Số hoá một quốc gia: Nhìn từ trường hợp Estonia và những bài học (Kỳ 4)

Toomas Hendrik Ilves – Nguyên Tổng thống Estonia 04/10/2020 20:00

Một khi dữ liệu và hồ sơ lưu trữ được số hóa, chính phủ có thể thực hiện được một lợi ích bổ sung và rất quan trọng của một cấu trúc được thiết kế tốt.

Tuy nhiên, một định danh số an toàn mới chỉ là bước đầu tiên. Khía cạnh trọng yếu thứ hai của bất kỳ hệ thống quản trị số nào là cấu trúc. Bảo đảm thông tin được truyền tải an toàn là một việc quá lớn và tốn kém nếu mọi cơ quan chính phủ tự mình thực hiện. Vì vậy, các bộ và cơ quan cần một cổng duy nhất xác nhận danh tính của người dùng và sau đó cho phép họ truy cập những gì họ cần. Điều này không dễ dàng như vẻ ngoài mà nó thể hiện. Bạn kết nối các bộ, ngành và người dân bằng cách nào? Ai nên được phép xem những gì? Cơ quan nào có thể xem hồ sơ thuế? Cảnh sát có thể xem những gì? Những thông tin nào là hoàn toàn công khai? Thông tin nào là hoàn toàn riêng tư?

Đây không phải là một vấn đề tầm thường cần giải quyết, vì nó có nghĩa là thiết kế và kết nối tất cả các tổ chức khác nhau của khu vực công và tư theo cách phù hợp với luật pháp của quốc gia. Đây quả thực là công việc tốn nhiều thời gian nhất - xây dựng cấu trúc truy cập dữ liệu số của bạn và bảo đảm những gì được tìm kiếm ở định dạng số thích hợp. Cấu trúc này phụ thuộc vào hệ thống luật pháp, quy định và trên thực tế cả những ràng buộc về văn hóa của một quốc gia. Đúng, công dân phải được phép xem dữ liệu của chính mình - hồ sơ chăm sóc sức khỏe, hồ sơ thuế và tài sản của anh ta. Nhưng bạn cũng cần bảo đảm làm thế nào để các cơ quan có thể tiếp cận hợp pháp thông tin mà họ được quyền tiếp cận, nhưng không được tiếp cận những gì họ không có quyền tiếp cận.

Để bảo đảm điều đó, một quốc gia cũng cần lưu giữ nhật ký tất cả các hoạt động truy cập để các cơ quan quản lý và công dân thường xuyên có thể kiểm tra xem ai đã xem các dữ liệu của cá nhân nào đó. Vấn đề then chốt ở đây là sự minh bạch đối với công dân. Với tư cách là một công dân tôi có thể xem ai đã truy cập vào dữ liệu của mình, điều này giải quyết phần lớn nỗi sợ hãi lớn nhất của công dân: quyền riêng tư. Tôi biết ai xem dữ liệu của mình. Chính phủ cũng cần phải có khả năng kiểm soát các công chức của mình.

Các bộ, ngành cũng cần số hóa hồ sơ lưu trữ của mình để công dân và các cơ quan có thể truy cập chúng. Những dữ liệu hoặc hồ sơ lưu trữ chưa được số hóa mà vẫn ở trên giấy là hiện thân của những dữ liệu mà người dân không thể truy cập và do đó vẫn nằm ngoài quá trình số hóa. Quá trình số hóa hồ sơ lưu trữ này cũng sẽ mất thời gian.

Tuy nhiên, một khi dữ liệu và hồ sơ lưu trữ được số hóa, chính phủ có thể thực hiện được một lợi ích bổ sung và rất quan trọng của một cấu trúc được thiết kế tốt trong đó việc truy cập yêu cầu nhận dạng với một ID có tính bảo mật cao: đó là quy tắc chỉ một lần duy nhất. Quy tắc hoặc quy định này có nghĩa là công dân không bị yêu cầu cung cấp một dữ liệu nào đó nếu nó đã có trong hệ thống. Vì các cơ sở dữ liệu đều phụ thuộc vào mã định danh duy nhất của người dùng là công dân nên có thể loại bỏ tình trạng lặp lại gây mệt mỏi đối với công dân trong việc tương tác với chính quyền.

Thủ tục có tính tiêu chuẩn ở hầu hết các quốc gia tại đó các đơn vị cung cấp dịch vụ công khác nhau liên tục hỏi về địa chỉ, số điện thoại, ngày sinh,... của công dân, được xóa bỏ. Khi tôi điền tờ khai thuế của mình, tất cả dữ liệu liên quan đã có ở đó: tiền lương của tôi, các khoản đóng góp từ thiện được khấu trừ thuế của tôi, các con tôi là người phụ thuộc. Đây là yếu tố căn bản tạo nên sự hài lòng của công dân đối với quản trị số.

Một điểm cuối cùng về cấu trúc trao đổi dữ liệu. Cấu trúc của Estonia, hệ thống trao đổi dữ liệu số được gọi là Xa lộ X (X-Road), một nền tảng mã nguồn mở, không thuộc sở hữu độc quyền, hiện đã được 15 quốc gia triển khai ở các mức độ khác nhau. Quả thực, ngày nay, bằng cách sử dụng nền tảng này, người Estonia và người Phần Lan có thể mua thuốc theo đơn thuốc của họ tại bất kỳ hiệu thuốc nào ở quốc gia kia. Tôi tin rằng đây là làn sóng của tương lai và sẽ bắt đầu đưa các dịch vụ công lên trình độ của khu vực tư nhân - kết nối các dịch vụ qua biên giới và thực hiện việc này trên một nền tảng tương thích với độ an toàn cao.

Tuy nhiên, cấu trúc cụ thể được sử dụng lại không quan trọng. Kể từ khi tạo ra Xa lộ X gần 20 năm trước, một số hệ thống khác đã được phát minh ra. Một chính phủ cần quyết định phần mềm nào là tốt nhất, mặc dù là phần mềm mã nguồn mở, không thuộc sở hữu độc quyền có chi phí thấp hơn và mang lại tính linh hoạt hơn nhiều cho chính phủ. Điều quan trọng là các kết nối giữa các cơ quan và công dân tuân thủ luật pháp và quy định của đất nước, đúng như được thực hiện với các cơ quan hành chính truyền thống dựa trên giấy tờ.

Quyền riêng tư và tính toàn vẹn của dữ liệu

Có lẽ mối quan tâm lớn nhất của mọi người khi thảo luận về quản trị điện tử là câu hỏi: thế quyền riêng tư thì sao? Nói chung, câu trả lời của tôi là dựa trên sự minh bạch chung và có đi có lại trong hệ thống của Estonia, tại đó tôi có thể biết ai đã xem dữ liệu của mình, tôi cảm thấy an toàn hơn về quyền riêng tư của mình với hệ thống số hơn là hệ thống giấy tờ mà trong đó nếu có cũng rất ít hồ sơ lưu trữ về những người đã truy cập dữ liệu của tôi.

Hãy xem xét trường hợp của tay đua xe Công thức 1 Michael Schumacher, một trong những nhân vật của công chúng được biết đến nhiều nhất ở châu Âu, người bị tổn thương não nghiêm trọng trong một vụ tai nạn trượt tuyết kinh hoàng vào năm 2013. Trong vòng vài giờ sau vụ tai nạn, báo chí lá cải đã ngập tràn những bức hình chụp X- quang và hồ sơ bệnh án của anh. Không thể truy ra nguồn gốc của những thứ này vì chúng là hồ sơ giấy. Trong một hệ thống số hóa đúng cách, điều này là không thể. Tất cả các hồ sơ là hồ sơ số và quyền truy cập chúng luôn bị giới hạn ở các bác sĩ được cấp quyền thông qua ID của họ và mọi người thực hiện việc truy cập đều được hệ thống ghi lại.

Do đó, ở Estonia cũng như vậy, hồ sơ sở hữu tài sản được công khai; bất cứ ai cũng có thể xem những tài sản nào thuộc sở hữu của tôi và quả thực khi tôi còn đương chức, các nhà báo thường xuyên săm soi những hồ sơ đó, có lẽ với hy vọng tìm được tin sốt dẻo nào đó. Nói cách khác, quyền riêng tư dựa trên sự minh bạch, sự hiểu biết rằng tất cả các truy cập đều được hệ thống ghi lại.

Tuy nhiên, việc mọi người nhấn mạnh, nếu không phải là lo sợ, về quyền riêng tư trong quản trị số, lại bỏ qua một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều đi kèm với số hóa: tính toàn vẹn của dữ liệu, trụ cột thứ ba của lòng tin và bảo mật trong các dịch vụ công. Quyền riêng tư là nguyên tắc mà theo đó không ai khi không có sự cho phép của bạn có thể xem dữ liệu của bạn; tính toàn vẹn của dữ liệu có nghĩa là không ai khi không có sự cho phép của bạn có thể thay đổi nó. Mức độ quan tâm đến sự khác biệt quan trọng này vẫn còn quá thấp.

