Dù thuyết trình dài dòng khiến Shark Nguyễn Xuân Phú mất kiên nhẫn nhưng Vina Chuối vẫn nhận được đầu tư.
Vina Chuối nhắm vào phân khúc khách hàng là công nhân viên chức, kêu gọi 2,3 tỷ đồng cho 10% cổ phần
Tập 5 Shark Tank Việt Nam mùa 2 mở màn đầy vui nhộn bằng vũ điệu chuối chiên của nhà sáng lập Phạm Như Cần, đến từ công ty thực phẩm Vina Chuối. Câu chuyện khởi nghiệp của anh Phạm Như Cần khá bất ngờ với câu nói: “khởi nghiệp với hai bàn tay trắng còn là may mắn, em khởi nghiệp cụt cả hai tay”.
Nhà sáng lập chia sẻ khá thành thật với các cá mập về khoản nợ 8 tỷ do trước đây kinh doanh thua lỗ vì thiếu hiểu biết. Như Cần chuyển vào TP HCM tiếp tục khởi nghiệp với tình yêu với các sản phầm từ trái chuối, để tìm nguồn tài chính nhằm tăng quy mô doanh nghiệp của mình, anh lên Shark Tank mong muốn kêu gọi số vốn 2,3 tỷ đồng đổi 10% cổ phần.
Mở đầu phần thuyết trình, Như Cần dẫn chứng nhu cầu tiêu dùng của ngưởi Việt cho thị trường ăn vặt là 650 triệu USD/ tháng theo thống kê từ Euro Medital và WNS. Tuy nhiên, thị trường dành cho người có thu nhập thấp và thị trường đường phố vẫn chưa được khai thác triệt để. Vì vậy, Vina Chuối là người tiên phong mở đường khai thác hai thị trường tiềm năng này. Đối tượng khách hàng chính mà Vina Chuối nhắm đến là phân khúc người dùng công nhân viên chức, nhân viên văn phòng.
Vina Chuối hiện có hai địa điểm bán hàng trực tiếp, đồng thời kết hợp bán hàng online qua kênh Foody. Trung bình bán ra khoảng 450 trái chuối/ ngày. Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu Vina Chuối đạt được hơn 950 triệu đồng, lợi nhuận là 47,5%. Nhà sáng lập tự tin, mô hình kinh doanh của Vina Chuối nhỏ nhưng mang lại hiệu quả cao. Hơn nữa, doanh nghiệp sở hữu công thức pha bột riêng đủ sức đánh bại các đối thủ trên thị trường, nguồn nguyên liệu chuối xiêm đen cũng được nhập từ tỉnh Tiền Giang, còn hệ thống chiên bằng máy được nhập khẩu từ nước ngoài. Và Vina Chuối đang có hai cửa hàng kinh doanh nằm ở vị trí đắt địa ngay giữa trung tâm quận 1 (TP.HCM).
Giải đáp thắc mắc kêu gọi 2 tỷ đồng để dùng vào mục đích gì từ Shark Dzung Nguyễn, Như Cần cho biết, anh sẽ đầu tư 200 triệu mở thêm cửa hàng mới, 120 triệu để đầu tư thiết bị, máy móc. Còn lại là tiền dự phòng. Ngay lập tức, số tiền Như Cần cần để dự phòng quá lớn khiến các Shark hoang mang, cho rằng chi tiêu như vậy không hợp lý.
Phần thuyết trình lan man khiến Shark Phú mất kiên nhẫn nhưng Shark Dzung Nguyễn và Shark Thanh Việt "xuống tiền"
Hơn nữa, phần thuyết trình lan man của startup khiến Shark Phú mất hết kiên nhẫn, Chủ tịch Sunhouse dứt khoát từ chối đầu tư. “Anh quyết định không đầu tư vì anh thấy em trình bày rất dài dòng, không đi vào trọng tâm. Chính vì thế, em không có logic để giải quyết công việc được” - Chủ tịch Sunhouse nhận xét. Đồng quan điểm, cho rằng startup chỉ cần tiền từ nhà đầu tư và có lối nói chuyện lòng vòng, Shark Hưng cũng nhanh chóng lắc đầu.
Hiểu biết sâu sắc về nhân sự, sau khi nghe Như Cần chia sẻ khó khăn trong tuyển dụng nhân sự, Shark Linh đồng cảm: “Những cái em mô tả chị rất thông cảm, khi bắt đầu mình không có gì hết và mình không đủ vốn để tuyển người biết làm gì mình cần. Mình phải tuyển người chưa biết rồi hướng dẫn, từng bước rất chậm, rất khó và khổ”. Tuy nhiên, “cá mập” đến từ Vina Capital cũng từ chối rót vốn với lý do: “Vấn đề chị thấy là em chưa đủ kỹ năng để giải quyết hết các vấn đề trong công ty. Bởi vì, em là người bán hàng, đam mê về sản phẩm nhưng em cần một người để cân đối lại”.
Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi hai “cá mập” Nguyễn Thanh Việt và Dzung Nguyễn lại bày tỏ sự thích thú với món ăn dân dã Việt Nam. Shark Dzung Nguyễn bất ngờ tiết lộ ông xuất thân từ nông thôn nên tuổi thơ gắn liền với cây chuối. Ngày xưa, ông từng bào chuối để nuôi heo cho nên ngay từ khi startup này xuất hiện, ông đã muốn được hỗ trợ. “Mặc dù, sản phẩm này không phải là sản phẩm anh quan tâm nhưng anh muốn đầu tư vì đơn giản nó tốt cho sức khỏe và hỗ trợ liên quan đến nông nghiệp” – Shark Dzung Nguyễn nói.
Trái ngược với các nhà đầu tư khác, Shark Việt bày tỏ sự thích thú với khả năng nói nhiều của Như Cần vì “người nói nhiều thì mình đỡ phải nói”. Chủ tịch Intracom đồng ý đầu tư với điều kiện phải có Shark Dzung Nguyễn đầu tư cùng vì ông muốn Vina Chuối phải có người quản lý kinh tế, còn nhà sáng lập phải thắt chặt chi tiêu.
Cuối cùng, cú “bắt tay” giữa Phạm Như Cần với hai Shark Việt và Dzung Nguyễn đã diễn ra nhanh chóng cho số tiền đầu tư là 2,3 tỷ đồng trong đó 1 tỷ đồng đối lấy 51% cổ phần sẽ được hai “cá mập” sẽ rót trước để giải quyết vấn đề trước mắt là thiếu dòng tiền để kinh doanh, số tiền còn lại sẽ được giải ngân theo tình hình thực tế của công ty.
Shark Dzung Nguyễn sẽ đưa người vào giám sát quá trình hoạt động cũng như tất cả chi tiêu, cho đến lúc thành công, startup “đủ lông đủ cánh” thì sẽ giao lại công ty. Nhà sáng lập của Vina Chuối tự tin cam kết trong 3 năm sẽ mua lại số cổ phần gấp 2 lần tiền đầu tư từ các Shark vì niềm tin vào sự thành công của dự án trong tương lai.
Vài nét về Vina Chuối
- Vina Chuối chuyên về các món ăn liên quan đến chuối như chuối chiên, sinh tố chuối... Trung bình bán ra khoảng 450 trái chuối/ ngày. Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu Vina Chuối đạt được hơn 950 triệu đồng, lợi nhuận là 47,5%.
- Kêu gọi 2,3 tỷ đồng cho 20% cổ phần
- Kết quả: Shark Việt và Dzung Nguyễn đầu tư là 2,3 tỷ đồng trong đó 1 tỷ đồng đối lấy 51% cổ phần, số tiền còn lại sẽ được giải ngân theo tình hình thực tế của công ty.
Những “Nỗi đau triệu USD” chưa từng tiết lộ của Shark Vương (P2): Ra quyết định khi cảm xúc đang lên cao nhất, có 1 đồng nhưng vay ngân hàng tận 10 đồng.
Tựa bài do enternews đặt