Điều đáng lo ngại nhất đối với thị trường TPDN hiện nay là số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu và công bố phương án tái cơ cấu nợ ngày càng nhiều...
>>Sàn trái phiếu riêng lẻ: “Cú hích” lớn cho thị trường
Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm, nhiều nhà đầu tư bán lại trước hạn và cùng với đó là khối lượng mua lại trước hạn tăng mạnh. Không những thế, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với ngành bất động sản (BĐS), khiến hàng loạt doanh nghiệp đã phải đàm phán xin lùi kỳ hạn thanh toán với trái chủ.
Bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm
Vấn đề lớn nhất đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện nay là niềm tin đối với thị trường đã xuống mức rất thấp. Tâm lý tiêu cực này xuất phát từ ấn tượng vẫn còn rất đậm nét của nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp về các vi phạm nghiêm trọng liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), quy mô toàn thị trường TPDN tính đến nay mới đạt khoảng 1,15 triệu tỷ đồng, chiếm gần 15% GDP cả nước và thấp hơn nhiều so với các quốc gia thuộc nhóm phát triển hơn trong ASEAN như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP) hay Thailand (25% GDP). Điều đáng nói là, tỷ lệ này sau giai đoạn tăng mạnh 2018 – 2020 đã quy sang xu hướng sụt giảm trong giai đoạn 2020 – 2022 (từ mức 17,08% xuống còn 14,81%).
Không những thế, tổng giá trị phát hành TPDN đã giảm mạnh trong năm 2022 và dự kiến sẽ còn giảm hơn nữa trong năm 2023 trong bối cảnh thị trường trái phiếu và bất động sản trong nước đang trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới đạt khoảng 38.983 tỷ đồng, trong đó có 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 14% tổng giá trị phát hành) và 29 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 33.462 tỷ đồng (chiếm 86% tổng số).
Thị trường TPDN và thị trường bất động sản có tính liên thông cao, trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS hiện chiếm 33,8% tổng giá trị lưu hành. Ngành BĐS cũng là ngành có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,17% - cao thứ hai sau ngành năng lượng. Do đó, cùng với thị trường TPDN, thị trường BĐS cũng chịu tình trạng ảm đảm đạm, thanh khoản kém do giá nhà và đất nền vẫn ở mức cao, vượt khỏi khả năng chi trả của phần lớn người mua có nhu cầu thực. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – bất động sản Đất Xanh Service, tính đến cuối tháng 6/2023, nhóm ngành kinh doanh BĐS có tốc độ giải thể doanh nghiệp cao nhất (tăng 30,4% so với cùng kỳ) nhưng lại có tốc độ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất (chỉ tương đương 61,4% so cùng kỳ).
Khối lượng phát hành chỉ khởi sắc từ tháng 3/2023 sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 65 và Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ có hiệu lực. Nguyên nhân do một số vướng mắc của thị trường TPDN đã được tháo gỡ như i) cho phép chuyển đổi thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác; ii) giãn thời hạn trả nợ trái phiếu lên đến hai năm nếu được 65% trái chủ đồng ý; và iii) hoãn áp dụng các điều kiện của nhà đầu tư chuyên nghiệp, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu phát hành theo đợt đến ngày 31/12/2023.
>>Dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm 2023 (Kỳ 2): 8 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn
Tuy nhiên, mặc dù Nghị quyết 08 đã tạo được lối thoát trong vấn đề TPDN đến hạn đáo hạn và sắp đáo hạn với tổng quy mô vài trăm ngàn tỷ trong năm 2023 và 2024 nhưng chưa thể triệt để giải quyết vấn đề phát hành TPDN riêng lẻ mới cho các doanh nghiệp. Bằng chứng cụ thể là lượng trái phiếu chậm trả cũng bắt đầu tăng cao đột biến kể từ tháng 3/2023 và vẫn chưa có xu hướng chậm lại. Đúng như lo ngại của Saigon Rating và nhiều chuyên gia, tổ chức: xét về cơ cấu ngành, BĐS chiếm tỉ trọng lớn nhất với 71% tổng giá trị trái phiếu chậm trả nợ, tương ứng 42,4 nghìn tỉ đồng.
