Các công ty khởi nghiệp sử dụng nhiều nền tảng công nghệ khác nhau nhằm kiểm soát công việc từ xa, song vẫn còn không ít trở ngại trong việc quản lý nhân sự.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều công ty khởi nghiệp tại Việt Nam lựa chọn phương án làm việc từ xa, trong đó xây dựng quy trình Remote Working nhằm quản lý hiệu quả công việc.
Icetea - một startup về blockchain sử dụng hàng loạt các nền tảng công nghệ để kiểm soát công việc. Các nhiệm vụ, đầu mục công việc được phân công qua Github, chat và trao đổi giữa các nhân sự bằng Slack hoặc Telegram, họp với khách hàng qua nền tảng phòng họp ảo Zoom.
Nguyễn Hiếu Tài, Phụ trách bộ phận marketing tại VHP Telecom cho biết, công ty áp dụng mô hình làm việc từ xa theo từng cấp độ và phòng ban. "Thời gian đầu công ty cho một số bộ phận làm ở nhà. Khi mọi thứ ổn định mới đến cấp lãnh đạo", Tài nói.
Đáp ứng xu hướng làm việc từ xa, cộng đồng startup Việt đã thành lập một nhóm riêng để chia sẻ kinh nghiệm. Nhiều công cụ chat, kết nối nhân viên, tương tác với khách hàng đã được giới thiệu để cộng đồng cùng sử dụng.
Theo thống kế của Vietnam Remote Working, hiện ứng dụng được công ty khởi nghiệp sử dụng phổ biến lúc này gồm là G Suite (Gmail, Google Drive, Google Hangouts, Google Calendar, và Google Docs). Bên cạnh đó, nền tảng quản lý như Trello, Slack, Skype, chat Facebook hay Zalo là kênh để các bên duy trì liên lạc khi ở ở địa điểm khác nhau.
Dù có nhiều công cụ miễn phí làm việc từ xa, song sử dụng trên quy mô lớn vẫn khiến nhiều công ty gặp trở ngại. Nguyễn Hiếu Tài băn khoăn về yếu tố tâm lý của nhân viên. "Đôi khi việc ngủ thêm 30 phút so với bình thường, hay lòng vòng tìm một chỗ thật ưng ý để ngồi làm cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Có các tình huống như nhân viên biến mất trong vài chục phút, gọi điện không nghe, chat không trả lời hoặc không đảm bảo được tính tương tác giữa các phòng ban trong công ty", vị này nói.
Bùi Lê Mỹ Dung, founder của startup Xưởng Content cho biết, làm việc tại nhà không phù hợp với công việc sáng tạo vì không có cảm hứng. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Trong khi đó, một số đơn vị tìm kiếm các giải pháp khắc phục liên quan đến vấn đề quản lý nhân sự. Doanh Trần, quản lý dự án tại TK Media cho biết, công ty đã áp dụng mô hình làm việc từ xa một thời gian dài nhằm tiết kiệm chi phí duy trì văn phòng. Theo Doanh, để đảm bảo hiệu quả công việc, startup phải có một bộ OKRs (Objectives & Key Results). OKRs giúp dẫn dắt team đi đúng hướng, thực hiện công việc đúng theo nguyện vọng của cấp cao đề ra. Các nhân sẽ tự biết mình cần phải làm gì.
Để quản lý công việc hiệu quả, TK Media cũng sử dụng nhiều công cụ để phân công và giao tiếp như: Asana - ứng dụng giao việc, nhắc việc; LastPass - ứng dụng chia sẻ login/password; Hubstaff - ứng dụng check giờ làm việc của nhân viên thông qua hình thức tự động chụp màn hình 10 phút một lần. Ngoài ra, theo Doanh Trần, về lâu dài, nếu startup muốn theo đuổi mô hình làm việc từ xa, việc sàng lọc nhân sự phải được thực hiện ngay từ khâu tuyển dụng. Nên chọn những ứng viên có phong cách làm việc phù hợp với mô hình này.