Thành công sẽ đến nếu tất cả mọi việc được thực hiện trên tinh thần cầu thị, phản biện để lắng nghe, để từng “cái tôi cá nhân” không chỉ mang tính chất tranh luận, hơn thua,...
Dù quan tâm đến các Startup về lĩnh vực sản xuất hoặc trong ngành giáo dục, y tế, văn hóa thể thao,… song Shark Đặng Hồng Anh cho rằng, trong chương trình Shark Tank mùa 2, các Founder phải có tiềm năng thì mới nhận được cái gật đầu rót vốn từ Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC, nếu khởi nghiệp “phong trào” thì thất bại chỉ là chuyện sớm hay muộn.
- Hiện tại, 5 lĩnh vực đầu tư chính của TTC là: Bất động sản, Năng lượng, Nông nghiệp, Giáo dục, Du lịch. DHA Medic thì tập trung vào mảng Y tế. Việc đầu tư vào chả lụa Hai Lúa dường như nằm ngoài hệ sinh thái này, ông “toan tính” gì khi rót tiền vào hai startup tại Shark Tank là chả lụa Hai Lúa và Ohana? Việc đầu tư lĩnh vực nằm ngoài hệ sinh thái liệu có quá sức với ông về cả thời gian lẫn kinh nghiệm?
Tôi đặc biệt lưu tâm đến các startup ở những mảng phục vụ cho xã hội nhiều hơn là những mảng đem về lợi nhuận kinh tế. Việc đầu tư vẫn dựa trên 3 tiêu chí chính, những dự án đem lại giá trị nhân văn, mang lại lợi ích cao cho người dân sẽ được tôi đặt sự quan tâm lên hàng đầu. Tiếp đến mới là yếu tố con người và hiệu quả kinh tế. Do đó, tôi đã quyết định đầu tư vào 2 dự án này với mong muốn tạo tinh thần cho thế hệ 9x khởi nghiệp, đồng thời tôi cũng kỳ vọng với sự góp sức của tôi, các bạn sẽ có thêm nhiều lực đẩy để doanh nghiệp của mình có cơ hội phát triển trong tương lai.
Tôi rất ấn tượng trước tâm huyết của hai bạn Founder trong dự án đầu tư chả lụa Hai Lúa và Ohana. Việc đầu tư lĩnh vực nằm ngoài hệ sinh thái này dĩ nhiên sẽ chiếm của tôi nhiều thời gian để tư vấn, chưa kể đội ngũ nhân sự của tôi cũng phải hỗ trợ cho các bạn trong quá trình phát triển sản phẩm. Nhưng thật sự tôi rất muốn giúp sức cho các bạn khi thấy một tuổi trẻ hoài bão, khát vọng như thế. Như việc tôi rót vốn vào mô hình chả lụa Hai Lúa - mới khai trương cửa hàng đầu tiên tại Quận 5, TP.HCM, bởi lẽ tôi thấy được trong đó ý chí của thế hệ 9X, có hiếu với gia đình, quyết tâm đầu tư cho bằng được. Tôi luôn hoan nghênh điều đó.
Bên cạnh ý tưởng muốn hỗ trợ cộng đồng thì bản thân Founder phải có tiềm năng thì tôi mới quyết định rót vốn.
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về khẩu vị đầu tư của mình?
Tôi quan tâm đến các startup về lĩnh vực sản xuất hoặc trong ngành giáo dục, y tế, văn hóa thể thao,… những lĩnh vực, ngành nghề quan trọng của xã hội, tạo ra giá trị cho xã hội, giúp xã hội tồn tại và phát triển bền vững.
Mỗi Shark tham gia chương trình sẽ có một khẩu vị, sở thích rót vốn, lĩnh vực và triết lý đầu tư khác nhau. Việc các doanh nhân khởi nghiệp, startup hiểu và đánh đúng được vào điểm này sẽ giúp các công ty giảm thiểu khả năng bị từ chối khi huy động vốn cũng như tiết kiệm thời gian cho cả hai bên. Người khởi nghiệp không nhất thiết phải trải qua nhiều lần gọi vốn thất bại nếu biết cách nghiên cứu, phân tích, tổng hợp thông tin và xác định cụ thể mục tiêu gọi vốn ngay từ đầu.
- Ông cũng là người từng khởi nghiệp. Nhưng ở vị trí của ông - khởi nghiệp khi bệ đỡ là con trai của vị doanh nhân thành đạt. Còn các bạn trẻ ngày nay khởi nghiệp chủ yếu đi từ bàn tay trắng. Vậy theo ông, yếu tố nào quan trọng nhất để quyết định khởi nghiệp thành công, tài chính hay kinh nghiệm?
Theo tôi, vấn đề ý tưởng, sản phẩm độc đáo đưa ra thị trường dễ có sức hút hơn với những mặt hàng quen thuộc, người tiêu dùng đã biết đến. Đó là lý do vì sao startup đi sau càng khó thành công hơn những người đi trước.
Tuy nhiên, tôi cũng thấy không ít bạn trẻ còn khá mơ hồ về khởi nghiệp, cứ nghĩ đơn giản rằng có vốn và ý tưởng là bắt đầu được. Nhưng thật sự khởi nghiệp phải đi đôi với sáng tạo, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật...
Đặc tính cơ bản của khởi nghiệp là tính đột phá nhằm tạo ra một điều gì đó chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn thì mới mong làm giàu cho đất nước, cho bản thân; còn nếu khởi nghiệp theo kiểu “phong trào”, “thích thì làm” hoặc sao chép ý tưởng thì thất bại chỉ là chuyện sớm hay muộn.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng, thương trường có hàng triệu thế trận. Không thể nào biết hết được. Chúng ta suy nghĩ, quyết định cứ tưởng là đúng nhưng có khi vẫn lặp lại những cái sai của ngày hôm qua, hôm kia. Mình biết vậy nên phải chịu khó, kiên nhẫn và phấn đấu rèn luyện không ngừng. Sau mỗi chặng đường, tạo thêm sức mạnh cho mình.
- Ông có lời gì khuyên cho các bạn trẻ để khởi nghiệp thành công?
Các bạn phải thực sự sở hữu chính là tinh thần cầu thị - chủ động - hy sinh.
Thành công sẽ đến nếu tất cả mọi việc được thực hiện trên tinh thần cầu thị, phản biện để lắng nghe, để từng “cái tôi cá nhân” không chỉ mang tính chất tranh luận, hơn thua, khẳng định mà là xây dựng, vun đắp, thống nhất giải pháp. Sự chủ động, để không còn sự nhắc nhở, không còn sự chậm chạp, trễ nải, đổ thừa... Chủ động nêu giải pháp, chủ động trong việc thực thi, chủ động trong việc phản hồi. Chỉ có như vậy - tất cả mới tạo guồng máy hoạt động hiệu quả. Và gắn liền với tất cả chính là sự hy sinh, mình vì mọi người - mọi người vì mình. Mỗi chúng ta, vì “cái chung”, thành quả đó sẽ lớn hơn gấp bội, sức mạnh tập thể từ Trí tuệ - đến Sức lực sẽ được phát huy.
- Xin cảm ơn ông!