Startup là mảng kinh tế đặc thù và chọn lọc nên nhìn nhận đầy đủ startup là gì, ai và ai trong bối cảnh, để có cách hiểu cách làm tương thích thiết nghĩ rất cần, lại ít được quan tâm.
Vài năm trở lại đây trong khi startup có vẻ đình đám thì mắt xích “đầu tư thiên thần” lại im ắng. Kênh đầu tư chuyên biệt này mà im ắng thì startup khó vươn xa. Startup là mảng kinh tế đặc thù và chọn lọc nên nhìn nhận đầy đủ startup là gì, ai và ai trong bối cảnh, để có cách hiểu cách làm tương thích thiết nghĩ rất cần, lại ít được quan tâm.
Các thiên thần máu lửa...
Cho dù startup cho ý tưởng độc, giải pháp hay, mô hình lạ, đó chỉ mới là các kết quả sáng tạo có tham vọng triển khai kinh doanh theo ước lệ quy mô (scalable business). Để trở thành thực thể kinh doanh quy mô như mong đợi, startup còn cần một chuỗi dài tiếp trợ. Trong đó nhà đầu tư thiên thần (angel investor) là bước gắn kết kế tiếp không thể thiếu. Vậy nhà đầu tư thiên thần là ai?
Thiên thần là cách xưng tụng để tôn vinh các mạnh thường quân đã nuôi các sân khấu Broadway một thời ở Mỹ. Trong tài chính, người “nuôi” startup cũng được đề cao là thiên thần, nhưng họ rất đời, không siêu nhiên như thiên sứ. Đó là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, thực dụng, mạo hiểm và có gan làm giàu (venture investor). Sự tham gia của họ giúp các ý tưởng “không giống ai” ở sân chơi startup có cơ hội thực hiện. Nơi các thiên thần xuống tiền thường chưa là chỗ ngon ăn, nên sự thành bại của một startup sẽ còn tùy thuộc mức độ ra công góp sức của họ, chứ không thuần là đầu tư tài chính. Đây là giới chọn lọc, các doanh nhân thành công, có kinh nghiệm trận mạc, người thành đạt mạnh gạo bạo tiền. Đặc biệt, những người về hưu còn đầy túi khôn và chưa hết lửa là các thiên thần tiềm năng.
Nhà đầu tư thiên thần đưa vốn vào các startup được ví như người gieo hạt, nên cách đầu tư này được gọi là đầu tư gieo hạt (seed investment). Tất nhiên, ai cũng muốn tìm đất tốt để xuống giống và mưu cầu bội thu, nhưng do không có gì bảo đảm, kết quả có thể là được ăn cả ngã về không, và thực tế ngã về không lại phổ biến. Do đó, mục tiêu thu nhập mà các thiên thần chuyên nghiệp trên thế giới đề ra thường vượt xa hơn mười lần vốn gốc trong vòng năm năm. Có vẻ cao? Không, vì họ có thể bị mất trắng.
Đây cần được xem là khoản bù rủi ro (risk premium), là phần thưởng dành cho các thiên thần dũng cảm. Bởi, các chủ thể startup tuy bảnh trai, dám nghĩ dám làm, lại thường là “trên răng dưới... dép”. Việc họ muốn có một angel tiếp bước là không dễ. Trong khi đó, ngân hàng lại không thể cho vay khi chỉ dựa vào “răng” và “dép”...
Nhà đầu tư thiên thần dù có hào phóng họ cũng không ở lâu với các chủ thể startup, chỉ năm ba năm là cùng. Do bản chất và đặc điểm đầu tư mạo hiểm, họ luôn hoạch định cho mình cửa thoát (exit strategy) dù thắng hay thua. Điều này lại cần, bởi sẽ có các thành tố khác “thế mạng” họ để startup lột xác lớn lên và định hình thực thể mong đợi. Đó là giai đoạn M&A và IPO theo ước lệ quy mô.
Đầu tư vào startup được khuyến khích, nhưng nhà đầu tư cần có điều kiện về tài và lực. Tại nhiều nước, chỉ người có tiền dư của để, được thừa nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp (accredited) mới tham gia mảng này. Theo quy định của SEC (Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch chứng khoán Mỹ) đó là người có vốn thuần tối thiểu 1 triệu đô la Mỹ và thu nhập hàng năm là 200.000 đô la (Luật JOBS, 2012).
Mặt khác, nếu các angel investor luôn có yêu cầu chọn mặt gửi vàng, thì dù cần vốn đến đâu các chủ thể startup cũng nên cân nhắc độ phù hợp (nói chung) khi chào đón người đồng hành đặc biệt này. Đây là gợi ý để phòng xa các mâu thuẫn hay xung đột có thể có do bất đồng quan điểm về cách làm và hướng đi dễ dẫn đến hư việc.
Nhà đầu tư thiên thần dù có hào phóng họ cũng không ở lâu với các chủ thể startup, chỉ năm ba năm là cùng. Do bản chất và đặc điểm đầu tư mạo hiểm, họ luôn hoạch định cho mình cửa thoát dù thắng hay thua.
Dù được nhắc nhiều ở phần trên nói về nhà đầu tư thiên thần, startup cần được đặc tả riêng để tránh các nhìn nhận phiến diện. Gần đây hầu hết các diễn đàn trong nước khi đề cập đến “khởi nghiệp” đâu đâu cũng gọi đó là startup. Hỏi các bạn trẻ startup là gì, sẽ được trả lời ngay đó là khởi nghiệp. Chưa đúng...
Cách hiểu chưa đúng như vậy của đại chúng và việc triển khai đại trà có hơi hướng phong trào như đang thấy tại Việt Nam có thể là một khuyết tật kéo lùi hoạt động startup.
Sẽ chưa cần dài dòng nếu không có người đặt vấn đề về ranh giới. Ranh giới để làm gì? Để phân định và nhận dạng cho đúng đâu là sân chơi startup, để có nhà đầu tư thiên thần, sự tập trung hiệu quả và chính sách khuyến dưỡng phù hợp (fostering). Bởi startup là hoạt động khai mở có tính đột phá, có lãnh địa riêng và không gian bay bổng riêng, không thể trộn chung với hoạt động khởi nghiệp “cơm gạo”. Xin mở ngoặc, khởi nghiệp cơm gạo (starting a business) là việc khởi tạo một hoạt động kinh doanh, gia nhập vào thị trường đang có, ban đầu thường nhỏ với tinh thần tự lập tự chủ (entrepreneurship/tinh thần doanh nghiệp). Điều này khác nhiều với hoạt động startup với tinh thần khai mở...
Tuy khó diễn đạt qua tiếng Việt, có thể hiểu startup là hoạt động khai mở, cho các ý tưởng đột phá về mô hình, giải pháp, sản phẩm công nghệ sáng tạo có khả năng triển khai thành cơ hội kinh doanh quy mô. Yêu cầu về ý tưởng đột phá, khâu tiếp sức và triển khai quy mô thương mại ở đây là các công đoạn thiết yếu, tiệm cận vào phân khúc “đại dương xanh” (Blue Ocean Strategy). Yêu cầu như vậy đặt startup trước thử thách sàng lọc, rủi ro cao trên đường đến đích. Mảng hoạt động đặc thù này không mới, nhưng được nhận diện lại theo hướng trí tuệ và là nhân tố tạo nên các làn sóng phát triển công nghệ tin học, sinh học, vật liệu mới, thị trường mới từ những năm 80 thế kỷ trước. Ngày nay, hoạt động khai mở thiên về công nghệ sáng tạo gắn với cuộc cách mạng 4.0. Đối tượng tham gia do vậy phải chọn lọc.
Là sân chơi giúp bật lên ý tưởng kinh doanh “không đụng hàng” và thử thách, startup được xem là có khởi nhưng chưa có nghiệp. Đây chỉ mới là giai đoạn gieo hạt, chưa có việc tổ chức làm ăn, nghĩa là chưa khởi nghiệp. Thuộc tính không chắc ở giai đoạn này (uncertainty/pilot testing) dẫn đến thực trạng rơi rụng chiếm phần lớn, và số đạt đích mong đợi có tỷ lệ rất thấp.
Nghiên cứu của Giáo sư Shikhar Ghosh (Đại học Harvard, Mỹ) cho biết có tới 75% thất bại, ngay cả với startup đã được tài trợ mạo hiểm (venture-backed startups). Tại Việt Nam, theo thống kê công bố tại một hội thảo chuyên đề tháng 10-2018, có hơn 80% startup trong nước bị yểu mệnh trước sau thôi nôi, và số sống sót chỉ vài ba phần trăm (VietnamBiz, 16-10-2018). Theo nhiều thông tin khác, thực tế rơi rụng có thể cao hơn 90%.
Là lĩnh vực thiên về sáng tạo (innovation) startup cần môi trường ươm tạo tập trung theo vùng địa lý hay hỗ trợ bằng chủ trương chính sách. Môi trường đó có vàng nhưng cần qua đãi lọc công phu. Và theo thuộc tính, muốn có “nghiệp”, startup sẽ cần nhà đầu tư thiên thần + cần phát triển quy mô qua M&A và IPO + cần thị trường chứng khoán.
Tại sao? Bởi không có thị trường chứng khoán sẽ không có M&A và IPO - Không có M&A và IPO sẽ không có nhà đầu tư thiên thần - Không có nhà đầu tư thiên thần startup khó cất cánh. Đây là các công đoạn cần thiết để xác lập một startup thành công.
Phân định rõ vậy để startup không lấn át và làm chao mờ hoạt động khởi nghiệp cơm gạo. Việc ưu tiên khuyến dưỡng kênh ươm tạo startup là cần, nhưng thiết nghĩ không nên quá ưu ái tập trung, không thể đại trà... Bởi cái nền cơm gạo của hơn 70% nông thôn và 98,1% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), từ nuôi trồng chế biến đến gia công phụ trợ, còn đang cần cù leo dốc trong điều kiện thô và sơ...