Sếp Facebook: Cứ 5 phụ nữ Việt Nam thì có 4 người muốn khởi nghiệp

Theo ICT News 29/10/2018 04:18

Facebook cho rằng phụ nữ Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp rất cao. Trung bình cứ 5 người thì 4 người có mong muốn khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được đưa ra tại diễn đàn “Doanh nhân nữ: Chìa khóa thành công trong kỷ nguyên số” do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) với sự hỗ trợ của Facebook tổ chức ngày 26/10, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, chiếm 45% tổng sản phẩm GDP và gần 98% tổng số các doanh nghiệp trên cả nước.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Development Economics và YouGov cho thấy, cứ 5 phụ nữ ở Việt Nam thì có 4 người muốn mở một doanh nghiệp.

Nếu chỉ một nửa trong số đó tìm được cơ hội để khởi nghiệp thành công thì không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn giúp có thêm 1,1 triệu doanh nghiệp và 3,9 triệu việc làm tính đến cuối năm 2021.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các doanh nghiệp hiện gặp nhiều thách thức trong vấn đề quản lý, quản trị doanh nghiệp, tiếp cận nguồn lực đầu tư, phát triển thị trường, tận dụng lợi thế của khoa học công nghệ…

Chính vì thế trong kỷ nguyên số hiện nay, để tạo đà phát triển, doanh nghiệp phải có quyết tâm cao, nâng cao năng lực quản trị, mạnh dạn đầu tư mới khoa học công nghệ để tận dụng được lợi thế, phục vụ sản xuất, quản lý.

“Thời gian tới, VCCI cùng các đối tác như Facebook sẽ có những chương trình đào tạo, đào tạo lại, tập huấn cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp do doanh nhân nữ điều hành kết nối giao thương với đối tác trong nước và quốc tế thuận lợi, hiệu qủa hơn”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Trao đổi tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch VWEC kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều thách thức nhưng cũng sẽ mang lại hàng loạt cơ hội cho doanh nghiệp phụ nữ làm chủ.

Với các giải pháp công nghệ thông minh, nữ giới sẽ gỡ bỏ được nhiều rào cản mang đặc thù giới tính, mở ra cơ hội lập doanh nghiệp, tiếp cận nhà đầu tư.

Ngoài ra, khi khởi nghiệp, nhờ công nghệ chi phí sẽ giảm hơn. Đặc biệt là trong tham gia vào kinh doanh trực tuyến, việc tiếp cận khách hàng mới, chăm sóc khách hàng… cũng thuận tiện hơn. Nếu phụ nữ chủ động học tập và làm chủ công nghệ họ sẽ tìm thấy nhiều cơ hội để khởi nghiệp và vận hành doanh nghiệp hiệu quả.

"Chỉ một năm sau sáng kiến #Phunuladoanhnhan (#SheMeansBusiness) của Facebook được khởi xướng tại Việt Nam, chúng tôi thấy công nghệ đã mở ra một thế giới mới với nhiều cơ hội cho các nữ doanh nhân.

Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Facebook trong việc tận dụng sức mạnh của công nghệ để xóa bỏ các rào cản cho phụ nữ, tạo ra một cộng đồng và mạng lưới cho các nữ doanh nhân", bà Minh nói.

Trong khi đó, bà Beth Ann Lim, Trưởng ban Quan hệ cộng đồng khu vực APAC, Facebook khẳng định phụ nữ Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp rất cao. Trung bình cứ 5 người thì 4 người có mong muốn khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp của mình.

Tuy nhiên, hơn 30% phụ nữ hiện chưa có sự chuẩn bị tốt để khởi nghiệp, họ không biết cách nào để tiếp cận nguồn lực tài chính hiệu quả và khi đã quyết định khởi nghiệp thì thiếu hụt nhiều thông tin để bắt đầu.

Trước thực tế đó, Facebook đã đẩy mạnh nhiều hoạt động giúp các nữ doanh nhân nắm lấy cơ hội kinh doanh để hỗ trợ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thực tế cho thấy, sau sự ra mắt của chương trình#Phunuladoanhnhan tại Việt Nam năm 2017, cùng với nỗ lực của Facebook với VWEC, gần 3.000 phụ nữ đã có được các kỹ năng kinh doanh và tiếp thị kỹ thuật số thông qua 41 buổi tập huấn được tổ chức trên 25 tỉnh/thành phố ở Việt Nam.

"Facebook duy trì cam kết giúp đỡ VWEC triển khai các hoạt động hỗ trợ để Việt Nam có ngày càng nhiều nữ doanh nhân thành đạt, đồng thời hướng tới việc truyền cảm hứng khởi nghiệp cho cộng đồng", bà Beth Ann Lim nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sếp Facebook: Cứ 5 phụ nữ Việt Nam thì có 4 người muốn khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO