Sử dụng đòn bẩy tài chính cao, NBB có gia tăng rủi ro?

ĐÌNH ĐẠI 29/03/2024 04:30

Hoạt động kinh doanh chưa khởi sắc, cùng khoản nợ vay lớn, nhưng NBB vẫn tiếp tục sử dụng đòn bẩy tài chính cao, khiến rủi ro thanh toán nợ của doanh nghiệp cũng sẽ gia tăng.

>>>Thách thức phát hành cổ phiếu tăng vốn ở NBB

Sử dụng đòn bẩy tài chính cao, NBB có gia tăng rủi ro?

Sử dụng đòn bẩy tài chính cao, NBB có gia tăng rủi ro? (Phối cảnh dự án NBB Garden III - Nguồn ảnh: NBB).

Mới đây, HĐQT Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB) đã thông qua Nghị quyết về việc thế chấp tài sản của công ty để đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng. Theo đó, Nghị quyết số 28/NQ-HĐQT của HĐQT NBB ban hành ngày 25/03/2024 thông qua việc thế chấp/cầm cố các tài sản của Công ty NBB; các Chi nhánh và Đơn vị thành viên để đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính liên quan đến khoản vay tại ngân hàng.

Cụ thể, các tài sản thế chấp/cầm cố bao gồm: Quyền sử dụng đất tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM thuộc sở hữu của Công ty NBB; Quyền sử dụng đất tại Phường 16, Quận 8, TP.HCM thuộc sở hữu của Công ty NBB; Toàn bộ tài sản và quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi; Số dư và quyền tài sản phát sinh trên tài khoản của Công ty NBB mở tại ngân hàng.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, tổng tài sản của NBB tính đến cuối năm 2023, tăng 8% so với hồi đầu năm, lên hơn 6.911 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp tại thời điểm trên là gần 5.101 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm, chiếm 73,8% tổng tài sản của doanh nghiệp. Trong đó, nợ vay ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp là hơn 3.640 tỷ đồng, chiếm hơn 71,3% tổng nợ phải trả của NBB. Bao gồm hơn 1.101 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn của nhiều cá nhân và khoản vay dài hạn tại ngân hàng đến hạn trả; khoản vay nợ dài hạn tại nhiều ngân hàng là hơn 2.539 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, các khoản vay của NBB chủ yếu là từ 03 ngân hàng là VietinBank, VPBank và Vietcombank. Trong đó, tại VietinBank với hơn 897 tỷ đồng, thời hạn vay 180 tháng, với lãi suất 11,5%; tại ngân hàng VPBank gần 686 tỷ đồng, thời hạn vay 86 tháng, lãi suất 11,5% và tại Ngân hàng Vietcombank hơn 507 tỷ đồng, thời hạn vay 144 tháng, lãi suất 8,5%.

Ngoài ra, NBB còn vay dài hạn tại Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) 940 tỷ đồng, với thời hạn vay 60 tháng, lãi suất 9,6%, mục đích vay là nhằm hoàn vốn cho các khoản đầu tư tài sản, các dự án bất động sản đang được đầu tư và phát triển của công ty.

Trên thị trường, cổ phiếu NBB đang giao dịch quanh mức giá

Trên thị trường, cổ phiếu NBB đang giao dịch quanh mức giá 25.450 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 20% so với hồi đầu năm.

Phân tích sâu hơn, hệ số nợ so với tổng tài sản của NBB gần bằng 74%. Điều này cho thấy, gần 74% số tiền đầu tư vào các tài sản của công ty theo giá trị sổ sách là từ những người bán chịu và người cho vay, nó cũng đồng nghĩa với việc gánh nặng nợ vay của doanh nghiệp là rất lớn và rủi ro tài chính cũng sẽ tăng lên khi doanh nghiệp tiếp tục đi vay nợ.

Tương tự, hệ số nợ so với vốn chủ của doanh nghiệp là hơn 3,8 lần, tương đương với việc các chủ nợ đã cung cấp 3,8 đồng cho mỗi đồng vốn đối ứng mà chủ sở hữu bỏ ra. Đây cũng là một tỷ lệ khá cao, cho thấy doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điền này cũng cho thấy, doanh nghiệp đang chịu áp lực tài chính lớn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính cũng cho rằng, gánh nặng tài chính mà một doanh nghiệp phải đương đầu do việc sử dụng nợ để tài trợ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh không phụ thuộc vào tỷ lệ giữa nợ so với tài sản hay so với vốn chủ sở hữu mà phụ thuộc vào khả năng của công ty trong việc tạo ra dòng tiền để chi trả nợ hàng năm.

Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2023, tổng doanh thu thuần hợp nhất của NBB ghi nhận giảm 37%, xuống còn 293 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước, đóng góp chủ yếu là lợi nhuận của quý IV, với 7,5 tỷ đồng, nhờ khoản doanh thu từ việc chuyển nhượng quyền tham gia phát triển khu đất tại phường 16, Quận 8, TP.HCM.

Trong năm 2023, điểm sáng lớn nhất trong bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp này đến từ hoạt động tài chính, với mức tăng trưởng lên đến 133%, đạt hơn 353 tỷ đồng, tuy nhiên, chi phí cho hoạt động này cũng tăng mạnh lên gần 323 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Trong đó, chi phí lãi vay tăng mạnh lên hơn 263 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 54% so với năm trước. Điều này cũng chứng minh thực tế, doanh nghiệp đã tăng cường vay nợ để phục vụ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi thị trường bất động sản chưa vẫn đang còn nhiều khó khăn, các dự án của doanh nghiệp đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và bổ sung thủ tục pháp lý. Trong khi đó, doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao, nên trong ngắn hạn khả năng chi trả nợ sẽ gặp nhiều khó khăn, đồng thời, rủi ro về tài chính cũng sẽ lớn hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Thách thức phát hành cổ phiếu tăng vốn ở NBB

    Thách thức phát hành cổ phiếu tăng vốn ở NBB

    04:55, 12/05/2023

  • TPDN 6 tháng đầu 2023: Chính sách tích cực, doanh nghiệp còn khó thanh toán nợ đến hạn

    TPDN 6 tháng đầu 2023: Chính sách tích cực, doanh nghiệp còn khó thanh toán nợ đến hạn

    15:45, 20/07/2023

  • Khó tiền mặt, Hòa Bình muốn thanh toán nợ cho nhà thầu phụ bằng bất động sản

    Khó tiền mặt, Hòa Bình muốn thanh toán nợ cho nhà thầu phụ bằng bất động sản

    16:07, 15/03/2023

  • Ẩn số khả năng thanh toán nợ của Bách Hưng Vương

    Ẩn số khả năng thanh toán nợ của Bách Hưng Vương

    01:24, 02/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sử dụng đòn bẩy tài chính cao, NBB có gia tăng rủi ro?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO