Bình luận

Sửa Luật Điện lực: Xem xét kỹ quy định về điện tự sản tự tiêu

Yến Nhung 24/08/2024 04:00

Góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng, cần xem xét kỹ phạm vi và mức độ quy định về điện tự sản tự tiêu trong Luật để phù hợp với xu hướng phát triển tương lai của loại hình này.

Dự Thảo Luật Điện lực sửa đổi (Dự thảo) có 9 chương, 121 điều (tăng 51 điều so với Luật hiện hành). Trong đó, phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, bao gồm cả điện tự sản tự tiêu là nội dung được nhiều chuyên gia quan tâm. Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét kỹ phạm vi và mức độ quy định về điện tự sản tự tiêu trong Luật để vừa có thể giải quyết những vướng mắc hiện nay cũng như phù hợp với xu hướng phát triển tương lai của loại hình này.

dienmattroimainha1-1720957377164981898276.jpg
Phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, bao gồm cả điện tự sản tự tiêu là nội dung trong Dự thảo được nhiều chuyên gia quan tâm - Ảnh minh họa: ITN

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Hà Đăng Sơn, Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh nhấn mạnh, Nghị quyết 55-NQ/TW đã xác định cần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch.

Tuy nhiên, Điều 28 và Điều 29 của Dự thảo liên quan tới điện tự sản tự tiêu có đưa yêu cầu công suất phát triển bảo đảm không lớn hơn công suất trung bình của phụ tải điện và sản lượng điện tiêu thụ trung bình của tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị điện lực mà không có diễn giải rõ ràng về khái niệm "công suất trung bình của phụ tải điện".

Theo ông Sơn, trong thực tế, khi nguồn điện tự sản tự tiêu có đi kèm pin lưu trữ thì hoàn toàn có thể lắp đặt hệ thống với công suất lớn hơn công suất trung bình của phụ tải điện để phục vụ mục đích tự sản tự tiêu mà không gây ảnh hưởng tới lưới điện.

“Ngoài ra, trong Dự thảo cũng không nêu về hình thức bên thứ ba đầu tư (mô hình công ty dịch vụ năng lượng ESCO). Nếu không khuyến khích hình thức này thì rất khó huy động nguồn tài chính đầu tư cho các dự án điện tự sản tự tiêu”, chuyên gia này bày tỏ.

dien-mat-troi-compre.jpg
Các chuyên gia cho rằng, cần xem xét kỹ phạm vi và mức độ quy định về điện tự sản tự tiêu trong Luật - Ảnh minh họa: ITN

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, điện tự sản tự tiêu và điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu là khái niệm ít phổ biến trên thế giới khi phân loại các dạng năng lượng điện. Ví dụ, điện mặt trời thông thường bao gồm điện mặt trời áp mái, điện mặt trời nổi và điện mặt trời mặt đất.

“Ở nước ta, một số chuyên gia cho rằng, điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu xuất hiện như một giải pháp tình thế, ngắn hạn trong bối cảnh hệ thống lưới điện quốc gia hiện nay tạm thời chưa hấp thụ được mức tăng nóng của điện năng lượng tái tạo. Vì vậy, cần xem xét kỹ phạm vi và mức độ quy định về điện tự sản tự tiêu trong Dự thảo”, chuyến gia này nhấn mạnh.

Theo ông Chiến, tại điểm a khoản 2 Điều 28 và khoản 2 Điều 29 quy định công suất phát triển điện tự sản tự tiêu từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ theo hình thức tự sản tự tiêu phải “không lớn hơn công suất trung bình của phụ tải điện và sản lượng điện tiêu thụ trung bình”. Việc giới hạn này có thể kìm hãm sự phát triển của phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Vì vậy, đề nghị làm rõ ý nghĩa của việc giới hạn công suất như vậy.

Bên cạnh vấn đề đã nêu, ông Chiến cho biết, Dự thảo đã có quy định về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới tại khoản 8 Điều 5 và giao Chính phủ “quyết định chính sách cụ thể khuyến khích phát triển và thu hút đầu tư vào điện năng lượng mới” tại Điều 32. Chưa rõ cơ quan nào có trách nhiệm quyết định chính sách cụ thể khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể để phát triển điện năng lượng tái tạo có nhiều tiềm năng phát triển và có ý nghĩa trong xây dựng nông thôn mới, đô thị hóa hiện nay.

Ngoài ra, tại Điều 27 quy định về khảo sát tiềm năng, định hướng phát triển mới chỉ tập trung vào các loại hình năng lượng thuộc dạng năng lượng tái tạo, gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, nguyên năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thủy triều và các dạng tài nguyên năng lượng đại dương khác. Trách nhiệm khảo sát, đánh giá tiềm năng, định hướng phát triển năng lượng mới, những yếu tố liên quan đến việc sản xuất hydro xanh, amoniac xanh và nguồn năng lượng mới khác chưa được quy định trong Dự thảo.

“Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về vấn đề này”, ông Nguyễn Quyết Chiến đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Điện lực: Xem xét kỹ quy định về điện tự sản tự tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO