Sơn mài Cát Đằng (Nam Định): Khát khao vươn khỏi biên giới

Lê Linh 26/03/2020 00:17

Sơn mài Cát Đằng khát khao được vươn tới thị trường quốc tế và taọ được một hiệp hội cho thương hiệu của mình.

Làng nghề sơn mài Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là làng nghề duy nhất được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

Nam Định là cái nôi của rất nhiều làng nghề nổi tiếng của Việt Nam. Rất nhiều sản phẩm đã trở thành biểu tượng của quê hương trên các quốc gia khác, trong đó có làng nghề sơn mài Cát Đằng.

Làng nghề sơn mài Cát Đằng có nhiều tên gọi khác nhau như: Sơn quang đồ nét, nghề thủ công mỹ nghệ sơn mài Cát Đằng, nghề sơn mỹ nghệ Cát Đằng, nghề sơn mài mỹ nghệ, nghề sơn dầu, nghề sơn chắp, nghề sơn mài đồ gỗ, đồ thờ Cát Đằng…

Theo các nghệ nhân cao tuổi ở Cát Đằng tên gọi “sơn mài” xuất hiện khoảng những năm 1930. Sơn mài Cát Đằng có đền thờ Thánh tổ nghề sơn là Ngô Đức Dũng và Ngô Ân Ba - người đã có công truyền dạy nghề sơn cho dân làng vào cuối thời Trần (đời vua Trần Thuận Tông thế kỷ XIV).

Yếu tố nổi bật làm nên thương hiệu của Cát Đằng là các sản phẩm đều rất tinh xảo và chứa đựng nhiều nét văn hóa, lịch sử trong đó. Với mỗi nghệ nhân của làng nghề, nghề sơn mài đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân Cát Đằng với hình thức “cha truyền con nối, ông làm cháu biết” nhưng bí quyết làng nghề vẫn được truyền lại cho những người khác làng muốn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đó chính là giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc của nghề sơn mài Cát Đằng.

Nghề sơn mài Cát Đằng và các sản phẩm của nghề sơn mài đều đạt đến trình độ tinh xảo thông qua hình dáng và nghệ thuật trang trí. Với nguyên liệu chính là sơn, qua bàn tay khéo léo, các nghệ nhân làng nghề đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hàng nét (trên chất liệu gỗ), hàng chắp (mây, tre, nứa...) sinh động và hấp dẫn. Sự khéo léo, tài hoa, sáng tạo của người nghệ nhân dân gian được thể hiện ở các nét vẽ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sơn mài đặc sắc, chứa đựng giá trị đạo đức, nhân văn sâu sắc.

Giá trị sử dụng của nghề sơn mài được minh chứng rõ nét trong đời sống nhân dân. Trong không gian của các di tích lịch sử - văn hóa như: đình, đền, chùa, phủ... hoặc nhà thờ, từ đường họ, những sản phẩm sơn son thếp vàng rực rỡ như các pho tượng, các cỗ ngai, khám, cửa võng, hoành phi câu đối... đã góp phần tô điểm cho nơi thờ tự thêm trang nghiêm lộng lẫy. 

Nhiều sản phẩm của làng nghề đã trở thành biểu tượng văn hóa truyền thống như: cơi đựng trầu, tráp ăn hỏi... đến nay vẫn được sử dụng trong các nghi lễ văn hóa truyền thống. Nhiều sản phẩm làng nghề được sử dụng để trang trí như các bức tranh tứ quý, các bộ bàn ghế, sập gụ khảm trai ốc... Những sản phẩm hàng chắp nứa của làng nghề được sử dụng để làm đồ lưu niệm, trang trí trong không gian gia đình, công sở.

Chất liệu sản xuất ra các sản phẩm chắp nứa thân thiện với môi trường nên được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ có nghề sơn mài mà thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân Cát Đằng đã được cải thiện. Tổng giá trị sản phẩm hằng năm của làng nghề lên tới hàng trăm tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động ngày càng được nâng cao. Chính vì vậy, những năm qua hệ thống cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi của địa phương được nhân dân đóng góp đầu tư xây dựng, các thiết chế văn hóa được xây mới, nhiều di tích được trùng tu tôn tạo đã góp phần tạo môi trường không gian văn hóa lành mạnh.

Trong giai đoạn hiện nay, nghề sơn mài Cát Đằng đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn. Đó là cơ chế thị trường, sự cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm đa dạng của các địa phương khác. Năng lực quản lý và kinh doanh của các chủ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ và tin học.

Mặt khác các nguồn nguyên vật liệu đang dần cạn kiệt và tăng giá, mặt bằng sản xuất nhỏ lẻ chật hẹp, tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và cộng đồng... Nhận thức được những thuận lợi và khó khăn của làng nghề truyền thống sơn mài Cát Đằng, UBND xã Yên Tiến đã xây dựng quy hoạch khu sản xuất làng nghề đến năm 2020.

Trong đó chủ trương dành một khu đất (cách xa khu dân cư) để tập trung các cơ sở sản xuất tập trung, quy hoạch các khu vực ngâm nứa, tre để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Bên cạnh đó, UBND xã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, Cty, cơ sở sản xuất vay vốn kinh doanh. Từ năm 2015 đến nay, các ngân hàng trên địa bàn huyện đã cho các hộ dân vay vốn ngân hàng lên tới hàng chục tỷ đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh, tập trung ở các xóm Đông Thịnh; Quyết Tiến; Hùng Vương; Tân Hưng. Các nguồn vốn vay đều được các hộ đầu tư vào việc mua nguyên vật liệu, máy móc, mở rộng sản xuất và kinh doanh sản phẩm truyền thống làng nghề.

Có thể bạn quan tâm

  • Gắn kết sản phẩm làng nghề truyền thống với du lịch

    Gắn kết sản phẩm làng nghề truyền thống với du lịch

    15:04, 03/01/2019

  • Nữ doanh nhân với khát vọng thắp lửa, phát triển làng nghề truyền thống

    Nữ doanh nhân với khát vọng thắp lửa, phát triển làng nghề truyền thống

    06:12, 08/03/2020

 Mặc dù đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các hình thức truyền thông hiện đại nhưng sơn mài Cát Đằng vẫn chưa đạt được tầm kỳ vọng như mong muốn. Cát Đằng vẫn chưa vươn tới thị trường quốc tế và taọ được một hiệp hội cho thương hiệu của mình.

Giá trị văn hóa và sử dụng của Cát Đằng rất bền bỉ với thời gian. Nếu có sự vào cuộc tích cực, một cây cầu kết nối và tạo ra thị trường tốt chắc chắn Cát Đằng sẽ còn vươn xa, vươn rộng và trở thành một nơi mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân làng nghề cũng như kinh tế địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sơn mài Cát Đằng (Nam Định): Khát khao vươn khỏi biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO