Số ca F0 tăng, TP.HCM ứng phó ra sao?

ĐÌNH ĐẠI 03/12/2021 15:14

Trước diễn biến số ca F0 tăng trong những ngày qua, TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó, trong đó, tiếp tục chuyển đổi công năng các bệnh viện điều trị COVID-19 và duy trì các BV dã chiến.

>>>TP.HCM triển khai tiêm lô vắc xin Pfizer được gia hạn thêm 3 tháng

Trong những ngày qua, số ca nhiễm mới (F0) tại TP.HCM liên tục tăng cao. Cụ thể, tối ngày 2/12, Bộ Y tế công bố TP.HCM có 1.738 ca F0 mới và 80 ca tử vong. Những ngày trước đó, TP.HCM cũng có số ca nhiễm mới cao nhất nước và luôn đứng ở 4 con số. Ngày 1/12, số ca F0 mới của TP.HCM là 1.675 ca, tăng 178 ca; ngày 30/11 có 1.497 ca nhiễm mới và 76 ca tử vong…

Những ngày gần đây, số ca F0 tăng cao, các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại TP.HCM lại kín bệnh nhân -

Những ngày gần đây, số ca F0 tăng cao, các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại TP.HCM lại kín bệnh nhân - Ảnh: BV Dã chiến đa tầng Tân Bình.

TP.HCM hiện có 85.896 ca F0. Trong đó có 13.956 ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3, bao gồm 3.089 ca nặng có hỗ trợ hô hấp và 410 ca thở máy xâm lấn. 5.666 ca đang cách ly tập trung và 66.364 ca đang cách ly tại nhà.

Trước thực trạng số ca mắc mới cũng như số ca tử vong liên tục tăng, ngành Y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn sẵn sàng các phương án để tiếp nhận F0 vào điều trị. Đồng thời tuyệt đối không được đùn đẩy hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả bệnh viện trên địa bàn Thành phố nghiêm túc tái cấu trúc và chức năng bệnh viện để thích ứng với tình hình dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. Các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo.

Riêng các khu cách ly COVID-19 tại tất cả các bệnh viện cần củng cố và chuyển đổi khu cách ly thành đơn vị COVID-19, để sẵn sàng tiếp nhận điều trị người mắc COVID-19. Trong đó, đảm bảo mỗi đơn vị COVID-19 có số giường tối thiểu bằng 10% tổng số giường của cả bệnh viện (chưa bao gồm số giường của khoa đơn vị hồi sức COVID-19).

Sở Y tế đề nghị chậm nhất trước ngày 10/12, tất cả bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (không thuộc các bệnh viện chuyển đổi công năng hoặc bệnh viện tách đôi) khẩn trương xây dựng kế hoạch với quy mô giường điều trị và hồi sức COVID-19 (nếu có) để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu điều trị trong tình hình mới.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện Thành phố có 4 bệnh viện đã chuyển đổi công năng toàn bộ để điều trị COVID-19, gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, BV Trưng Vương, BV An Bình và BV huyện Củ Chi.

Các bệnh viện đã tách đôi (có khối nhà riêng biệt, có cổng và lối đi riêng) thực hiện nhiệm vụ điều trị COVID-19 gồm Bệnh viện Quân dân y miền Đông, BV Phạm Ngọc Thạch, BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV Nguyễn Tri Phương và BV Nhi đồng Thành phố.

Tổng quy mô giường bệnh của các bệnh viện chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 khoảng 4.300 giường.

>>>TP.HCM đề xuất nhiều chính sách nhằm giữ chân nhân viên y tế

Theo lộ trình giải thể các bệnh viện dã chiến của Thành phố, hiện đã có 8 bệnh viện dã chiến trên Thành phố ngừng hoạt động để bàn giao cơ sở hạ tầng cho cơ quan chủ quản, nhằm phục hồi chức năng ban đầu.

Bệnh viện dã chiến số 2, mol6t5 trong 8 bệnh viện dã chiến đã giải thể của TP.HCM - Ảnh: Đình Đại.

Bệnh viện dã chiến số 2, một trong 8 bệnh viện dã chiến đã giải thể của TP.HCM - Ảnh: Đình Đại.

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Thành phố vẫn duy trì hoạt động 13 bệnh viện dã chiến với tổng quy mô 22.000 giường. Tổng số giường tại các bệnh viện tầng 3 hiện nay khoảng 2.300 giường. Ngoài ra, mỗi quận huyện duy trì phát triển thêm bệnh viện dã chiến (tầng 2), hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (tầng 1). Như vậy, hiện có 16 bệnh viện dã chiến quận, huyện và TP.Thủ Đức với quy mô khoảng 8.000 giường; 65 cơ sở tiếp nhận điều trị COVID-19 với quy mô khoảng 9.000 giường.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, tổng số giường tại các bệnh viện tầng 3 hiện nay tại Thành phố khoảng 2.300 giường. Để thuận lợi cho công tác hội chẩn, chuyển bệnh, chuyển giao kỹ thuật giữa các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 trong 3 tầng, sở phân công tác cơ sở, bệnh viện thành 8 "cụm điều trị" theo Quyết định 6354 của Sở Y tế ngày 27/11.

Tại Hội nghị lần thứ mười Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, nhiệm vụ năm 2022 của TP.HCM vẫn là tập trung ưu tiên trước hết cho công tác phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19, bởi "nếu để dịch quay lại sẽ không biết chuyện gì xảy ra".

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, hiện tại biến thể Delta đang hoành hành khắp nơi, thế giới lại phải đối mặt với biến thể mới Omicron rất đáng quan ngại. Nhiều nước đã phản ứng ngay lập tức bằng các biện pháp mạnh để ngăn chặn sự lây lan nhanh hơn 500% so với biến thể Delta.

Hiện các nhà khoa học đang tập trung đánh giá mức độ nguy hiểm. Tuần trước mới có 10 nước nhưng đến sáng nay (2/12 PV) ít nhất đã có 22 nước ghi nhận ca nhiễm của biến thể này. Thủ tướng đã có chỉ đạo các ngành y tế, quân đội, công an phối hợp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với biến chủng mới.

"Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải bình tĩnh, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó tương xứng, đồng bộ và hiệu quả, lường trước các tình huống phát sinh khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, nhất là bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự. Đặc biệt phải tập trung bảo vệ hệ thống y tế và đội ngũ tuyến đầu, trước hết là y tế cơ sở, y tế cộng đồng", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

8 giải pháp giảm tử vong

Theo Bộ Y tế, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao, số ca tử vong cũng có chiều hướng tăng lên. Hầu hết ca tử vong đều ở nhóm người trên 50 tuổi và có bệnh nền. Do đó, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp cụ thể để giảm số ca tử vong, cụ thể:

1. Quan tâm, theo dõi người bệnh ở độ tuổi có nguy cơ cao nhằm điều chỉnh, phân tầng điều trị.

2. Các bệnh viện theo dõi, giám sát ngay từ khi bệnh nhân nhập viện.

3. Tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có ca chuyển nặng cao.

4. Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường.

5. Kích hoạt lại trung tâm hỗ trợ từ xa.

6. Các địa phương cử người có năng lực kiểm soát, chuyển tầng phù hợp.

7. Xây dựng hệ thống giám sát.

8. Bộ Y tế có biện pháp về giảm thiểu ca F0 tử vong gửi các bệnh viện, tỉnh, thành phố.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM triển khai tiêm lô vắc xin Pfizer được gia hạn thêm 3 tháng

    TP.HCM triển khai tiêm lô vắc xin Pfizer được gia hạn thêm 3 tháng

    00:00, 03/12/2021

  • Kinh tế TP.HCM lần đầu tăng trưởng âm 6,78% sau Đổi mới

    Kinh tế TP.HCM lần đầu tăng trưởng âm 6,78% sau Đổi mới

    01:20, 02/12/2021

  • TP.HCM: Học sinh lớp 1,9,12 sẽ học trực tiếp từ ngày 13/12

    TP.HCM: Học sinh lớp 1,9,12 sẽ học trực tiếp từ ngày 13/12

    16:13, 01/12/2021

  • TP.HCM đề xuất nhiều chính sách nhằm giữ chân nhân viên y tế

    TP.HCM đề xuất nhiều chính sách nhằm giữ chân nhân viên y tế

    12:15, 01/12/2021

  • TP.HCM: F0 cách ly tại nhà được chọn bác sĩ tư điều trị?

    TP.HCM: F0 cách ly tại nhà được chọn bác sĩ tư điều trị?

    03:01, 01/12/2021

  • TP.HCM: Tăng cường quản lý F0 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất

    TP.HCM: Tăng cường quản lý F0 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất

    16:55, 29/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Số ca F0 tăng, TP.HCM ứng phó ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO