Các chuyên gia cho rằng, việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% năm 2021 là mục tiêu để tất cả các thành phần kinh tế nỗ lực phấn đấu sau dịch COVID-19 với quyết tâm phục hồi kinh tế.
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 vừa được Quốc hội thông qua với tỷ lệ số đại biểu đồng thuận khá cao. Trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những cơ hội và thách thức đan xen, mục tiêu tổng quát của Chính phủ năm 2021 là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ chỉ tiêu phát triển mới
Theo đó, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2021 khoảng 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người (tăng hẳn 1.000 USD so với năm nay do tính lại GDP), tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%...
Điều đặc biệt là nếu nhìn vào bộ chỉ tiêu của năm 2021 so với năm 2020 sẽ thấy có một số chỉ tiêu mới và khác. Ví dụ, xuất hiện một số chỉ tiêu mới như quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%; Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%... Trong khi đó một số chỉ tiêu năm ngoái đã được bỏ như: Tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%...
Nếu chỉ dựa vào mức tăng trưởng thấp của năm 2020 (ước tính trong khoảng 2-3%) và dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước gần đây khi phần lớn đều dự báo trong khoảng từ 6,8% - 8,1%, thì nhiều có ý kiến cho rằng mục tiêu tăng trưởng 2021 như Nghị quyết đặt ra là khá thận trọng.
Nhưng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, mục tiêu đưa ra là khiêm tốn so với tiềm năng. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều bất định, nhất là liên quan đến dịch Covid-19 và triển vọng phục hồi chung của kinh tế toàn cầu thì đây được xem là hài hòa và quyết tâm đặt ra là phải đạt cao hơn.
Có khả thi?
Có thể nói khơi dậy khát vọng, quyết tâm cao để phát triển đất nước là tinh thần được thấy trong Nghị quyết lần này. Trong bối cảnh bình thường, không có đại dịch, với nền tảng tốc độ tăng trưởng 2016-2019 của cả nước đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm thì những chỉ tiêu tăng trưởng đưa ra là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch quá lớn, thời gian hồi phục được dự báo là phải mất vài năm nên những chỉ tiêu đưa ra trong Nghị quyết có tính phấn đấu rất cao, thể hiện rõ bản lĩnh, ý chí và khát vọng phát triển.
Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng câu chuyện kiểm soát nhanh và quyết liệt dịch bệnh của Việt Nam đến nay không chỉ giúp hạn chế được rất tốt tác động tiêu cực của COVID mà còn cho thấy một mô hình tăng trưởng mới, trong đó khả năng chống chọi được với các cú sốc như COVID đến đâu sẽ trở thành một tiêu chí rất quan trọng, bên cạnh các tiêu chí về tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Đánh giá về chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021, vị chuyên gia này cũng nhận định: “Tăng trưởng năm 2021 khả năng khó hồi phục mạnh trở lại vì những rủi ro vẫn còn, đặc biệt là diễn biến COVID trên thế giới vẫn quá khó lường và chưa thấy có dấu hiệu nào rõ nét là thế giới sẽ kiểm soát được tốt. Vì vậy, tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2021 thì có khả năng nhưng để có thể bật lên mức 8% hoặc hơn thì rất khó”.
Như đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói “Chúng ta đã có những khát vọng phát triển được lượng hóa với những mục tiêu: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Có người gọi đây là Đổi mới lần 2 để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, gia nhập đội ngũ các nước phát triển”.
Và vì vậy giai đoạn 5 năm tới có ý nghĩa quyết định. Chúng ta đã có Nghị quyết soi đường, thì hơn lúc nào hết cần kíp phải có những giải pháp, kế hoạch hành động đề án khả thi, khoa học trong điều kiện bình thường mới. Cùng với đó là nỗ lực và quyết tâm cao nhất để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra…
Có thể bạn quan tâm
Bốn yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
11:00, 09/11/2020
Kinh tế Việt Nam bắt đầu làm quen với tầm cấp mới
10:40, 26/10/2020
Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ "V" từ mức đáy quý 2/2020
03:30, 23/10/2020
Standard Chartered dự báo khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam
01:30, 21/10/2020