Đúng, quyền riêng tư là quan trọng và bạn có lý do để lo lắng nếu ai đó đã truy cập hồ sơ y tế hoặc tài khoản ngân hàng của bạn. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu ai đó thay đổi hồ sơ y tế của bạn? Ví dụ, nếu thông tin về nhóm máu của bạn, hoặc số tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn bị thay đổi. Tất cả chúng ta cần quan tâm đến tính toàn vẹn của dữ liệu nhiều hơn nhiều so với hiện nay.

Điều này không chỉ đúng với dữ liệu cá nhân. Ví dụ, nó cũng đúng với các luật và các vụ kiện của tòa án mà chỉ tồn tại ở định dạng số. Hãy tưởng tượng nếu ai đó thay đổi một luật hoặc các chi tiết của một vụ án. Làm thế nào để bất kỳ ai đều biết nếu nó đã bị thay đổi? Kể từ năm 2008, đến nay đã là 12 năm, Estonia đã đưa tất cả dữ liệu có tính quyết định vào một sổ cái phân tán riêng (private distributed ledger), hay còn gọi là “chuỗi khối” (“blockchain”) riêng như mọi người thường gọi.

Tất cả sổ đăng ký dân cư, hồ sơ y tế, hồ sơ tài sản và tòa án, hồ sơ thuế và lương hưu cũng đều được bảo mật. Đây là một bước sống còn phải thực hiện đối với các dịch vụ công được số hóa: hồ sơ số tất nhiên là tâm điểm của bất kỳ xã hội hiện đại nào và tất cả chúng ta đều lo ngại về việc chúng bị xâm phạm. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ. Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nhiều đến tính toàn vẹn của dữ liệu trong trường hợp hệ thống bị xâm phạm.

Số hóa thay đổi 5.000 năm quản trị

Điều then chốt để hiểu được cách thức số hóa làm thay đổi mạnh mẽ quản trị nằm ở bản chất của Nhà nước. Sự hình thành nên Nhà nước - vào khoảng cùng thời điểm 5.000 nghìn năm trước ở Trung Quốc, Lưỡng Hà và Ai Cập - xuất hiện đồng thời với chữ viết và ghi chép. Quả thực, chúng ta có thể thừa nhận rằng chính việc lưu giữ hồ sơ, một việc cần thiết để Nhà nước sơ khai có thể thực hiện quản lý, đã dẫn đến sự hình thành chữ viết. Các chính quyền sơ

khai này cần thu thuế, cần biết có bao nhiêu ngũ cốc đã được trồng, có thể huy động bao nhiêu người vào quân đội. Tất cả các Nhà nước hoạt động cần lưu trữ hồ sơ, và việc quản lý nhà nước đòi hỏi phải có một bộ máy hành chính, một nhóm người theo dõi các công việc của Nhà nước, những người có thể làm cho các hồ sơ ghi chép dễ hiểu. Việc viết các tác phẩm văn học, như bộ Sử thi Gilgamesh hay Luận ngữ của Khổng Tử, sau đó mới xuất hiện.

Để hiểu được tầm vóc của cuộc cách mạng do số hóa mang lại, chúng ta cần hiểu quản trị, hay nói cách khác, việc quản lý nhà nước, mà trong trường hợp này có thể là một thành phố, một tỉnh hoặc các đơn vị nhỏ hơn của Nhà nước, luôn là một quá trình tuần tự hoặc nối tiếp như thế nào.

Dù ở trong trạng thái hiện đại (nhưng chưa được số hóa) ở dạng số như các bảng excel hoặc tệp pdf, hoặc trên giấy, giấy cói hoặc bảng đất sét, thì kể từ khi bắt đầu có Nhà nước, các tài liệu, hồ sơ, thống kê, mệnh lệnh đã được xử lý một cách tuần tự hoặc nối tiếp hoặc mỗi bước, mỗi lúc một hành động. Một tài liệu được gửi đến một văn phòng (cơ quan, bộ,...), nơi viên thư lại người Ai Cập hoặc thư ký của Bộ Xe cơ giới sẽ xử lý nó, nhập dữ liệu bằng tay hoặc máy vi tính và sau đó gửi tài liệu đó - qua đường thư nhanh hoặc đường thư thường giữa các cơ quan hoặc qua e-mail tới cơ quan tiếp theo, từ đó nó sẽ được gửi đến một cơ quan hành chính khác. Quá trình này có thể tiếp diễn thông qua bất kể bao nhiêu cơ quan.

Ví dụ, tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, việc thông qua một quan điểm của chính phủ về một vấn đề quốc tế có thể dễ dàng yêu cầu 15 cơ quan/đơn vị khác nhau ký duyệt (tất cả các cơ quan/đơn vị này không nhất thiết đều thuộc Bộ Ngoại giao) trước khi có thể đưa ra tuyên bố, hoặc trở thành chính sách, hoặc được sử dụng trong một bài phát biểu của Tổng thống.

Hoặc hãy xem những gì mà các bậc cha mẹ phải trải qua khi một đứa trẻ được sinh ra. Đầu tiên phải lấy giấy khai sinh cho đứa trẻ. Bạn có thể phải cung cấp giấy đăng ký kết hôn để đảm bảo đứa trẻ mang họ của cha. Với giấy khai sinh, bạn có thể làm đơn đăng ký bảo hiểm y tế. Ở nhiều quốc gia, bạn cần đăng ký trẻ sơ sinh như một cư dân. Bạn có thể cần làm đơn đăng ký các dịch vụ xã hội; nếu quốc gia của bạn có chế độ này như nhiều quốc gia đang có, bạn cũng cần làm đơn đăng ký xin nghỉ chế độ thai sản có hưởng lương,...

Các phê duyệt cần thiết được xử lý theo cách tuần tự nhưng không phải do chính phủ thực hiện. Trái lại, bạn phải tự mình làm những việc này. Một bản sao giấy khai sinh được chuyển đến cán bộ có liên quan trong một cơ quan. Trước kỷ nguyên máy vi tính, cán bộ đó sẽ phải tra cứu và kiểm tra dữ liệu của cha mẹ đứa trẻ trong tủ đựng tài liệu; ngày nay, các cán bộ hành chính có thể tham khảo cơ sở dữ liệu trên máy vi tính. Sau khi được chấp thuận/duyệt, người mẹ hoặc người cha của đứa trẻ sẽ tiến hành giai đoạn tiếp theo của quy trình.

Trong một xã hội số hóa, tất cả các bước tuần tự đó đều được thực hiện đồng thời. Mỗi cơ quan hoặc bộ hoặc đơn vị trong cơ quan/bộ tiếp nhận thông tin cùng một lúc và thực hiện bất cứ việc gì cần làm. Quan chức Bộ Ngoại giao chấp thuận đối với một tuyên bố, một cán bộ quản lý phương tiện cơ giới xác minh một người nộp đơn không có vé phạt vi phạm tốc độ nào còn chưa được nộp. Việc sinh con được bệnh viện đăng ký theo phương thức số, tất cả những gì cha mẹ phải làm là nói cho bệnh viện biết tên đứa con của mình.

Từ đó, chính quyền sẽ cấp giấy khai sinh, đăng ký nơi cư trú của đứa trẻ, cung cấp bác sĩ, tất cả các dịch vụ xã hội và y tế liên quan sẽ được bắt đầu một cách tự động và cha mẹ cần cho biết người mẹ hay người cha của đứa trẻ sẽ nghỉ phép. Tất cả đều được thực hiện ngay lập tức. Quá trình xử lý được thực hiện song song. Dữ liệu liên quan về cha mẹ đã có tại các cơ quan đăng ký có liên quan, máy vi tính chỉ đơn giản đưa ra quyết định giữa hai lựa chọn có hoặc không: liệu cha mẹ hoặc đứa trẻ có đủ điều kiện được hưởng dịch vụ này hay dịch vụ khác không.

Xử lý song song là điều then chốt để hiểu được tại sao số hóa quản trị lại nâng cao đáng kể hiệu quả và giảm rất nhiều thời gian lãng phí vào công việc hành chính quan liêu, được vận hành nối tiếp do con người làm trung gian.

Đây là điểm giúp tiết kiệm thời gian: giảm rất đáng kể các công việc cần thiết để vận hành hệ thống quản trị, nhưng quan trọng hơn là giảm thời gian và công sức của công dân trong xã hội. Đây có lẽ cũng là bài học quan trọng nhất cho các chính phủ và các nhà lãnh đạo của các chính phủ đó vì nó sẽ thay đổi quản trị vĩnh viễn.

Có thể bạn quan tâm

  • Số hoá một quốc gia: Nhìn từ trường hợp Estonia và những bài học (Kỳ 3)

    Số hoá một quốc gia: Nhìn từ trường hợp Estonia và những bài học (Kỳ 3)

    18:03, 04/10/2020

  • Số hoá một quốc gia: Nhìn từ trường hợp Estonia và những bài học (Kỳ 2)

    Số hoá một quốc gia: Nhìn từ trường hợp Estonia và những bài học (Kỳ 2)

    04:30, 03/10/2020

  • Số hoá một quốc gia: Nhìn từ trường hợp Estonia và những bài học (Kỳ 1)

    Số hoá một quốc gia: Nhìn từ trường hợp Estonia và những bài học (Kỳ 1)

    04:45, 02/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Số hoá một quốc gia: Nhìn từ trường hợp Estonia và những bài học (Kỳ 4)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO