Nhờ phát huy hiệu quả của thẻ xanh COVID-19, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu đã dỡ bỏ các hạn chế trong nước.
Bước đi tiên phong
Với tỷ lệ tiêm chủng cao, gần 75% người dân hoàn thành hai mũi vaccine đã khẳng định hướng đi phù hợp của Copenhagen. Quốc gia này cũng là một trong những nước có số ca mắc COVID-19 mới thấp nhất ở châu Âu.
Theo các chuyên gia đánh giá, quy trình chống dịch hiệu quả của Đan Mạch có thể là kinh nghiệm bổ ích cho các quốc gia khác trên thế giới tham khảo và học hỏi, đặc biệt là trong việc triển kha “thẻ xanh vaccine”.
Từ cuối tháng 5, chính phủ Đan Mạch giới thiệu ứng dụng theo dõi tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19 để người dân sử dụng khi đến sân bay, bến cảng, hoặc nhà hàng, tương tự một tấm hộ chiếu vaccine có tên gọi Coronapass.
Coronapass lưu trữ và thể hiện các thông tin cho thấy người dùng đã tiêm vaccine, hoặc đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 từ hai đến 12 tuần, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 tiếng trước. Nếu có nhu cầu, người dân Đan Mạch cũng có thể in thẻ thông hành này ra giấy.
Coronapass ban đầu được tích hợp vào ứng dụng y tế cộng đồng MinSundhed, liên kết với hệ thống căn cước công dân của Đan Mạch. Mọi công dân Đan Mạch đều có một mã số nhận diện riêng biệt, gọi là CPR, và một thẻ y tế chứa mã truy cập tất cả thông tin sức khỏe.
Mỗi khi xét nghiệm tại điểm lấy mẫu do nhà nước quản lý, người dùng sẽ được quét mã để lưu trữ thông tin. Nếu người dân chọn xét nghiệm tại cơ sở tư nhân, đơn vị lấy mẫu cần ghi lại cố CPR hoặc quét mã nhận diện, sau đó gửi tin nhắn đến số điện thoại cá nhân của người dùng để thông báo kết quả xét nghiệm.
Người dân Đan Mạch cần xuất trình Coronapass để được dùng bữa tại nhà hàng, đến sân bóng đá, sử dụng một số dịch vụ hoặc tham gia các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao do tập trung đông người. Trẻ em được đặc cách không cần thẻ thông hành COVID-19.
Vào thời điểm Coronapass được triển khai, một khảo sát dư luận cho thấy 67% người Đan Mạch ủng hộ tiến hành thẻ xanh vaccine này, trong khi tỷ lệ phản đối là 16%.
Không chỉ Đan Mạch, một số quốc gia khác trên thế giới cũng đang thúc đẩy việc sử dụng thẻ xanh vaccine như Israel, Italy, Pháp… Sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều quốc gia cho biết, thẻ xanh vaccine đã có những thành công bước đầu.
Bài học kinh nghiệm
Các chuyên gia nhận định, việc ứng dụng thẻ xanh vaccine có thể được nhân rộng hơn nữa để các nước có thể quay lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, để chương trình thẻ xanh có thể thành công là tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, kết hợp với là tỷ lệ xét nghiệm trên toàn dân nhanh chóng.
Đan Mạch là một trong những nước có tỷ lệ xét nghiệm trên đầu người cao hàng đầu thế giới và người dân được xét nghiệm miễn phí mỗi tuần từ một đến hai lần. Đồng thời, tỷ lệ người dân Đan Mạch sẵn sàng tiêm chủng vaccine cũng ở mức cao nhất trong khu vực.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Michael Bang Petersen, thẻ xanh vaccine là các thẻ điện tử, do đó, cần có hệ thống cơ sở dữ liệu lớn để quản lý. Điều này dẫn tới những lo ngại về tính bảo mật cũng như các tranh cãi về quyền riêng tư khi các thông tin cá nhân của người dùng bị giám sát chặt chẽ.
“Đó chính là lý do vì sao thẻ xanh vaccine chưa được áp dụng rộng rãi. Tại Đan Mạch, người dân không lo lắng về việc lộ thông tin cá nhân. Nhưng tại Vương quốc Anh, Ủy ban Nhân quyền và Bình đẳng cho biết giấy thẻ xanh vaccine có thể dẫn đến những hành động phân biệt đối xử bất hợp pháp”, chuyên gia này phân tích.
Tương tự, việc yêu cầu người có thẻ xanh vaccine bắt buộc phải tiêm chủng đã gây ra phản ứng dữ dội từ các nhà vận động và các nhóm nhân quyền ở các quốc gia khác. Ở Israel, người ta lo ngại rằng người dân không được tiêm chủng, dù vì lý do gì, sẽ bị bỏ lại phía sau hoặc bị xa lánh.
Tiến sĩ Isaac Bogoch, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Toronto,nhận định, chương trình thẻ xanh vaccine cần phải được xây dựng và hoàn thiện trong một khoảng thời gian dài. Đã có một số bất cập xảy ra như hệ thống lỗi khiến dữ liệu y tế của người dân không được cập nhật kịp thời. Điều này làm số người không thể tiếp cận thẻ xanh dù đã tiêm chủng thậm chí có thể lên tới hàng nghìn người.
Do đó, để từng bước thực hiện thẻ xanh vaccine, chuyên gia này khuyến cáo, các quốc gia cần tiếp tục bắt buộc đeo khẩu trang và khuyến nghị giữ khoảng cách tại sân bay và trong các cơ sở y tế. Ở khu vực biên giới, hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt vẫn được áp dụng cho nước ngoài trước khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao trên toàn quốc.
Có thể bạn quan tâm
Sống chung với COVID-19: Mỹ tung chiến lược 6 mũi nhọn chống dịch
11:30, 12/09/2021
Để “sống chung” an toàn với COVID-19
06:00, 08/09/2021
Sống chung với COVID-19: Cách làm của người Ý
05:00, 07/09/2021
Sống chung với COVID-19: Góc nhìn từ Thái Lan
05:15, 06/09/2021
Chiến lược "sống chung với COVID-19" từ hai hình mẫu Châu Á
02:51, 05/09/2021