Sửa Luật Dầu khí: Cần rõ phân cấp, phân quyền

GIA NGUYỄN 02/10/2022 04:00

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, cần rõ phân cấp, phân quyền cho Petrovietnam và vai trò khi doanh nghiệp này đại diện Nhà nước thực hiện hoạt động dầu khí…

>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi

Dự thảo luật Dầu khí (sửa đổi) dành một Chương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), trong đó, bản cập nhật Dự thảo mới nhất cũng phân định thẩm quyền của Petrovietnam, Bộ Công Thương và Thủ tướng ở từng khâu.

Theo chuyên gia, Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), cần rõ phân cấp, phân quyền - Ảnh minh họa: CAND

Theo chuyên gia, Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), cần rõ phân cấp, phân quyền - Ảnh minh họa: CAND

Tuy nhiên, góp ý tại Hội thảo về Luật Dầu khí sửa đổi: Chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mới đây, các chuyên gia cho rằng, vẫn cần phân tách rõ vai trò, phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Petrovietnam.

Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam cho biết, thực tế cho thấy, đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm Việt Nam, trong quá trình triển khai thực hiện có một số phát sinh như: Phía đầu tư nước ngoài nhận định rằng, Petrovietnam chỉ đứng ra ký kết, nhưng mọi tranh chấp lại kéo Chính phủ vào. Chính phủ không tách ra được khỏi trách nhiệm của các hợp đồng dầu khí.

“Tôi cho rằng Petrovietnam là doanh nghiệp Nhà nước 100%, làm được nhiều thì Chính phủ giao nhiều, làm được ít thì Chính phủ giao ít. Về phía thực thi ổn không vấn đề gì, tuy nhiên, về mặt pháp lý, nếu Chính phủ không muốn liên quan đến tranh chấp, kiện tụng nên cân nhắc trong phần phân cấp, phân quyền ở bản sửa đổi mới nhất. Chúng tôi kiến nghị kế hoạch đại cương thông thường vẫn giao cho Petrovietnam”, ông Nguyễn Quốc Thập chia sẻ.

>> Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần cơ chế khuyến khích nhà đầu tư

Chuyên gia cũng cho rằng, tăng phân cấp, trao thêm quyền cho Petrovietnam để tăng tính tự chủ, góp phần tạo làn sóng bùng nổ mới về đầu tư trong lĩnh vực dầu khí - Ảnh minh họa: QĐND

Chuyên gia cũng cho rằng, tăng phân cấp, trao thêm quyền cho Petrovietnam để tăng tính tự chủ, góp phần tạo làn sóng bùng nổ mới về đầu tư trong lĩnh vực dầu khí - Ảnh minh họa: QĐND

Theo ông Thập, trong điều tra cơ bản về dầu khí khác với điều tra cơ bản bên địa chất. Các nhà đầu tư tư nhân rất ít, trong khi nhà đầu tư nước ngoài chiếm đến 80%, trong điều tra cơ bản hiện Dự thảo Luật đang giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường với những định mức cụ thể, nhưng tôi cho rằng, sẽ rất khó khả thi vì hoàn toàn do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thu nổ địa chấn.

“Do đó, cần cân nhắc, bổ sung chính sách ưu đãi, chẳng hạn như bổ sung thêm khoản trường hợp kết thúc giai đoạn tìm kiếm thăm dò, nhà đầu tư thấy cần ưu đãi cao hơn để chuyển sang giai đoạn khai thác, nhà đầu tư sẽ trình hồ sơ xin thay đổi, Bộ Công Thương thẩm định. Nếu bổ sung điểm này, luật ra đời sẽ thể hiện tính bao quát, ưu đãi cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích”, Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Thập cũng mong muốn Luật Dầu khí (sửa đổi) với những điểm mới, tiến bộ sẽ sớm được thông qua và thực thi, đáp ứng kỳ vọng của của Đảng, Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp.

Đồng tình với Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vy - Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, việc trao thêm quyền cho Petrovietnam ở khâu phê duyệt kế hoạch đại cương thông thường sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án dầu khí.

Theo ông Vy, thực tế, nhiều dự án tiềm năng vừa qua triển khai chậm do vướng mắc khâu đàm phán, phân quyền... dẫn tới bỏ lỡ cơ hội đầu tư tốt. Chẳng hạn, có dự án khí khi khởi động cách đây 20 năm, giá khí ở thời điểm đó tính toán chỉ 3 USD, nhưng sau nhiều năm đàm phán kéo dài, vướng mắc ở phân định thẩm quyền quyết định, dự án này vẫn chưa thể triển khai. Trong khi đó, giá khí hiện đã tăng lên vài chục USD... ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư dự án.

“Vì thế, tăng phân cấp, trao thêm quyền cho Petrovietnam để tăng tính tự chủ, góp phần tạo làn sóng bùng nổ mới về đầu tư trong lĩnh vực dầu khí... là cần thiết”, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam bày tỏ.

Bên cạnh những góp ý đã nêu, các chuyên gia cũng lưu ý, cần có quy định để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, né tránh nhiệm, gây tổn thất và kiện tụng. Bởi Petrovietnam là doanh nghiệp Nhà nước, lĩnh vực hoạt động, quản lý là ngành kinh tế quan trọng, liên quan đến những vấn đề an ninh, quốc phòng.

Chuyên gia kinh tế - Nguyễn Minh Phong đề nghị, bổ sung các quy định về kiện toàn bộ máy, tổ chức của Petrovietnam để tương xứng với vai trò, chức năng được giao.

Không chỉ có vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, Dự thảo luật mới nhất vẫn chưa phân tách rõ vai trò của Petrovietnam về quản lý Nhà nước thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao và là doanh nghiệp, nhà thầu.

Ông Nguyễn Văn Tuân - Uỷ viên ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam đặt vấn đề, Petrovietnam là doanh nghiệp Nhà nước thì có chức năng quản lý Nhà nước hay không? Dù theo Dự thảo luật là giúp Nhà nước quản lý nguồn tài nguyên quốc gia.

Do đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần quy định rõ trách nhiệm của Petrovietnam trong ký kết với nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ.

“Trong tờ trình có nói đến 2 vai của Petrovietnam, theo tôi, cần quy định rõ ràng, chứ thực hiện ủy quyền của Chính phủ là không đúng. Trong tờ trình cũng chưa thấy toát lên được lý luận thực tiễn, chưa có lập luận. Dự thảo mới đã sáng ý và gọn nhưng vẫn còn nhiều vấn đề, đơn cử, trong chương IX chưa rõ đc vai trò của Petrovietnam. Chức năng nhiệm vụ cần rõ ràng, đề nghị trong bản giải trình cần thuyết minh rõ hơn địa vị pháp lý của Tập đoàn”, ông Nguyễn Văn Tuân chia sẻ.

Cùng với những nội dung đã nêu, ở lần sửa đổi này, các chuyên gia cũng đề nghị phân định rõ tới đây sẽ phát triển Petrovietnam là Công ty dầu khí quốc gia hay theo mô hình Công ty dầu khí quốc tế. Bởi việc xác định địa vị pháp lý rõ ràng sẽ giúp rõ hơn chức năng quản lý Nhà nước, minh bạch trong quá trình thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi

    Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi

    04:00, 30/09/2022

  • Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần cơ chế khuyến khích nhà đầu tư

    Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần cơ chế khuyến khích nhà đầu tư

    03:50, 21/09/2022

  • Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi cho các dự án đã tồn tại

    Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi cho các dự án đã tồn tại

    04:00, 24/08/2022

  • Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần “gỡ vướng” về thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư

    Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần “gỡ vướng” về thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư

    04:00, 23/08/2022

  • Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Gỡ chồng chéo pháp luật

    Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Gỡ chồng chéo pháp luật

    03:50, 19/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Dầu khí: Cần rõ phân cấp, phân quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO