Startup có nên né tránh đăng ký quyền sở hữu trí tuệ?

Mỹ Huyền 05/09/2018 12:56

Luật sư Phạm Thị Thoa, Giám đốc Công ty Luật TNHH Aplolat Legal chia sẻ về các cơ chế bảo vệ startups khỏi việc bị đánh cắp các quyền sở hữu trí tuệ.

Trước khi bước vào các cuộc thi khởi nghiệp hoặc gặp gỡ các nhà đầu tư, một số startup thường cảm thấy lo sợ ý tưởng về dự án khởi nghiệp của mình của mình có thể bị người khác sao chép. Nhưng chi phí và thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ làm họ chùn bước...

- Khi tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp một số startup trẻ tuổi phải trình bày về ý tưởng dự án của họ, điều này có ảnh hưởng đến việc độc quyền về ý tưởng hay dự án của họ?

Luật sư Phạm Thị Thoa: Đã có rất nhiều startup tìm đến công ty chúng tôi để được tư vấn về quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ trước khi bước vào các cuộc thi và tiết lộ về ý tưởng đã được họ đầu tư nhiều công sức và trí tuệ. Chúng tôi thường khuyên các startup còn ở giai đoạn ý tưởng thì không nên đi thi. Lời khuyên này có vẻ chủ quan nhưng trên thực tế thì trong các cuộc thi có rất nhiều người tham gia, ý tưởng của các startup khó có thể được giữ bí mật. Giải thưởng của các cuộc thi chỉ mang tính khích lệ, các bạn có thể nhận được 100-200 triệu đồng nhưng phải để lên bàn cân lợi ích mang lại từ cuộc thi và nguy cơ rò rỉ thông tin của dự án.

Nhiều startup có tâm lý e ngại với thủ tục và chi phí khi đăng ký sở hữu trí tuệ - LS Phạm Thị Thoa.

Nhiều startup có tâm lý e ngại với thủ tục và chi phí khi đăng ký sở hữu trí tuệ - LS Phạm Thị Thoa.

Những startup nghiêm túc có thể tự triển khai dự án của mình thay vì dựa vào số vốn khiêm nhường từ những cuộc thi để tránh rủi ro lộ bí mật kinh doanh hay sở hữu trí tuệ. Nhưng cũng không thể không nói đến cái lợi được quảng bá tên tuổi của mình khi đi thi đã khuyến khích các startup chăm chỉ đi thi. Nếu các dự án đã được triển khai trên thực tế thì mô hình kinh doanh của họ không còn là bí mật nữa khi đó việc đi thi, được quảng bá hình ảnh, kết nối môi trường kinh doanh, tìm kiếm nhà đầu tư rõ ràng là một mối lợi cho họ.

- Cũng đã có các startup than phiền là mình không được lợi gì khi cùng các công ty triển khai dự án của mình sau khi đi thi?

Khi đi thi các cuộc thi khởi nghiệp do các công ty khởi xướng, startup cần nhận biết rõ việc triển khai dự án sẽ được thực hiện như thế nào. Các startup quá hào hứng thi tài trong cuộc thi mà quên để ý các điều khoản ban đầu nên dễ bị hụt hẫng sau này khi thực tế triển khai dự án được thực hiện dưới hình thức hoàn toàn khác với trí tưởng tượng của mình. Ví dụ, các công ty sẽ xem các dự án thắng giải nằm trong quyền khai thác sử dụng của công ty và chỉ ký hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc dài hạn với các startup. Khi dự án đã hoàn thành xong hay hợp đồng lao động hết thời hạn thì các công ty này không có nghĩa vụ gì khác với startup. Trong khi startup hoàn toàn có thể thương thuyết trước với ban tổ chức cuộc thi vị trí của mình trước khi vào dự án. Cụ thể, họ sẽ là cổ đông hay đối tác góp vốn bằng sáng chế, bí mật kinh doanh, các tài sản sở hữu trí tuệ khác và xác định phạm vi quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu của mình trong dự án đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Thu hút đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    19:39, 04/09/2018

  • Shark Hưng kết luận: Khởi nghiệp cô đơn mới là nỗi đau lớn nhất

    04:28, 01/09/2018

  • VinSmart mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BQ để sản xuất điện thoại thông minh Vsmart

    10:33, 06/07/2018

  • Sở hữu trí tuệ là công cụ hỗ trợ năng lực cạnh tranh cho startup

    04:25, 30/05/2018

  • Ô tô Vinfast được bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Liên minh Châu Âu

    17:08, 02/04/2018

  • Việt Nam ký kết hợp tác với Pháp về công nghệ vũ trụ và sở hữu trí tuệ

    20:10, 26/03/2018

 - Có những rắc rối tương tự giữa startup và các nhà đầu tư không?

Cũng có một số startup vướng vào vấn đề cổ phần và quyền kiểm soát công ty khi mời nhà đầu tư góp vốn xây dựng công ty khởi nghiệp và đổi lấy cổ phần. Vốn của nhà đầu tư càng nhiều, quyền kiểm soát họ càng lớn đến lúc đó các thành viên sáng lập không còn quyền quản lý công ty. Vì lẽ đó, các startup nên cân nhắc tỷ lệ cổ phần hợp lý, đặc biệt là xem các quyền sở hữu trí tuệ như là tài sản để định giá góp vốn vào doanh nghiệp.

- Các startup muốn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình trước khi tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp hay gặp gỡ các nhà đầu tư thì nên chuẩn bị những gì?

 Nếu các startup chỉ có các ý tưởng kinh doanh thương mại thì không thể bảo hộ dưới dạng các quyền sở hữu trí tuệ được ngoại trừ việc bảo vệ nó dưới dạng bí mật kinh doanh. Startup muốn đăng ký sở hữu trí tuệ cho ý tưởng kinh doanh của mình thì phải hiện thực hóa ý tưởng đó. Ví dụ, để được cấp bằng độc quyền sáng chế thì sản phẩm của họ phải hội đủ các tiêu chuẩn như phải là một giải pháp kỹ thuật có khả năng áp dụng công nghiệp, có tính mới, tính sáng tạo trên phạm vi toàn thế giới.

Từ quá trình thực hiện ý tưởng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ sẽ hình thành. Ở giai đoạn ý tưởng, nghiên cứu tạo ra sản phẩm thì đối tượng quyền sở hữu trí tuệ có thể là bí mật kinh doanh, là sáng chế, là giải pháp hữu ích. Ở giai đoạn thương mại đưa sản phẩm ra thị trường thì xuất hiện tên thương mại, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm... Ngoài ra trong suốt quá trình này còn phát sinh các bản quyền về bản vẽ thiết kế, hình ảnh, tác phẩm âm nhạc…Theo đó, các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ phát sinh liên tục trong quá trình triển khai, hiện thực hoá ý tưởng kinh doanh. Startup phải nhận biết được cái đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của mình để từ đó đưa ra phương án bảo vệ từng đối tượng theo quy định pháp luật. Và quan trọng nhất làm sao thương mại hoá được sản phẩm, dịch vụ và cả các đối tượng quyền sở hữu trí nêu trên.

- Startup có thể bảo vệ bí quyết kinh doanh của mình như thế nào?

Họ có quyền yêu cầu ban tổ chức cuộc thi, các nhà đầu tư ký vào biên bản bảo mật khi tiết lộ bí mật kinh doanh của mình. Nếu các bên liên quan trong biên bản bảo mật tiết lộ chi tiết về ý tưởng mà startup trình bày có thể bị kiện ra Tòa án. Tuy nhiên, đa số các startup chưa biết quyền đó của mình và đôi khi họ hoàn toàn không biết bảo vệ bí mật kinh doanh. Khi trình bày ý tưởng kinh doanh của mình với các nhà đầu tư, hay tham gia các cuộc thi, họ không đòi hỏi các người liên quan phải ký vào biên bản bảo mật. Thậm chí họ còn công khai trên các phương tiện truyền thông khi được báo chí phỏng vấn. Rồi để đến lúc trách ai đó sao chép ý tưởng kinh doanh, nhưng không có một cơ chế nào để bảo hộ ý tưởng của mình.

 Một tâm lý khác cũng ảnh hưởng việc bảo vệ bí mật kinh doanh của startup trẻ gọi vốn từ các nhà đầu tư để triển khai ý tưởng, họ thường có tâm lý thế yếu hơn của người đang cần vốn trong bàn đàm phán nên nhiều lúc cả nể không dám yêu cầu nhà đầu tư ký vào biên bản bảo mật. Hoặc trong trường hợp có biên bản bảo mật thì một số startup do thiếu kinh nghiệm nên không ghi rõ chi tiết cần bảo mật là gì nên biên bản gần như không có tác dụng. Những trường hợp như nếu không thể quay phim hoặc ghi âm làm bằng chứng thì nên liệt kê chi tiết các nội dung startup tiết lộ trong biên bản cảm kết bảo mật để các bên ký xác nhận.

- Những rào cản nào làm startup hay các doanh nghiệp né tránh việc đăng ký sở hữu trí tuệ?

Chi phí và các thủ tục là một những nguyên nhân làm các startup ngại đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Quy trình đăng ký sáng chế khá phức tạp và startup thì khó hiểu được làm sao có thể bảo vệ tốt nhất quyền của mình và khai thác nó một cách hiệu quả. Chi phí cho việc đăng ký sáng chế cũng khá cao.

Còn về q.uy trình đăng nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ theo luật tối đa là 12 tháng, trên thực tế các doanh nghiệp đi đăng ký nhãn hiệu mất từ 18 đến 24 tháng. Được biết mỗi năm có 40.000 đơn xin cấp bằng nhưng Cục chỉ có vài chục người để xử lý dẫn đến tình trạng quá tải. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp muốn li-xăng (chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp), nhượng quyền kinh doanh cũng phải chờ đợi để có thể chuyển nhượng mô hình kinh doanh của mình.

Nhưng chúng tôi cũng khuyên các startup nên đi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ vì nếu họ được cấp bằng độc quyền họ sẽ được bảo hộ từ khi họ đi nộp đơn đăng ký. Họ có thể chưa kiện được người vi phạm quyền sở hữu của mình nhưng có thể gửi thư nhắc nhở về việc đó, quyền này được bảo lưu cho đến khi họ được cấp bằng. Khi được cấp bằng họ còn có thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại trong thời gian bảo lưu.

- Quyền sở hữu trí tuệ được ứng xử như thế nào trong nội bộ startup?

Trong nhóm startup có hai người trở lên nếu có ký kết biên bản bảo mật để bảo vệ ý tưởng của nhóm thì dù một người trong nhóm rời đi cũng khó có thể tiết lộ ý tưởng chung nếu không muốn bị kiện. Trên nguyên tắc, công ty sẽ là người sở hữu tất cả tài sản sở hữu trí tuệ của dự án, đóng góp của những người sáng lập sẽ được thể hiện trên phần trăm vốn góp.

- Vậy startup có thể nhờ cậy luật sư cố vấn cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không?

Các dự án startup thường chưa đủ khả năng chi trả cho luật sư để được cố vấn cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho ý tưởng kinh doanh của mình. Nhưng có một số startup đầu tư nghiêm túc vào dự án của mình thì họ sẽ tìm đến luật sư nhờ trợ giúp. Đến lúc này luật sư sẽ đánh giá dự án giống như một nhà đầu tư vậy, họ sẽ tính đến tính khả thi của dự án, đội ngũ có đủ khả năng quản lý dự án không, sản phẩm có thương mại hóa được không? Luật sư sẽ trở thành cổ đông của dự án và sẽ theo sát startup trong quá trình gọi vốn và đàm phán với các nhà đầu tư.

- Nếu việc đăng ký sở hữu trí tuệ quá mất thời gian và chưa chứng minh được tính khả dụng thì startup hay doanh nghiệp có thể bỏ qua bước này?

Việc đăng ký để được công bố độc quyền các sáng chế của mình thực ra có lợi cho toàn xã hội. Khi bạn công bố sáng chế của mình thì đã đóng góp cho xã hội một công thức mới, một giải pháp kỹ thuật mới mà mọi người có thể cùng nghiên cứu và cải tiến chứ không bị giấu kín và mai một theo thời gian. Khi đã được chứng nhận độc quyền khai thác sáng chế của mình thì khi người khác sử dụng sáng chế của bạn phải trả tiền bản quyền cho bạn. Từ đó bạn có một nguồn thu nhập thụ động từ việc người khác sử dụng sáng chế của bạn, khi này bạn có dư thời gian để tiếp tục nghiên cứu cải tiến sản phẩm của mình thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ. Trong một sản phẩm đôi khi giá trị quyền sở hữu trí tuệ còn cao hơn cả giá trị nguyên vật liệu, nhân công tạo ra sản phẩm đó.

Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã nhìn ra lợi ích từ cơ sở dữ liệu sáng chế của nước khác và khai thác cải tiến những nghiên cứu có sẵn để phục vụ cho hoạtđộng kinh doanh thương mại của doanh nghiệp mình. Nguyên nhân của việc này là từ nguyên tắc lãnh thổ của quyền sở hữu công nghiệp. Tức là đăng ký sáng chế, nhãn hiệu tại quốc gia nào thì sáng chế, nhãn hiệu này chỉ được bảo hộ tại phạm vi quốc gia đó nếu được cấp bằng. Từ đó startup khai thác danh sách sáng chế được cấp bằng ở nước ngoài nhưng không được cấp bằng tại Việt Nam và sử dụng các sáng chế đó trong lãnh thổ Việt Nam sẽ không xâm phạm quyền sáng chế. Thay vì chúng ta tự tìm ra cái mới thì chúng ta nghiên cứu ứng dụng cái mới của người khác mà không vi phạm pháp luật không xâm phạm quyền của họ.

- Xử lý vi phạm bản quyền như thế nào?

Xử lý ở góc độ hành chính thì các cơ quan có trách nhiệm điều tra gồm Thanh tra Cục Sở hữu trí tuệ, Quản lý Thị trường và Công an Kinh tế. Xử lý ở góc độ kiện dân sự bao gồm các vụ kiện về thiệt hại thì được giải quyết ở Tòa án cho những trường hợp kiện về thiệt hại trong những vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Xin cảm ơn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Startup có nên né tránh đăng ký quyền sở hữu trí tuệ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO