Cuộc chạy đua M&A giữa nhà đầu tư nội và ngoại tại Công ty CP Kho vận Miền Nam (SOTRANS, HoSE: STG)- doanh nghiệp đầu ngành kho vận, đang đến hồi gay cấn.
STG vừa thông báo lấy ý kiến bằng văn bản thông qua chủ trương để Công ty Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL) mua cổ phần tăng tỷ lệ sở hữu mà không cần chào mua công khai.
So kè cao thấp
STG đã nằm trong tầm ngắm M&A từ những năm trước đây. Cụ thể vào năm 2015, khi SCIC thoái vốn khỏi doanh nghiệp này, ITL là cổ đông ngoại đã nắm hơn 14% cổ phần STG. Có cổ phần và ký kết hợp tác chiến lược, song ITL cũng vẫn chưa chịu chi thêm ngoài mức tích lũy đạt 18% sau đó. M&A tại STG thực tế chỉ bắt đầu khi Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, HoSe: GEX) mua sở hữu gần 25% vốn vào năm 2016.
Trong khoảng 3 năm, GEX đã tăng sở hữu STG lên 54,8%, chuyển quyền sở hữu về cho Công ty con là Gelex Logistics. Cuối năm 2019, ITL cũng tăng sở hữu STG lên 41,8%. Và hiện nay ITL “ra đòn” quyết định, muốn tăng sở hữu STG lên tới 100%.
122 tỷ đồng là tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế của STG trong năm 2019, giảm hơn 22% so với năm 2018.
Vấn đề nằm ở chỗ, ITL không còn cơ hội nắm STG qua lượng cổ phiếu lưu hành tự do hay các sang nhượng thỏa thuận. Người mua đầu liệu có thể trở thành người chiến thắng cuối hay không, quyền quyết định giờ đây không hẳn nằm ở ITL. Bóng đang thuộc chân GEX và chỉ khi công ty này gật đầu bán ra, mong muốn tăng sở hữu tuyệt đối của ITL tại STG mới thành hiện thực.
Kết cục thế nào?
Đến đây thì ITL sẽ phải xem mục đích đầu tư của GEX tại STG. Nếu GEX gật đầu bán ra với một mức giá cao cho tỷ suất sinh lời cao ngất, thì đó là đầu tư tài chính.
Song trước mắt, nếu không có gì đột biến thì mục tiêu của GEX tại STG dường như không chỉ là cú chen ngang kiếm lợi. Tham vọng của Công ty này để hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ trong sản xuất, vận chuyển thiết bị điện và các vật liệu cơ bản khác, đến nay đã khá rõ ràng. Trong những năm gần đây, thông qua hoạt động M&A, GEX đã sẵn sàng để một bước lên đời Tập đoàn đa ngành.
Ngoài STG, GEX còn M&A với nhiều doanh nghiệp và tỷ lệ thành công cao. Hiện GEX đang nắm hơn 90% cổ phần tại Cadivi, trên 20% cổ phần tại Viglacera, trên 13% cổ phần tại Cảng Đồng Nai...
Trong mạng nhện sở hữu rộng để xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất- giao nhận đến các lĩnh vực B2B (Business to Business), đặc biệt phục vụ khối doanh nghiệp khu công nghiệp mà GEX đã hoàn bị, STG là doanh nghiệp logicstics “đinh”, bởi sở hữu chuỗi dịch vụ logistics khá hoàn thiện với hoạt động kinh doanh kho đa chức năng, giao nhận vận tải nội địa, quốc tế và khai thác cảng. Bỏ STG để lấy lợi ích tài chính có thể sẽ phá vỡ chuỗi liên kết mà GEX đã dày công gây dựng. Không bỏ STG, cuộc so kè với ITL giàu nguồn lực, có đối tác chiến lược Singapore Post, tất nhiên sẽ phần nào vất vả.
Có thể bạn quan tâm
10:03, 13/11/2019
05:00, 05/11/2019
15:23, 12/08/2019
14:00, 23/05/2019
STG trong cục diện đó liệu có thể trở thành một Bibico thứ hai, bị giằng co giữa hai nhà đầu tư nội- ngoại mà thậm chí lại không có dư địa cho “hiệp sĩ áo trắng” xuất hiện? Hay cuối cùng, sẽ có cú bắt tay giữa GEX và ITL để cùng chia sẻ lợi ích, tận dụng chuỗi cơ sở dịch vụ mà STG đang có?
Logistics được lợi nhờ hội nhập Các doanh nghiệp lớn đều đã và đang xem logicstics như mảng kinh doanh quan trọng khi định vị đầu tư chuỗi, trước hết để đáp ứng nhu cầu của các công ty thành viên, sau đó là đón đầu xu thế tăng trưởng mạnh của các ngành nhờ quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam tham gia CPTPP và EVFTA. Theo Vietnam Report, hiện miếng bánh thị phần ngành vận tải và logistics ở Việt Nam đang có sự cạnh tranh của khoảng 4.000 doanh nghiệp. Dù chỉ chiếm số lượng 12%, các doanh nghiệp FDI lại nắm 70-80% thị phần. Vì vậy, những trường hợp như SGT trong tầm ngắm của GEX là sự trở mình chủ động hơn về logicstics của khối nội. Còn ITL nhìn STG như miếng bánh giúp tăng sức mạnh của một tập đoàn để đón đầu cả nhu cầu giao nhận của nhà sản xuất ngoại tại thị trường nội địa. Lưu ý rằng ITL cũng là một thế lực “không thể xem nhẹ”. Tập đoàn này thậm chí đã bắt tay với thành viên của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) để xây dựng khu phức hợp logistics quy mô lớn bậc nhất Đông Nam Á. Theo đó, ITL hẳn cũng không dễ buông bỏ Sotran để xây dựng cho bằng được chiến lược chuỗi giá trị riêng ngay tại Việt Nam. |