Siết chặt chi tiêu công phải được thực hiện rốt ráo từ cấp cơ sở

Trương Khắc Trà 22/05/2018 11:00

Những năm gần đây cứ mỗi kỳ họp Quốc hội, báo cáo quyết toán ngân sách từng năm luôn có con số gây lo lắng.

Phiên khai mạc lần này Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo các Bộ ngành chi sai ngân sách 1.952 tỷ đồng - một con số không hề nhỏ!.

Cả nước hiện có 63 tỉnh thành và 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, nếu chia bình quân mỗi đơn vị phải chịu trách nhiệm gần 23 tỷ đồng. Một tỉnh nhỏ cố gắng lắm chỉ mới thu ngân sách tầm chừng ấy tiền “ngoài sổ sách”.

Năm 2016, tổng thu ngân sách đạt 1,014 triệu tỉ đồng, tổng chi là 1,237 triệu tỉ đồng, tức là phải chi thêm hơn 200 nghìn tỉ đồng. Tương tự, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 là 1,319 triệu tỷ đồng, trong khi đó số chi 1,523 triệu tỉ đồng, tức là bội chi hơn 200 nghìn tỷ đồng.

Con số bội chi tăng theo cấp số cộng. Rất hy vọng kỳ họp Quốc hội lần này các đại biểu sẽ quan tâm câu hỏi “Bao giờ ngân sách thôi rơi rụng?”. Nguyên nhân có nhiều, từ lãng phí, làm trái quy tắc tài chính, tình trạng “vẽ vời”, kê khống để rút tiền ngân sách đến cả tham nhũng lặt vặt.

Năm 2015, bội chi ngân sách mới 88 nghìn tỷ đồng, nhưng tăng vọt sau hai năm, cho thấy công tác tài chính còn lỏng lẻo, hay là cơ chế còn nhiều “lỗ hổng” để những “con voi” dễ dàng chui lọt?

Có trường hợp hai cán bộ xã ở Thanh Hóa chi sai tiền ngân sách hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ xử phạt mức án treo. Tiền nong luôn là vấn đề vô cùng nhạy cảm, cho nên những người nắm giữ ngân sách luôn phải “nhạy cảm” với mồ hôi nước mắt của người dân.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

Vấn đề là bội chi do thu không đủ bù chi hay bội chi do thất thoát? Hai nguyên nhân gây “bốc hơi” tiền thuế cần phải được làm rõ. Nếu thu không đủ bù chi tức là nguyên nhân nằm tỏa rộng trong nền kinh tế, là thước đo “sức khỏe” doanh nghiệp, nói dễ hiểu tiền làm ra thì ít mà việc cần chi tiêu quá nhiều.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân sách Nhà nước 2016: Chủ yếu tăng thu từ đất

    Ngân sách Nhà nước 2016: Chủ yếu tăng thu từ đất

    01:18, 22/05/2018

  • Kế hoạch đầu tư 372.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước 2018

    16:47, 20/01/2018

  • 2018: Bộ Tài chính dự toán bội chi ngân sách Nhà nước bằng 3,7% GDP

    10:53, 08/01/2018

  • Năm 2018: Ngân sách Nhà nước và nợ công sẽ đối mặt với thách thức nào?

    10:43, 05/01/2018

  • Sửa đổi hồ sơ khai thuế… làm tăng chi phí cho ngân sách nhà nước

    07:30, 06/12/2017

  • Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018: 86,56% đại biểu tán thành!

    09:37, 13/11/2017

Như thế nào là chi tiêu nhiều? Ở khía cạnh tích cực, khi nhà nước tăng cường đầu tư công để phục vụ lại nhu cầu của người dân, lúc này bội chi không đáng ngại vì người dân sẵn sàng nộp thêm thuế mà không phản ứng.

Mặt tiêu cực của chi tiêu nhiều là do lãng phí, tham nhũng gây thất thoát, trách nhiệm này thuộc về cơ quan cầm tiền và cơ quan có chức năng giám sát, kiểm tra, xử lý sai phạm.

Chỉ số an toàn nền tài chính quốc gia ít nhất phải đáp ứng ba nguyên tắc: (1) thu cân bằng chi; (2) chi theo kế hoạch và đúng mục đích; (3) tăng cường thu và tiết kiệm chi.

Thu chi ngân sách nhà nước hiện nay đã vượt ra ngoài nguyên tắc thứ nhất. Nguyên nhân đã rõ nhưng chưa thể khắc phục một sớm một chiều, bởi bội chi ngân sách có nguyên nhân rất sâu và xa nên hệ quả để lại rất lâu và dài.

Để đáp ứng nguyên tắc thứ nhất phải thực hiện nguyên tắc thứ ba (hoặc đi vay). Tăng thuế là đánh trực diện vào sức dân, doanh nghiệp khiến “bộ phận” này ngày càng khó khăn, nên về lâu dài không có lợi nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế không được cải thiện.

Phương án “vay bù chi” có thể đáp ứng ngay lập tức nhưng phải trả lãi, gốc hàng năm, chưa tính các điều kiện đính kèm do bên cho vay đặt ra, đó có thể là dự án trọng điểm, nguồn tài nguyên thiên nhiên, ưu đãi “vượt khung” trong đầu tư…

Với nguyên tắc thứ ba “tăng cường thu” rất dễ thực hiện, chỉ cần động thái điều chỉnh mức thuế theo hướng… mũi tên đi lên, nhưng “tăng thu” không khéo sẽ rơi vào “tận thu” như kiểu “vặt lông vịt”.

Siết chặt chi tiêu công phải được thực hiện rốt ráo từ cấp cơ sở, nhưng trước hết cấp trên cùng phải làm gương. Vì thế, tiết kiệm, chống lãng phí, diệt tham nhũng và tạo dựng cộng đồng doanh nghiệp có sức sống là cốt lõi vấn đề chấm dứt rơi rụng ngân sách.

Thiết nghĩ, cơ quan công quyền phải xót xa hơn với sức vóc người dân, tiềm lực nhân dân tuy vô hạn định nhưng khó có thể rút mãi hoài như con tằm nhả tơ mà không cần lúc phải khoan thư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Siết chặt chi tiêu công phải được thực hiện rốt ráo từ cấp cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO