Khi thẩm tra dự án Luật Chứng khoán sửa đổi vừa qua, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo quy định về vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp có nhiều đóng góp thiết thực
Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách mới trong việc huy động sức mạnh của khu vực tư nhân cho phát triển nền kinh tế nói chung, các loại hình thị trường nói riêng.
Qua đó, các nguồn lực trong dân không chỉ được phát huy hiệu quả trên thực tế trong công cuộc đổi mới nền kinh tế, mà còn san sẻ gánh nặng với Nhà nước trên nhiều mặt, mang lại nguồn lực tổng hợp cho thúc đẩy các lĩnh vực của đời sống kinh tế phát triển theo chiều hướng ngày càng năng động, sáng tạo.
Trên cơ sở định hướng cởi mở đó từ phía Nhà nước, hiện có nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động tích cực trên thị trường chứng khoán như Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Câu lạc bộ Quản lý quỹ Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nghiệp niêm yết…
Có thể bạn quan tâm
10:59, 24/04/2019
10:53, 22/04/2019
15:51, 19/04/2019
11:01, 12/04/2019
11:01, 05/04/2019
05:56, 03/04/2019
Trong đó, VBMA có 43 thành viên chính thức gồm các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ…, hiệp hội này đã có nhiều đóng góp ý kiến phản biện, tham gia hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện chính sách, khung pháp lý cho thị trường trái phiếu tại Việt Nam.
Theo một số chuyên gia, những cơ chế thông thoáng, tạo thuận lợi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển dần sôi động gần đây có sự đóng góp hiệu quả, mang tính chuyên môn và trách nhiệm của VBMA. Nhiều thế hệ quy định pháp luật về thị trường trái phiếu, nổi bật gần đây là Nghị định 163/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có sự đóng góp tích cực của các thành viên VBMA ngay từ những bản dự thảo đầu tiên.
Với mục tiêu hoạt động nhằm góp phần chuẩn hóa tập quán thương mại và thông lệ quốc tế đối với các giao dịch trái phiếu và công cụ nợ khác tại thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tháng 3/2019, VBMA đã tổ chức ký biên bản ghi nhớ triển khai mẫu Hợp đồng khung chuẩn giao dịch repo cho thị trường trái phiếu Việt Nam giữa các thành viên thị trường. Bước tiến này sẽ giúp chuẩn hóa các giao dịch trên thị trường, tiết kiệm thời gian và chi phí, qua đó góp phần tăng khối lượng giao dịch…
Để thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch VBMA cho biết, tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý và thành viên thị trường trái phiếu, trong thời gian tới, Hiệp hội tập trung hỗ trợ cơ quan quản lý hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường, tăng cường hợp tác quốc tế góp phần quảng bá và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trái phiếu Việt Nam…
Chính cơ quan quản lý cũng mong muốn VBMA tiếp tục phối hợp hiệu quả hơn nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển. Liên quan đến định hướng phối hợp hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu trong năm nay, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Thị trường tài chính, Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính chia sẻ, để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, nhiều cơ chế mới đã được đề xuất tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi. Cơ quan quản lý mong muốn VBMA liên tục có ý kiến đóng góp vào dự thảo luật này trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới.
“Ngoài ra, trên cơ sở Nghị định 163/2018/NĐ-CP, chúng tôi mong muốn VBMA chủ trì ban hành sổ tay nghiệp vụ hướng dẫn về phát hành trái phiếu, cũng như đào tạo kiến thức cho doanh nghiệp, nhà đầu tư”, bà Tâm nói.
Đáng chú ý, tại Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/2/2019, trong phần phụ lục về lộ trình thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán có một mục về nâng cao vai trò của các hội nghề nghiệp trong phát triển thị trường chứng khoán.
Theo đó, Đề án đã nêu đích danh vai trò của nhiều hiệp hội ngành nghề như Hội Kiểm toán viên hành nghề, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán… trong việc góp phần đổi mới cơ chế, chính sách, cũng như triển khai các giải pháp nhằm tái cơ cấu thị trường chứng khoán hiệu quả hơn.
Chẳng hạn, VASB được giao nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong rà soát, xây dựng các chương trình đào tạo người hành nghề chứng khoán theo hướng hài hòa với các chuẩn mực chung của ASEAN. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với VASB xây dựng kế hoạch, từng bước chuyển giao hoạt động thi, cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán cho các hội nghề nghiệp trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu về năng lực của các hội ngành nghề…
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký VASB cho hay, những năm qua, Hiệp hội đã kiến nghị cơ quan quản lý dần chuyển hoạt động đào tạo, thi, cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán sang cho VASB đảm trách như thông lệ quốc tế, nhưng chưa được chấp thuận. Nay với định hướng rõ ràng tại đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, Hiệp hội hy vọng các hoạt động này sẽ sớm được cơ quản quản lý chuyển giao, vì VASB có thể đảm trách được việc này.
Hay VAFI, hiệp hội này bền bỉ đưa ra nhiều kiến nghị “không ngại va chạm” về nhiều nội dung như thúc doanh nghiệp thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa gắn với lên sàn chứng khoán, thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư…. Kết quả, không ít kiến nghị đã được chuyển hóa vào các quy định pháp luật đang được áp dụng trong thực tiễn.
Liên quan đến mô hình tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi quy định, Sở thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài đề xuất, sở giao dịch chứng khoán nên được tổ chức theo mô hình công ty cổ phần, với sự tham gia sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán, nhất là các công ty chứng khoán lớn, nhằm góp sức vào việc hiện đại hóa, chuyên nghiệp của tổ chức này.
Cần bổ sung vào Luật Chứng khoán vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp
Mới đây, khi thẩm tra dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội không thấy dự thảo luật quy định về hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, cần bổ sung quy định về vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp vào Luật, vì trong nền kinh tế thị trường, tổ chức này là cầu nối giữa các thành viên thị trường và cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong việc ban hành các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với tổ chức, cá nhân hành nghề chứng khoán để góp phần bảo đảm sự lành mạnh của thị trường chứng khoán.
Dự thảo Luật cần có các quy định mang tính nguyên tắc để tạo khung pháp lý về vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán tương tự như Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập...
Tại Luật Kiểm toán độc lập và Luật Kế toán đều có quy định về kiểm toán và kế toán. Theo đó, tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, kế toán được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về hội và có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập, kế toán.
Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, kế toán được bồi dưỡng kiến thức cho kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề, cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập, kế toán do Chính phủ quy định...
Đây là kinh nghiệm cần tham khảo trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Chứng khoán sửa đổi trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, theo kế hoạch sẽ được khai mạc vào tháng 5/2019.