Singapore đang triển khai kế hoạch 3 năm nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ trong ngành dịch vụ tài chính, khoản đầu tư lên tới 182 triệu USD.
Trong 5 năm qua, Singapore đã phát triển thêm 40 phòng thí nghiệm đổi mới và 1.000 công ty Fintech được thành lập mới. Và trong 3 năm tới, chính quyền “đảo quốc sư tử” này cam kết đầu tư 250 triệu đô la Singapore (tương đương 182 triệu USD) để thúc đẩy đổi mới công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, trong đó tập trung vào phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết kế hoạch ba năm mới nhằm tăng cường hỗ trợ cho "các dự án đổi mới quy mô lớn" và mở rộng quy mô các kỹ năng fintech ở thành phố-bang.
Ví dụ, tài trợ cho các thử nghiệm công nghệ giai đoạn đầu sẽ được tăng gấp đôi lên 400.000 đô la Singapore theo Khoản tài trợ Proof-of-Concept (POC), với mức hỗ trợ tối đa cũng tăng từ 50% lên 70% tổng chi phí dự án đủ điều kiện.
MAS cho biết, việc hỗ trợ tài trợ mở rộng này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các công ty fintech và dịch vụ tài chính bắt tay vào các dự án POC lớn hơn để thử nghiệm, phát triển và triển khai các ứng dụng sáng tạo hỗ trợ công nghệ.
Các ứng dụng POC đủ điều kiện được đánh giá dựa trên việc sử dụng công nghệ sáng tạo và khả năng thực hiện thành công của dự án.
Kinh phí tối đa cho các dự án AI đủ điều kiện cũng đã được tăng lên 1,5 triệu đô la Singapore, từ mức giới hạn trước đó là 1 triệu đô la Singapore. Ngoài ra, một chương trình "lite" – “rút gọn” mới sẽ được giới thiệu nhằm cung cấp gói tài trợ chỉ bằng một nữa so với gói nêu trên, nhằm hỗ trợ các tổ chức tài chính ứng dụng AI nhằm nâng cao hiệu quả công việc.
Singapore vào năm 2015 đã cam kết 225 triệu đô la Singapore để thúc đẩy sự đổi mới fintech, giúp tạo ra 40 phòng thí nghiệm đổi mới - được thành lập bởi các ngân hàng và công ty bảo hiểm toàn cầu - tạo điều kiện cho gần 500 dự án.
Giám đốc điều hành MAS Ravi Menon cho biết, “Những điều kiện đổi mới này cũng giúp tạo ra 180 "việc làm có giá trị cao", khoảng 60% trong số đó do người Singapore nắm giữ. Singapore hiện là ngôi nhà của hơn 1.000 công ty fintech, so với chỉ 50 công ty vào năm 2015 và lĩnh vực này hiện có khoảng 10.000 người”.
Ngoài ra, các công ty fintech năm ngoái đã tạo ra khoản đầu tư kỷ lục 1 tỷ đô la Singapore và huy động thêm 650 triệu đô la Singapore vốn cổ phần và M&A trong nửa đầu năm nay, bất chấp tác động của COVID-19, Menon cho biết thêm.
Với chỉ một nửa trong số 225 triệu đô la Singapore được phân bổ được sử dụng kể từ năm 2015, ông cho biết phần chưa sử dụng đã được chuyển sang tài trợ một phần cho 250 triệu đô la Singapore dành cho kế hoạch ba năm mới.
MAS vào đầu tháng này đã công bố kế hoạch thành lập một viện nghiên cứu để giúp liên kết giữa nghiên cứu, giáo dục và tinh thần kinh doanh và tăng cường năng lực của Singapore trong lĩnh vực fintech. Dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay, cơ sở mới sẽ tìm cách tập hợp chuyên môn trên một số lĩnh vực, bao gồm thanh toán, điện toán đám mây và AI. Cơ sở này, được gọi là Viện Tài chính Kỹ thuật số Châu Á (AIDF), sẽ được đồng thành lập bởi MAS, Quỹ Nghiên cứu Quốc gia và Đại học Quốc gia Singapore.
Vào tháng 4, MAS cũng dành 125 triệu đô la Singapore để giúp ngành dịch vụ tài chính địa phương và các công ty fintech tăng cường năng lực kỹ thuật số và thúc đẩy việc triển khai các công cụ kỹ thuật số của họ. Các quỹ cũng hỗ trợ tài chính cho việc đào tạo lực lượng lao động và chi phí nhân lực.
Có thể bạn quan tâm