Đó là thông tin được Sở Y tế TP.HCM đưa ra tại cuộc họp báo định kỳ kinh tế - xã hội TP.HCM, về việc thống nhất với đề xuất tại dự thảo sửa đổi Luật Dược về cấm livestream bán thuốc.
>>Sửa Luật Dược nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp
Cấm livestream bán thuốc…
Cụ thể, mới đây, tại cuộc họp báo định kỳ kinh tế - xã hội TP.HCM, ông Nguyễn Hải Nam - Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, khẳng định đơn vị đã tham gia cùng Bộ Y tế trong quá trình lấy ý kiến bổ sung hình thức kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược và góp ý sửa đổi Luật Dược (luật này đang được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Quốc hội thảo luận).
Theo đó, việc bổ sung quy định đối với phương thức thương mại điện tử là hết sức cần thiết theo đúng thực tiễn. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử phải được quản lý chặt chẽ với những quy định rõ ràng, cụ thể về loại hình, phạm vi kinh doanh, điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở kinh doanh để đảm bảo chất lượng thuốc, khả năng trích xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng và minh bạch trong quản lý.
Cũng theo ông Nam, theo quy định, dược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đớ, các cơ sở kinh doanh dược phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và phải thực hiện đúng phạm vi kinh doanh được quy định trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
“Hiện nay, kinh doanh dược trực tuyến chưa được pháp luật công nhận. Bán thuốc bằng hình thức livestream là hành vi vi phạm pháp luật”, ông Nam nói.
Do đó, ông Nam cho biết, hiện nay Sở Y tế TP.HCM thống nhất với quy định "Các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua: website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương (không được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến)" của dự thảo sửa đổi Luật Dược.
“Sở Y tế TP.HCM sẽ thường xuyên theo dõi việc quảng cáo, kinh doanh thuốc trên các kênh thông tin điện tử. Đơn vị cũng đã triển khai ứng dụng y tế trực tuyến và đường dây nóng để người dân có thể phản ánh ngay về việc kinh doanh thuốc qua mạng, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không có số đăng ký hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sở Y tế TP.HCM khẳng định đơn vị sẽ phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm nếu có”, ông Nam nhấn mạnh.
>>Sửa Luật Dược nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp
… và chỉ được bán trên sàn thương mại điện tử?
Liên quan tới một số điều của Luật Dược, Bộ Y tế đã đưa ra trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, và hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Quốc hội thảo luận.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ sở kinh doanh dược phẩm khi bán hàng trên trang thương mại điện tử có thể đăng một số thông tin về sản phẩm mà không phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý. Đó là bao bì thương phẩm của thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn thuốc đã được phê duyệt và một số nội dung quảng cáo khác.
Hiện việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử rất mới, trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số, cung cấp nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ hoặc các công ty, mở ra thị trường mới, quảng bá sản phẩm và mở rộng khả năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Hình thức bán thuốc, thực phẩm chức năng trên các nền tảng mạng xã hội và livestream trở nên phổ biến. Có công ty dược phẩm tổ chức phiên livestream bán hàng trên mạng xã hội thu hút hàng triệu lượt xem, bán hàng nghìn sản phẩm. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán hàng này. Do đó, Bộ Y tế cho rằng cần xây dựng hành lang pháp lý để tránh khoảng trống.
Tại dự thảo Luật Dược, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định "các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương đáp ứng điều kiện kinh doanh dược".
Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh dược không được thực hiện việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến.
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dược theo các hình thức online phải tuân thủ pháp luật về giao dịch điện tử; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng; bảo mật thông tin của người mua; công khai chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy đăng ký lưu hành, bao bì thương phẩm.
Cơ sở bán lẻ thuốc tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc trực tuyến cho người mua và vận chuyển thuốc theo quy định. Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế trong việc quản lý kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược.
Dự thảo luật đề xuất quy định phải công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế các thông tin sau: Giá thuốc kê khai, kê khai lại; giá thuốc trúng thầu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp; giá đàm phán, giá thuốc trúng thầu tập trung, giá thuốc trúng thầu do đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia, địa phương, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ sở y tế cung cấp.
Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định phải trình Chính phủ ban hành danh mục các nhóm thuốc và danh mục thuốc phải thực hiện kê khai, ban hành các nguyên tắc, tiêu chí kỹ thuật lựa chọn các danh mục các nhóm thuốc, danh mục thuốc phải kê khai; công bố giá thuốc kê khai.
Có thể bạn quan tâm
17:51, 06/01/2024
17:08, 25/12/2023
16:48, 22/12/2023
00:00, 15/12/2023
11:55, 08/12/2023