Việc sửa đổi Luật đất đai 2013 được các chuyên gia nhận định là mấu chốt để giải quyết một số vướng mắc, chồng chéo liên quan đến nhiều Luật khác đang đặt ra trong thực tiễn.
Theo các chuyên gia, Luật đất đai 2013 tại thời điểm ra đời đã là bước đột phá mạnh mẽ trong việc thể chế hóa, tạo thuận lợi cho việc hình thành thị trường bất động sản phát triển ổn định. Bộ Luật này đã giải quyết tốt những hạn chế bộc lộ từ giai đoạn thị trường bất động sản khủng hoảng trong các năm 2009-2012 và mở ra giai đoạn tăng trưởng tốt của thị trường từ 2014-2020.
Tuy nhiên, xuất phát từ sự biến chuyển mạnh mẽ của thực tế phát triển như sự xuất hiện của một số loại bất động sản mới (căn hộ du lịch – condotel; văn phòng kết hợp lưu trú – officetel; nhà phố thương mại – shophouse, homestay; farmstay;…) đã và đang đặt ra những bất cập liên quan đến các quy định pháp lý về đất đai, thị trường bất động sản mà trong đó chủ yếu là liên quan đến Luật đất đai 2013.
Như nhận định của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quy định về hệ thống pháp luật của Việt Nam, cụ thể là dựa trên Luật đất đai 2013 hiện nay còn 11 điểm xung đột không thể không sửa ngay, nếu không sửa sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
GS. Đặng Hùng Võ chỉ ra hiện các doanh nghiệp “không có cửa” để tiếp cận đất đai khi phát triển các dự án về nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao do khi nhận chuyển nhượng xong của các hộ gia đình, cá nhân và của các tổ chức khác thì lại phải xin Nhà nước thuê đất, hay nói cách khác, chi phí đất đai là gấp đôi.
Một loạt bất cập khác trong Luật đất đai 2013 mà các Luật khác ra đời sau vẫn chưa thể điều chỉnh được, vẫn tiếp tục phải chờ được GS Võ chỉ rõ như việc các dự án FDI cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, cơ chế xây dựng - chuyển giao (BT), xử lý tài sản gắn liền với đất trong dự án bị thu hồi,…
Đồng quan điểm trên, theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học QGHN, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam việc sửa đổi Luật đất đai 2013 là một vấn đề khá bức thiết và rất quan trọng khi nó sẽ giúp xử lý những những tồn tại có liên quan đến lĩnh vực đất đai như trong hàng loạt Luật khác như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản; Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, Luật Quy hoạch,…
Rõ ràng, việc sửa đổi Luật Đất đai đang được đặt ra rất cấp thiết, như ngay tại Nghị quyết 132/2020/QH14 của Quốc hội được giải mật mới đây về việc “Thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế” cũng đã chỉ rõ tại Điều 8 cũng đã nêu “Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến khi Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.”
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng Luật Đất đai 2013 hiện còn tồn tại nhiều xung đột với các hệ thống văn bản pháp luật khác cần được sửa đổi gấp.
Đồng quan điểm, Luật sư Lê Văn Hồi - Giám đốc Công ty Luật My Way chỉ rõ đang có những bất cập của Luật Đất đai và các văn bản dưới luật. Qua 6 lần sửa đổi, bổ sung, thay thế thì các cơ quan lập pháp đều cố gắng hoàn thiện cả về mặt cơ cấu lẫn nội dung các quy định của Luật Đất đai.
"Tuy nhiên, thực tế nhiều lỗ hổng vẫn tồn tại và chưa được giải quyết dứt điểm. Những lỗ hổng của Luật Đất đai 2013 là làm ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của kinh tế, đời sống, xã hội. Là ngọn nguồn của hàng loạt những khiếu kiện, tranh chấp đất đai" - Luật sư Hồi cho biết.
Dưới góc độ nhà nghiên cứu lập pháp, ông Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nhận định Luật Đất đai 2013 cần sửa ngay, đặc biệt là quy định về giá đất, về minh bạch thông tin...
Có thể bạn quan tâm