Với hệ thống thùng phuy và khung thép di động, căn nhà sẽ tự động nổi trên mặt nước khi có lũ và sẽ tự trở về vị trí cũ khi nước rút.
Thiết kế độc đáo này nằm trong dự án 'Flood Housing' của hai sinh viên Nguyễn Minh Hoàng và Đặng Minh Thuận, khoa kiến trúc, trường ĐH Xây dựng Miền Tây (Vĩnh Long).
Thành sinh ra ở vùng quê Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Những trận lũ đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân vùng quê nghèo mà Thành sinh sống. Mỗi trận lũ đi qua, những thiệt hại vật chất và tinh thần là rất lớn. Đặc biệt, nhiều ngôi nhà đã không còn, nếu may mắn còn căn nhà thì phải tốn nhiều chi phí để tu bổ và sửa chữa.
Chính vì những lý do đó, Thành đã sáng chế một dạng nhà 'lưỡng cư' có thể nổi hoàn toàn trên mặt nước vào mùa lũ. Khi nước rút, căn nhà có thể trở về hiện trạng ban đầu.
Theo đó, ở bốn góc nhà sẽ có một hệ thống trục di động tự động nâng hạ ngôi nhà theo dòng nước. Phía dưới căn nhà sẽ được bố trí hàng loạt thùng phuy bằng nhựa như một chiếc phao giúp căn nhà nổi trên mặt nước khi có lũ.
Ngoài ra, trên mái nhà còn có thể trồng rau, theo mô hình công nghệ cao vừa có thêm nguồn thực phẩm sạch dự trữ trong những ngày lũ lên vừa có thể tạo không gian xanh mát cho ngôi nhà. Ngôi nhà xanh còn có thể được lắp đặt các vật liệu bằng tre nứa trên trần hoặc vách tường tạo ra sự thoải mái nhất định khi sinh hoạt.
Hiện tại, nhóm đang tiến hành thử nghiệm sản phẩm tại tổ 3, ấp Lợi Hòa, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Dự án được xây dựng xong phần móng và hệ thống trượt nổi cho căn nhà. Cuối tháng 10/2018 nhóm sẽ thực hiện xong phần sàn nổi và khung bao che như mái nhà.
Về giá thành, hai bạn tính toán rất nhiều giá phù hợp với nhu cầu của từng hộ gia đình. Giá thành 3,125,000/m2 cho đến giá thành 5,400,000/m2. Với chi phí vừa phải, độ bền và tuổi thọ căn nhà cao lên đến 30 năm nên rất phù hợp với đại bộ phận người dân đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Đặng Minh Thuận, thành viên nhóm, việc vận hành căn nhà rất đơn giản, người dân vẫn sinh hoạt bình thường khi lũ lụt dâng lên mà vẫn an toàn. Thuận cũng lưu ý, người dùng cần bố trí những vật dụng trong nhà đồng đều và dùng nội thất nhẹ.
“Vì đây là dự án khá mới nên chúng em đang nghiên cứu và tìm các đơn vị cộng tác chuyên môn để hợp thức về pháp lý. Với những thực nghiệm mà nhóm đã tiến hành, khả năng sản xuất hàng loạt là rất cao. Từ 50 triệu đồng có thể xây dựng căn nhà 20m2 cho vùng bị thiên tai hoặc vùng khó khăn là chuyện hoàn toàn có thể làm được”- Thuận tự tin.
Dự án 'Flood Housing' của hai sinh viên này đã xuất sắc đạt giải Nhì cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC năm 2018 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức vừa qua.