Những thách thức về thanh khoản mà các tổ chức phát hành trái phiếu phải đối mặt sẽ tiếp tục gia tăng khi lượng trái phiếu đáo hạn trong các tháng còn lại của năm 2023 lớn. Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 158.500 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 80.952 tỷ đồng (chiếm 51%), theo sau là nhóm Ngân hàng với 27.261 tỷ đồng (chiếm 17,2%). Saigon Ratings cho rằng, vấn đề thanh khoản của các doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp tục đáng lo ngại, dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp BĐS chậm trả lãi và gốc trái phiếu do những khó khăn của thị trường này.
Quý 2/2023, số lượng trái phiếu phát hành mới chỉ gần 19.300 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ và giảm 34,4% so với qúy 1/2023. Có thể thấy, trong khi hoạt động phát hành trầm lắng, thì ở chiều ngược lại, hoạt động đàm phán gia hạn lại diễn ra sôi nổi. Tính đến hết tháng 6/2023 đã có hơn 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn là hơn 42 nghìn tỷ đồng. Hoạt động mua lại trước hạn trái phiếu cũng được đẩy mạnh, trong đó đặc biệt là nhóm ngân hàng do nhu cầu tín dụng yếu trong những tháng đầu năm cùng với mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn.
Điều đáng lo ngại nhất đối với thị trường TPDN hiện nay là số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu và công bố phương án tái cơ cấu nợ ngày càng nhiều. Tính đến đầu tháng 6/2023, có 62 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. Tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này hiện vào khoảng 157,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,4% dư nợ TPDN riêng lẻ toàn thị trường.
Nghị quyết 08 là động thái tích cực từ Chính phủ nhưng cũng chưa để đảo ngược được xu hướng giảm của khối lượng phát hành trái phiếu trong khi tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong năm 2023 vẫn còn rất lớn. Điều này có nghĩa là sẽ còn rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán nợ trái phiếu đến hạn.
Ngoài nguyên nhân đến từ khó khăn trong phát hành mới do niềm tin đối với thị trường TPDN giảm sút còn có các nguyên đến từ chính môi trường kinh doanh và sức khỏe doanh nghiệp. Cụ thể, những bất lợi của tình hình thế giới, khu vực đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước: đơn hàng thiếu hụt trong khi áp lực cạnh tranh gay gắt đã làm gia tăng tình trạng nợ nần, thiếu hụt thanh khoản ở nhiều doanh nghiệp. Nền kinh tế trong nước vừa trải qua đại dịch thì lại phải hứng chịu thêm các tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới cùng với đó là lãi suất cho vay tăng mạnh khiến sức chống chịu của các doanh nghiệp yếu đi rất nhiều.
Mặc dù Chính phủ và Quốc hội đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ nhưng thị trường BĐS – “khách hàng” chính của thị trường TPDN - trong ngắn hạn vẫn chưa thể có giải pháp triệt để cho các vướng mắc về pháp lý cũng như thanh khoản. Cụ thể, lãi suất cho bất động sản trong mọi trường hợp rất khó đòi hỏi mức thấp hơn so với lãi suất chung của thị trường. Riêng về gói 120.000 tỷ, lãi suất cho vay được áp dụng thấp hơn 1,5-2% lãi suất thị trường nhưng không phải là lãi suất cố định và hiện vẫn chưa có quy định, thông tư hướng dẫn cụ thể để áp dụng chương trình tín dụng này.
*Kỳ tiếp: TPDN 6 tháng cuối 2023: Tiếp tục kỳ vọng những giải pháp tháo gỡ nào?
Có thể bạn quan tâm