Vụ án 600 loại sữa giả bị phanh phui sau bốn năm hoành hành không chỉ gây chấn động vì sự tinh vi của đường dây, mà còn cảnh báo sự yếu kém trong quản lý nhà nước.
Chỉ trong vòng bốn năm, gần 600 loại sữa giả được sản xuất, phân phối, bán ra thị trường với tổng doanh thu lên đến hơn 500 tỉ đồng. Điều đáng nói là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp lại là những người cần được chăm sóc đặc biệt nhất: trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già, người bệnh… Những người tiêu dùng yếu thế đã bỏ ra đồng tiền vất vả làm ra để đổi lấy dinh dưỡng và sức khỏe, nhưng cuối cùng nhận lại là bột pha hương liệu.
Thế nhưng, trong lúc người dân đang hoảng loạn, bất an vì không biết loại sữa mình đã mua cho con, cho mẹ già có nằm trong danh sách sữa giả hay không thì nhiều doanh nghiệp trong “hệ sinh thái sữa giả” lại vin vào lý do "chưa có tên trong danh sách" để từ chối thu hồi sản phẩm. Càng trớ trêu hơn khi danh sách các loại sữa giả vẫn chưa được công bố đầy đủ sau nhiều ngày điều tra, tạo ra một khoảng trống nguy hiểm cả về pháp lý lẫn truyền thông.
Đáng nói, phản ứng của các cơ quan quản lý nhà nước trong vụ việc càng khiến người dân hoang mang hơn.
Bộ Công Thương cho biết, Bộ này không có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Do vậy, Bộ Công Thương không thực hiện việc cấp phép và quản lý các sản phẩm do Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược Dinh dưỡng Hacofood Group đang sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sữa của 2 doanh nghiệp này.
Theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương chỉ có thể kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong khi đó Bộ Y tế cho biết, việc tiếp nhận và cấp phép bản công bố sản phẩm được thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Căn cứ theo Nghị định 15-2018, các doanh nghiệp có trách nhiệm tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như tính pháp lý của hồ sơ công bố.
Với các nhóm sản phẩm đặc biệt như thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, hồ sơ công bố sẽ được tiếp nhận và cấp giấy xác nhận tại UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Cơ quan nhà nước chỉ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, không kiểm nghiệm mẫu sản phẩm trước khi cấp phép.
Vậy đơn vị nào là người chịu trách nhiệm chính? Đơn vị nào có đủ thẩm quyền để dừng, kiểm tra, thu hồi, xử lý những sản phẩm giả đã và đang âm thầm bám rễ trong hàng nghìn gia đình Việt? Câu hỏi này đến giờ vẫn chưa có lời đáp rõ ràng.
Chính sự chia cắt về quản lý, sự cồng kềnh về bộ máy, và tư duy "ai cũng có quyền, nhưng không ai chịu trách nhiệm" đã khiến con voi sữa giả đi lọt qua lỗ kim hậu kiểm, ngang nhiên đánh lừa hàng triệu người tiêu dùng mà không bị phát hiện suốt 4 năm.
Hiện nay, theo quy định, mặt hàng sữa trong nước chỉ cần tự công bố chất lượng qua mạng là có thể lưu hành. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện hậu kiểm, tức là đợi khi có vấn đề xảy ra mới vào cuộc. Tuy nhiên, quy trình hậu kiểm hiện tại lại tồn tại vô số bất cập.
Việc kiểm nghiệm chất lượng sữa có chi phí cao, và nếu kết quả kiểm nghiệm không phát hiện vi phạm thì chính cơ quan kiểm tra phải chịu chi phí. Điều này tạo ra rào cản tài chính và tâm lý e ngại khiến không ai muốn "chủ động" đi kiểm tra. Chưa kể, quy trình chỉ cho phép kiểm tra khi có dấu hiệu bất thường – nhưng dấu hiệu thế nào mới đủ để "động vào"? Và ai sẽ là người quyết định? Sự mập mờ trong tiêu chí đã vô tình biến hệ thống hậu kiểm thành một lớp lưới mỏng manh không đủ sức chặn lại cơn lốc hàng giả, hàng kém chất lượng.
Vụ việc sữa giả lần này là cú lừa lớn, nhưng đau đớn thay, nó không phải là cú lừa duy nhất trên thị trường tiêu dùng hiện nay. Từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc giả đến các loại thực phẩm thiết yếu khác, người tiêu dùng ngày càng phải chơi trò "may rủi" trong từng lần mua sắm. Điều này cho thấy vấn đề không nằm ở riêng mặt hàng sữa, mà là ở mô hình và tư duy quản lý.
Do vậy, không thể tiếp tục để doanh nghiệp tự công bố và... tự chịu trách nhiệm mà thiếu đi một cơ chế hậu kiểm thực chất. Cần có những quy định chặt chẽ hơn về tần suất hậu kiểm, tỉ lệ lấy mẫu, mức độ giám sát đặc biệt với các mặt hàng liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là nhóm dành cho trẻ em và người già.
Vụ việc này thêm một lần nữa minh chứng cho sự cần thiết của việc tinh gọn bộ máy hành chính, xác lập một đầu mối chịu trách nhiệm. Không thể tiếp tục duy trì mô hình quản lý rối rắm như hiện nay, để rồi khi xảy ra sự cố thì mỗi bên đẩy trách nhiệm cho bên kia, còn người dân thì cứ... tự lo.
Cải cách thể chế, gắn trách nhiệm cụ thể với từng cá nhân, từng đơn vị, thiết lập cơ chế kiểm tra minh bạch, phản ứng nhanh và xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm, đó là những việc cần làm ngay để khôi phục lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Đằng sau những hộp sữa tưởng chừng vô hại là một hệ sinh thái hàng giả đã vận hành trơn tru suốt nhiều năm. Và chính sự buông lỏng trong quản lý đã tiếp tay cho nó phát triển.
Đã đến lúc không thể chỉ xử lý phần ngọn. Phải truy đến gốc, phải cải tổ hệ thống, phải trao cho người tiêu dùng quyền được bảo vệ thực chất, chứ không phải sống trong nỗi hoang mang giữa rừng hàng hóa "nhái", "giả", "lập lờ" chất lượng.