Startup Việt – những vướng mắc pháp lý nổi bật

Theo khampha 28/11/2018 04:29

Những tưởng rằng với mô hình hoạt động được xây dựng bằng cả niềm tin và tình thân sẽ ngày một vững bền, nhưng chính mô hình hoạt động này lại tiềm ẩn những nguy cơ “khai tử” startup.

Trong số những nguyên nhân thất bại của startup trên thế giới do tạp chí Forbes thống kê, hơn một nửa là từ đổ vỡ trong quan hệ nội bộ, những lúng túng trong quan hệ với cơ quan nhà nước hay những câu chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong quan hệ với đối tác…

Tất cả những điều đó đều phản ánh những vướng mắc pháp lý nổi bật mà startup nói riêng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói chung thường gặp phải.

Quản trị nội bộ doanh nghiệp – Tề gia rồi mới trị quốc

Mô hình điển hình của các startup là những người cùng nung nấu một ý tưởng sáng tạo, thường là anh em, bạn bè cùng nhau chia sẻ đam mê, từ đó phát triển, thành lập công ty. Để tiết kiệm chi phí và thêm phần yên tâm, trong giai đoạn đầu, startup thường không tuyển dụng lao động ngoài mà nhờ người thân, bạn bè giúp đỡ trong hoạt động của công ty.

Những tưởng rằng với mô hình hoạt động được xây dựng bằng cả niềm tin và tình thân sẽ ngày một vững bền, nhưng chính mô hình hoạt động này lại tiềm ẩn những nguy cơ “khai tử” startup. Sự không phân tách rõ ràng giữa quan hệ thân thuộc và quan hệ kinh doanh đã dẫn đến không ít những lục đục trong nội bộ doanh nghiệp. Từ đó, nếu không được giải quyết thấu đáo có thể đẩy lên thành tranh chấp dân sự, thương mại, đôi bên cùng kéo nhau đến chốn pháp đình để có được phán quyết cuối cùng.

Một vấn đề cần thẳng thắn nhìn nhận là không nhiều DNNVV có hiểu biết pháp luật cơ bản về hoạt động doanh nghiệp. Những kiến thức thông thường như công ty TNHH hai thành viên trở lên phải có Sổ đăng ký thành viên, thành lập doanh nghiệp xong thì phải góp đủ vốn trong 90 ngày… không được nhiều doanh nghiệp để tâm biết tới. Hay nhiều trường hợp khi thành lập công ty thì nhất quyết muốn thành lập công ty cổ phần vì nghe có từ “cổ phần” thấy “sang lên mấy phần” dù không biết công ty cổ phần khác công ty TNHH chỗ nào.

Sự thiếu hiểu biết về pháp luật cơ bản còn thể hiện trong mối quan hệ giữa DNNVV với người lao động. Không hiếm tình trạng doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động mà không báo trước thời hạn pháp luật quy định, từ chối đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động với lý do tiết kiệm chi phí hay không xây dựng nội quy lao động vì thấy không quan trọng. Khác với mâu thuẫn giữa anh em, bạn bè, những tranh chấp giữa doanh nghiệp với người lao động trong nhiều trường hợp khó có thể giải quyết bằng tình cảm, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải mất thời gian và chi phí để theo đuổi việc giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền.

Quan hệ với cơ quan nhà nước – Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Khi bàn tới mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước (CQNN) và doanh nghiệp, không thể không đề cập đến thủ tục hành chính (TTHC). Nhiều DNNVV thực hiện TTHC với tâm lý đối phó, thụ động. Ngay trước khi thực hiện TTHC, doanh nghiệp không tìm hiểu thông tin mà chỉ đợi trực tiếp đến CQNN xin tư vấn.

Không có sự chuẩn bị trước kết hợp với tâm lý dựa dẫm, trông chờ vào “hướng dẫn cụ thể từ phía CQNN” khiến cho doanh nghiệp thường không bắt được trọng tâm thông tin khi được hướng dẫn, càng không rõ những vấn đề cần lưu ý để tham vấn, thậm chí chuyện đến nhầm cơ quan để xin tư vấn cũng không phải không có. Hậu quả của việc không nắm chắc quy trình thực hiện TTHC là việc chuẩn bị thiếu hồ sơ, điền sai thông tin, nhầm mẫu đơn… Đến lúc hồ sơ bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung, doanh nghiệp lại cho rằng mình bị CQNN gây khó dễ.

Một hướng giải quyết cho tình trạng trên là thuê đơn vị tư vấn ngoài để tư vấn/giúp doanh nghiệp thực hiện TTHC. Tuy nhiên, bài toán về chi phí tư vấn và cân nhắc về hiệu quả thực tế khiến doanh nghiệp ngần ngại, đắn đo khi lựa chọn phương thức này.

Trên thực tế, không ít DNNVV mắc bệnh “sợ” CQNN. Thái độ e ngại, dè chừng CQNN của DNNVV thể hiện ở nhiều khía cạnh như khi đi xin ý kiến tư vấn của CQNN thì không dám hỏi nhiều, sợ “cán bộ phiền”; nhận được công văn của CQNN thì bất an, lo lắng; CQNN xuống thanh tra, kiểm tra thì sợ bị làm khó, bới móc sai phạm, ngay cả khi không có sai phạm gì. Có “sợ” ắt có “kính”, phương thức “kính” truyền thống của DNNVV chính là… phong bì. Hiện tại, việc phát sinh các chi phí không chính thức khi làm việc với CQNN của DNNVV trong một số trường hợp không phải do phía CQNN chủ động mà chính là từ phía doanh nghiệp với quan niệm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.

Quan hệ với đối tác, khách hàng – Nói lời phải giữ lấy lời

Khi kinh nghiệm kinh doanh không có nhiều, startup thường không lường trước được những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, dẫn tới việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng với đối tác như giao hàng không đúng thời hạn, chậm thanh toán giá trị hợp đồng.

Bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp DNNVV nói chung còn tỏ ra thiếu chuyên nghiệp trong việc sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ mình trong các quan hệ thương mại. Lấy ví dụ, có trường hợp luật sư bị khách hàng chê hợp đồng do luật sư soạn quá dài, quá nhiều điều khoản và yêu cầu rút gọn hợp đồng xuống hai trang, nội dung không quan trọng, chỉ cần ngắn gọn.

Hay có những doanh nghiệp từ chối lập giấy ủy quyền, hợp đồng vì cho rằng “anh em tin nhau là chính” rồi cũng chính những người anh em ấy lại đưa nhau ra tòa để phân xử vì chẳng nhớ đã đàm phán với nhau những gì.

Tất cả những yếu tố trên đều có thể ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ giữa DNNVV và khách hàng. Thiệt hại nhẹ thì mất uy tín với đối tác, mất uy tín trên thị trường, vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng có giá trị lớn có thể phát sinh tranh chấp mà nếu giải quyết không thấu đáo, kiện tụng là điều khó tránh khỏi.

Ngoài khách hàng và đối tác kinh doanh, nhà đầu tư là những người mà startup duy trì mối quan hệ lâu dài. Nhưng nhà đầu tư là “thiên thần” hay “cá mập” thì còn phụ thuộc vào việc startup đánh giá rủi ro pháp lý khi thương thuyết. Việc không suy xét kỹ càng có thể dẫn tới nguy cơ nhà đầu tư đoạt quyền quản lý công ty. Một founder của startup về karaoke từ bà chủ trở thành nhân viên trong chính công ty của mình khi quá tin tưởng vào những hứa hẹn của nhà đầu tư mà không biết rằng nếu nhà đầu tư sở hữu 70% cổ phần công ty, quyền quyết định hoạt động thuộc về họ.

Có câu “30 chưa phải là Tết”, không thể nói trước được khi startup và nhà đầu tư về chung một nhà sẽ không phát sinh tranh chấp. Sau một thời gian chung sức, chung lòng với nhà đầu tư, startup chợt nhận ra rằng thương vụ này quá bất lợi cho mình, nảy sinh tâm lý “nạn nhân” cần được giải cứu. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể may mắn gửi đơn kêu cứu kịp thời và được “giải cứu” êm đẹp như Ba Huân.

Đặt vào trường hợp giữa startup và nhà đầu tư, nếu hai bên không thể hòa giải mà phải nhờ đến những biện pháp giải quyết tranh chấp như Tòa án, liệu giữa startup non trẻ và nhà đầu tư với kinh nghiệm thương trường dày dặn, phán quyết của Toà án sẽ nghiêng về bên nào?

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ – Mất bò mới lo làm chuồng

Đứng trên góc độ khởi nghiệp sáng tạo, trong một số trường hợp, quyền sở hữu trí tuệ (“SHTT”) có vai trò sống còn đối với startup. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không hề lưu tâm đến quyền SHTT cho đến khi phát hiện sản phẩm của mình đã bị sao chép, thậm chí chỉ phát hiện sau khi chính doanh nghiệp sao chép đăng ký bảo hộ xong xuôi.

Mặt khác, việc không có hiểu biết về quyền SHTT cũng gia tăng khả năng các startup xâm phạm quyền của chủ thể khác. Một thực tế điển hình là trong giai đoạn phát triển ý tưởng về sản phẩm, nhiều startup chưa có thói quen tra cứu về khả năng xuất hiện sản phẩm cùng loại, cùng công dụng đã được đăng ký bảo hộ thành công. Đến lúc nhận được thư phản đối của chủ sở hữu các sản phẩm đã đăng ký, các startup mới “tá hỏa” bởi không chỉ sản phẩm không có khả năng được bảo hộ mà chính startup còn có thể dính vào các vụ tranh chấp tốn kém.

Cần lưu ý rằng, việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT thực chất mới chỉ là bước đầu của cơ chế bảo vệ và khai thác quyền SHTT. Trên cơ sở được pháp luật bảo hộ quyền SHTT, các startup ngoài việc có thể tự bảo vệ tài sản của mình khỏi sự xâm hại mà còn có thể tham gia khai thác triệt để giá trị thương mại của quyền SHTT thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển giao quyền, thậm chí sử dụng quyền SHTT như biện pháp kinh doanh mang tính chiến lược, dài hạn. Do vậy, startup không bảo vệ tốt quyền SHTT chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ.

Lê Mai Phương – Lê Hải Linh
(Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Startup Việt – những vướng mắc pháp lý nổi bật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO