Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, nhiều nền kinh tế đã đưa ra các sách lược ứng phó trong việc hoán đổi nợ xanh.
>>>Sự giao thoa giữa kinh tế và môi trường - Bài 1: Hoán đổi nợ xanh trong thời đại mới
Vai trò của hoán đổi nợ xanh
Hoán đổi nợ xanh có 2 vai trò cốt yếu, vừa là phương thức giảm nợ quốc gia thông qua hoán đổi các chương trình khí hậu và môi trường, vừa góp phần tạo cơ hội huy động vốn ở các quốc gia có thu nhập thấp để giải quyết các thách thức về môi trường và tăng trưởng xanh quốc gia.
Trong thời đại mà mục tiêu tăng trưởng kinh tế không còn là ưu tiên tuyệt đối, các vấn đề liên quan đến bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, hướng đến cân bằng hệ sinh thái môi trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới. Hoán đổi nợ xanh là phương thức thông dụng kết hợp giữa tài chính và môi trường, mang lại sự thống nhất trong giải pháp tài chính tại nhiều quốc gia.
Dựa trên nhu cầu giữa chính phủ chủ nợ và chính phủ mắc nợ trong việc hoán đổi nợ lấy các chương trình xanh trong trung dài hạn, nhiều dự án xanh được thúc đẩy thực hiện không chỉ ở phạm vi quốc gia, mà còn ảnh hưởng, tạo tiền đề cho sự phát triển của các chương trình, dự án xanh trên toàn cầu.
Những thỏa thuận giữa các quốc gia
Một số quốc gia châu Mỹ đã thực hiện hóa đổi nợ xanh với những thành công nhất định, có thể kể đến như: Bolivia, Costa Rica và Belize thỏa thuận để tổ chức các giao dịch hoán đổi nợ xanh vào đầu những năm 1980.
>>>Tăng khả năng tiếp cận tài chính xanh bền vững
DFC đầu tiên xảy ra vào năm 1987 giữa Bolivia và các chủ nợ nước ngoài, thỏa thuận xóa 650.000 Đô la Mỹ để đổi lại cam kết của chính phủ Bolivia trong việc dành 3,7 triệu m2 đất tiếp giáp với lưu vực sông Amazon để bảo tồn, đặt dấu mốc quan trọng trong phương thức hoán đổi nợ xanh.
Costa Rica đã thực hiện hai giao dịch hoán đổi nợ xanh với Hoa Kỳ. Một là, Costa Rica phân bổ 53 triệu Đô la Mỹ cho các dự án bảo tồn thiên nhiên và tái trồng rừng, tập trung cho việc cải thiện mức độ phục hồi rừng bằng cách trồng hơn 60.000 cây rừng mới. Hai là, cam kết các chương trình về giảm thiểu phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Belize giảm nợ quốc gia thông qua cam kết đặt 30% diện tích biển dưới sự bảo vệ hợp pháp. Belize cũng thỏa thuận chi 4 triệu Đô la Mỹ từ số tiền trả nợ hàng năm, trong suốt 20 năm để thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn môi trường và hệ sinh thái biển quốc gia.
Ecuador hoán đổi nợ để mở rộng Khu bảo tồn biển rộng 60.000 km2, giữa Galapagos và Costa Rica, trị giá giao dịch thỏa thuận vào khoảng 1.1 tỷ Đô la Mỹ. Ba tổ chức quốc tế đã hợp tác với nhau để quản lý dự án hoán đổi này bao gồm: Tập đoàn tài chính quốc tế Hoa Kỳ (DFC), Ngân hàng Phát triển FMO của Hà Lan và Quỹ tín thác từ thiện Pew. Theo thông tin công bố, một phần số tiền hoán đổi nợ được sử dụng để mua trái phiếu xanh nhằm hỗ trợ bảo vệ biển đại dương; mua các drone (máy bay không người lái); mua tàu tuần tra chặn bắt trái phép và thanh toán các chi phí trong việc bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên.
Bên cạnh đó, tại các châu lục khác cũng tiến hành phương thức hoán đổi nợ xanh. Tại châu Phi, Seychelles là quốc gia đầu tiên tại đây đạt được thỏa thuận hoán đổi nợ để tài trợ cho các dự án xanh, bao gồm 21,6 triệu Đô la Mỹ nợ quốc gia thông qua trái phiếu xanh để bảo vệ 30% môi trường biển. Ngoài ra, huy động được thêm 15 triệu Đô la Mỹ từ các nhà đầu tư quốc tế nhằm tài trợ cho các dự án biển bền vững. Hay gần đây, tháng 01/2023, thỏa thuận về hoán đổi nợ của Chính phủ Cape Verde’s với chính quyền Bồ Đào Nha và các quốc gia khác dưới sự hỗ trợ và thúc đẩy từ Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED). Các khoản hoán đổi nợ xanh này cho phép Cape Verde đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia và tham gia “cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong thực tế hiện nay tồn tại sự không đồng nhất liên quan đến nợ quốc gia và tiềm năng môi trường. Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), 37 quốc gia có nợ tài chính lớn và đang gặp khó khăn về tình trạng trả nợ ước tính chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng lượng khí thải của thế giới. Điều này có nghĩa là các quốc gia cần xóa nợ phần lớn không phải là những quốc gia chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu. Vì thế, các quốc gia này sẽ nhận được nhiều lời mời thỏa thuận từ các quốc gia chủ nợ có nhu cầu về môi trường để tìm sự đồng thuận về lợi ích.
(Đón đọc bài 3: Sự cần thiết của tài chính khí hậu đối với kinh tế toàn cầu)
Có thể bạn quan tâm