án được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác chưa đáp ứng điều kiện triển khai thu phí (có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp không liên tục). Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện triển khai thu phí sẽ có mức phí là 1.300 đồng/km.
Dự kiến khi triển khai thu phí 5 tuyến đường cao tốc, sau khi trừ chi phí tổ chức thu, mỗi năm sẽ nộp ngân sách khoảng 1.700 tỷ đồng.
Cả nước hiện có 2.118 km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác. Hiện nay Bộ, các địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) đang triển khai thi công 28 dự án, dự án thành phần có kế hoạch hoàn thành năm 2025 với tổng chiều dài khoảng 1.188 km.
Trong đó, Bộ Xây dựng và VEC 17 dự án với chiều dài 889 km, các địa phương 11 dự án với chiều dài 299 km.
Ngoài ra, 2 dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng, dài 93 km) và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn, dài 43 km) có kế hoạch hoàn thành năm 2026 nhưng đã được hai tỉnh đăng ký phấn đấu thông tuyến trước ngày 31/12/2025.