Chính trị - Xã hội

Số hoá gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật

Hạnh Lê 06/11/2024 21:45

Gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương đã được “làm sạch” và số hoá hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tra cứu, tìm kiếm quy định pháp luật dễ dàng.

Theo bà Đặng Hoàng Oanh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, từ gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của cấp trung ương, Bộ Tư pháp đã xây dựng bộ Pháp điển và sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề. Trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục từ những văn bản khác nhau cùng điều chỉnh một lĩnh vực nhất định và được sắp xếp một cách khoa học, logic.

bo PD
Phó Thủ tướng Lê Thành Long (thứ 4 từ trái sang) nhấn nút công bố Bộ Pháp điển

Cấu trúc của đề mục dựa theo bố cục của văn bản văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong các văn bản được pháp điển vào mỗi đề mục. Bà Đặng Hoàng Oanh đánh giá, đây là công cụ không chỉ để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật mà còn góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, đã có gần 2 triệu lượt truy cập khai thác, sử dụng bộ Pháp điển. Từ kết quả này, để công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường tính chủ động, thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác rà soát thường xuyên, kịp thời thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản, cập nhật kịp thời các quy định pháp luật trong bộ Pháp điển nhằm bảo đảm sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật.

TT Oanh
Bà Đặng Hoàng Oanh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác pháp chế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh số hoá, phát triển trí tuệ nhân tạo và bảo đảm nguồn lực kinh phí phục vụ triển khai hiệu quả các công tác này.

Cùng với các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết: Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện thể chế về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật để tăng cường trách nhiệm, hiệu quả thực hiện. Đồng thời, đăng tải đầy đủ, kịp thời, cập nhật chính xác tình trạng hiệu lực của văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, bảo đảm nguồn dữ liệu về văn bản pháp luật “đúng, đủ, sạch, sống” vận hành liên tục, ổn định.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, dữ liệu của các ngành, các lĩnh vực ngày càng trở thành "tài nguyên" đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội thì việc xây dựng, nâng cao chất lượng dữ liệu văn bản pháp luật có ý nghĩa quan trọng. Điều này không chỉ phục vụ việc tra cứu, áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, bảo đảm mục tiêu công khai, minh bạch mà còn là cơ sở để triển khai hiệu quả việc hệ thống hóa văn bản, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, trong xây dựng, hoàn thiện đến tổ chức thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Số hoá gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO