Khó tiền mặt, Hòa Bình muốn thanh toán nợ cho nhà thầu phụ bằng bất động sản

ĐÌNH ĐẠI 15/03/2023 16:07

Trước việc hàng loạt nhà thầu phụ đòi ngưng thi công do không được thanh toán nợ, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có văn bản gửi các nhà thầu mong muốn được trả nợ bằng bất động sản.

>>>Xây dựng Hòa Bình trước ngã rẽ tranh chấp ở HĐQT

Khó khăn về tiền mặt, Hòa Bình muốn thanh toán công nợ cho nhà thầu phụ bằng bất động sản.

Khó khăn về tiền mặt, Hòa Bình muốn thanh toán công nợ cho nhà thầu phụ bằng bất động sản.

Theo văn bản gửi các nhà thầu phụ, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) cho biết, do tình hình thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, nên các doanh nghiệp, chủ đầu tư cũng đang gặp khó, ảnh hưởng đến tổng thầu.

Ông Hải cho rằng, trong tình hình hiện nay, việc thanh toán nợ bằng tiền mặt gặp khó khăn, nên một số khách hàng đã thanh toán cho Hòa Bình bằng chính những sản phẩm bất động sản của họ. “Dù khá bất lợi, nhưng công ty sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng những người bạn đồng hành của mình”, ông Hải cho biết. Đồng thời, ông cũng mong muốn Hòa Bình sẽ nhận được sự chia sẻ đó từ các nhà thầu phụ.

Chủ tịch Hòa Bình Lê Viết Hải mong muốn các nhà thầu phụ xem xét thay thế việc thanh toán bằng bất động sản do Hòa Bình đã nhận từ các chủ đầu tư để cấn trừ nợ. Ngoài ra, Hòa Bình cũng còn một số thiết bị xây dựng tồn kho, nếu nhà thầu nào nhận thấy phù hợp với nhu cầu, có thể thỏa thuận với Hòa Bình để trừ công nợ theo giá phù hợp được 2 bên thống nhất.

“Hòa Bình sẵn sàng xác nhận công nợ đối với các nhà thầu phụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc các nhà thầu phụ vay vốn ngân hàng. Bằng tất cả thiện chí và với những nỗ lực cao nhất, chúng tôi hy vọng có thể giải quyết mọi vấn đề theo hướng tốt nhất cho các nhà thầu phụ”, Chủ tịch Hòa Bình Lê Viết Hải cam kết.

Trước đó, nhóm 7 nhà thầu phụ đã gửi văn bản cho Hòa Bình và một số chủ đầu tư về việc sẽ tạm dừng thi công tại một số dự án do Hòa Bình làm tổng thầu từ ngày 15/3. Lý do được các nhà thầu phụ đưa ra là Hòa Bình chậm thanh toán công nợ cho họ.

Nhóm các nhà thầu phụ này hiện đã và đang thi công hệ thống cơ điện cho các dự án của Tổng thầu Hòa Bình, tại một số dự án của các chủ đầu tư như Geleximco; Phenikaa… Theo các nhà thầu phụ này, Hòa Bình hiện chưa thanh toán công nợ, có dự án từ tháng 7/2022 đến nay. Việc không thanh toán đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của công nhân, ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà thầu phụ.

Trong văn bản gửi đến Hòa Bình, các nhà thầu phụ cho biết, họ đã phải cầm cố tài sản, vay lãi, thế chấp để có tiền chi trả một phần sinh hoạt phí cho công nhân và để duy trì hoạt động của công ty. Tuy nhiên, đến nay các nhà thầu phụ đã hết năng lực chi trả khiến công nhân đình công, nghỉ việc gây áp lực lớn cho công tác quản lý và điều hành sản xuất.

>>>Xung đột tại HĐQT HBC: Liên tục các diễn biến mới

Không chỉ kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu HBC cũng

Không chỉ kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu HBC cũng "bay màu" hơn 73,7% thị giá trong năm 2022.

“Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị thanh toán công nợ hoặc đề nghị Hòa Bình trả lời chúng tôi về kế hoạch thanh toán công nợ. Nhưng chúng tôi vẫn không nhận được văn bản chính thức và câu trả lời thỏa đáng về kế hoạch thanh toán công nợ”, văn bản của nhóm thầu phụ nêu.

Do đó, nhóm thầu phụ này thông báo sẽ tạm dừng toàn bộ dịch vụ bảo hành, bảo trì đối với các dự án đã bàn giao từ ngày 3/3 và tạm dừng thi công các dự án từ ngày 15/3, nêu họ không nhận được thanh toán từ Hòa Bình.

Về kết quả kinh doanh của Hòa Bình, trong năm 2022, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần tăng 24% so với năm 2021, lên hơn 14.122 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng mạnh 31%, lên hơn 13.864 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp về cả năm của doanh nghiệp giảm 68%, còn gần 258 tỷ đồng.

Các chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng cao lên hơn 521 tỷ đồng và gần 940 tỷ đồng, tương ứng với tăng 73% và 129%, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận âm 1.078 tỷ đồng; lợi nhuận khác âm hơn 25 tỷ đồng.

Tất cả những yếu tố trên đã khiến lợi nhuận cả năm 2022 của doanh nghiệp số 1 ngành xây dựng Việt Nam này ghi nhận con số lỗ sau thuế lên đến hơn 1.140 tỷ đồng. Riêng trong quý IV/2022, doanh nghiệp lỗ hơn 1.201 tỷ đồng. Đây cũng là năm lỗ đầu tiên của Hòa Bình kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Không chỉ kinh doanh thua lỗ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng ghi nhận âm gần 845 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm trên 600 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền cũng giảm 33%, còn 493 tỷ đồng.

Nói về kết quả kinh doanh ảm đạm này, Chủ tịch Hòa Bình Lê Viết Hải thừa nhận, khó khăn của ngành xây dựng đã diễn ra trong thời gian dài, gánh nặng lớn nhất là sự tăng giá quá mạnh của nguyên vật liệu. Chưa giải quyết được vấn đề tăng giá đầu vào thì thêm cú sốc trên thị trường trái phiếu khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng kém thanh khoản, dừng thi công… Đó cũng chính là "đòn đau" đánh vào các doanh nghiệp xây dựng.

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng Hòa Bình trước ngã rẽ tranh chấp ở HĐQT

    Xây dựng Hòa Bình trước ngã rẽ tranh chấp ở HĐQT

    05:00, 10/01/2023

  • Xung đột tại HĐQT HBC: Liên tục các diễn biến mới

    Xung đột tại HĐQT HBC: Liên tục các diễn biến mới

    05:05, 09/01/2023

  • Nỗ lực thoát dòng tiền kinh doanh âm của HBC

    Nỗ lực thoát dòng tiền kinh doanh âm của HBC

    16:15, 10/08/2022

  • HBC chật vật tới ngôi vương

    HBC chật vật tới ngôi vương

    04:30, 26/03/2022

  • Cổ phiếu HBC hút mạnh dòng tiền vì đâu?

    Cổ phiếu HBC hút mạnh dòng tiền vì đâu?

    05:00, 10/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khó tiền mặt, Hòa Bình muốn thanh toán nợ cho nhà thầu phụ bằng bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO