Trong khi kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp lớn tập trung vào mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực hiện tại thì DNNVV lại thiên về chuyển sang giai đoạn kinh doanh mới.
Tại chuyên san “Chuyển đổi số: Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19 và phát triển” vừa được nhóm biên soạn Viện Phát triển Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho biết, tuy tình hình dịch bệnh trong nước bắt đầu có những dấu hiệu tích cực nhưng trên thế giới, dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, đặc biệt các nước là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu.
Do đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có đầu vào, đầu ra phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giầy, du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, logistics...
“Điều này khiến cho hơn 10% số doanh nghiệp dự định sẽ thu hẹp kinh doanh trong thời gian tới”, nhóm phân tích của chuyên san nêu rõ.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy, hơn một nửa số doanh nghiệp cho biết trong nửa cuối năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trạng thái kinh doanh như hiện tại.
Cụ thể, tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát hoàn toàn, nền kinh tế còn chứa đựng nhiều rủi ro nên đa phần doanh nghiệp vẫn tồn tại tâm lý dè chừng, không dám mạo hiểm.
Trong khi đó, Việt Nam tuy đã phải đón nhận làn sóng dịch bệnh thứ 2, song, Chính phủ vẫn nỗ lực kiểm soát được tình hình và cố gắng để các hoạt động kinh tế không bị gián đoạn quá nhiều, đồng thời các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19 dần phát huy tác dụng. Chính vì vậy, tâm lý của một số doanh nghiệp trở nên ổn định và lạc quan hơn, thậm chí có tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp dự định sẽ mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực hiện tại hoặc chuyển sang giai đoạn kinh doanh mới, chiếm lần lượt 16,6% và 14,9%.
Số liệu thống kê cho thấy có 5,2% số doanh nghiệp dự định sẽ mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp sang lĩnh vực mới.
Nhóm biên soạn nhận định, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn. Một số doanh nghiệp nhạy bén sẽ chuyển trạng thái từ “đóng băng” sang nắm bắt ngay những thời cơ mới để phát triển.
Nhóm phân tích cũng nêu, về kế hoạch kinh doanh cho 6 tháng cuối năm 2020 có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp nhà nước có sự xáo trộn lớn nhất về kế hoạch kinh doanh với trên 60% doanh nghiệp nhà nước có sự thay đổi, cụ thể là 30,8% doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực hiện tại, 15,4% doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực mới và 15,4% doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch chuyển sang giai đoạn kinh doanh mới.
Nhóm doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước cũng có khoảng gần 50% số lượng doanh nghiệp có sự thay đổi về kế hoạch kinh doanh, tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp này có kế hoạch chuyển sang giai đoạn kinh doanh mới (17,5%), tỉ lệ doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực hiện tại (12,7%) khá tương đồng với tỉ lệ doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước có kế hoạch thu hẹp kinh doanh trong lĩnh vực hiện tại (12%).
Chỉ khoảng trên 40% doanh nghiệp FDI có sự thay đổi về kế hoạch kinh doanh và có vẻ dịch COVID-19 giúp các doanh nghiệp này nhìn thấy cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực hiện tại bởi vì có tới 26,8% doanh nghiệp FDI sẽ có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực hiện tại.
Trong khi việc thay đổi kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp lớn phần lớn lại tập trung vào mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực hiện tại (29%) thì việc thay đổi kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại thiên về chuyển sang giai đoạn kinh doanh mới (16,3%) hoặc thu hẹp kinh doanh hiện tại (11,2%).
Kế hoạch kinh doanh cho 6 tháng cuối năm 2020 của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và các doanh nghiệp thuộc ngành không sản xuất có những điểm trái ngược nhau.
Cụ thể, nếu như kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất thay đổi theo hướng mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực hiện tại (24,8%) và chuyển sang giai đoạn kinh doanh mới (12,4%) thì kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành không sản xuất thay đổi theo hướng chuyển sang giai đoạn kinh doanh mới (18,6%) và thu hẹp kinh doanh trong lĩnh vực hiện tại (14,9%).
Có thể bạn quan tâm
02:48, 14/11/2020
13:56, 11/11/2020
08:38, 17/11/2020
04:00, 15/11/2020
11:00, 11/11/2020
02:00, 10/11/2020