Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký kết hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP.HCM.
>>>Nghị quyết 98 TP.HCM: Vẫn còn nhiều băn khoăn vì độ “vênh” pháp lý?
Cụ thể, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ), dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký Thỏa thuận hợp tác thành lập C4IR tại TP.HCM với WEF.
C4IR TP.HCM dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 6/2024 và tập trung hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, huy động nguồn lực cho các lĩnh vực mà Thành phố và Việt Nam đang quan tâm như: tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo,...
C4IR TP.HCM sẽ được đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, là một trong hai khu công nghệ cao quốc gia của Việt Nam. C4IR được xem là một trong các đề án phát triển kinh tế quan trọng của Thành phố, đóng vai trò là động lực thúc đẩy phát triển của Thành phố trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, việc thành lập C4IR tại TP.HCM có ý nghĩa to lớn, không chỉ đối với các mục tiêu phát triển quan trọng của Thành phố mà còn đối với các ưu tiên của quốc gia.
Bên cạnh đó, Thành phố có thể tham gia vào các sáng kiến toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, từ đó Thành phố có thể thiết lập một hệ sinh thái toàn diện nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
"Trung tâm sẽ trở thành địa chỉ đáng tin cậy và hiệu quả để thúc đẩy hợp tác giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Theo ông Jeremy Jurgens - Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, vệc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác giữa Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Việt Nam. Qua đó, Diễn đàn có thể hỗ trợ Việt Nam đạt được khát vọng về đổi mới, sáng tạo và tăng trưởng thông qua tăng cường hợp tác quốc tế và kết nối với nhiều bên liên quan.
C4IR TP.HCM sẽ trở thành nền tảng giúp Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung có thể định hình và phát triển các chiến lược Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 ở cả cấp địa phương lẫn quy mô quốc gia và phù hợp với chiến lược phát triển chung của quốc gia cũng như đóng góp vào quỹ đạo phát triển toàn cầu của công nghệ hiện nay.
Đây là trung tâm thứ hai được thành lập ở Đông Nam Á, sau C4IR Malaysia vào năm 2023 và đặt mục tiêu trở thành trung tâm chuyên môn về đồng xây dựng chính sách và thí điểm các khuôn khổ chính sách có tính chất kiến thiết tương lai, tạo điều kiện cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ trong khu vực và trên toàn cầu.
Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là nền tảng hợp tác giữa nhiều bên liên quan, kết nối khu vực công và tư nhằm tối đa hóa lợi ích công nghệ đem lại cho xã hội đồng thời giảm thiểu rủi ro, cải thiện và đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ mới nổi. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã ra mắt C4IR đầu tiên tại San Francisco vào năm 2017, ngay sau đó là các C4IR tại Nhật Bản và Ấn Độ… Mạng lưới các C4IR hiện nay bao gồm: Austin (Trung tâm Phát triển Công nghệ Đáng Tin cậy), Azerbaijan, Brazil, Colombia, Detroit (Trung tâm Sản xuất Tiên tiến Hoa Kỳ), Đức (Trung tâm Công nghệ Chính phủ Toàn cầu), Israel, Kazakhstan, Malaysia, Na Uy (Trung tâm Phát triển Dữ liệu Đại dương), Rwanda, Ả Rập Saudi, Serbia, Nam Phi, Telangana, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. |
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết 98 TP.HCM: Vẫn còn nhiều băn khoăn vì độ “vênh” pháp lý?
12:48, 16/01/2024
Giải ngân vốn đầu tư công TP.HCM: Sẽ xử lý mạnh tay các nhà thầu yếu kém
00:30, 14/01/2024
TP.HCM sẽ cấm livestream bán thuốc chữa bệnh
00:42, 13/01/2024
Thị trường nhà ở Hà Nội và TP.HCM đang diễn biến ra sao?
05:00, 10/01/2024
Bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận: Giá vẫn cao, cung cầu nhiều biến động
17:00, 07/01/2024