Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Đường sắt: Cần cơ chế khuyến khích nội địa hóa công nghiệp đường sắt

Gia Nguyễn 24/05/2025 04:30

Để tăng tính khả thi và tạo thêm động lực phát triển, góp ý Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), không ít ý kiến cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích nội địa hóa công nghiệp đường sắt.

Việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chính sách phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước;

Khắc phục những tồn tại, bất cập về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành đường sắt, thúc đẩy tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như công tác quản lý Nhà nước về hoạt động đường sắt.

sua-luat-duong-sat-23.5.2.jpg
Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đem đến nhiều kỳ vọng - Ảnh minh họa: ITN

Theo đó, trên cơ sở 5 chính sách đã được thông qua, Bộ Xây dựng đã cụ thể hóa thành các quy định và tập trung vào 5 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá để tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt, như: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; hoạt động vận tải đường sắt; kết nối các phương thức vận tải; phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt.

Với các nội dung, chính sách được đề xuất, việc sửa đổi Luật Đường sắt lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, tháo gỡ các rào cản, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, để tăng tính khả thi và tạo thêm động lực phát triển, không ít ý kiến cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích nội địa hóa công nghiệp đường sắt.

sua-luat-duong-sat-23.5.1.jpg
Để tăng tính khả thi và tạo thêm động lực phát triển, không ít ý kiến góp ý, cần có cơ chế khuyến khích nội địa hóa công nghiệp đường sắt - Ảnh minh họa: ITN

Góp ý cho Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc về khuyến khích nội địa hóa và phát triển công nghiệp trong nước, thúc đẩy sự liên kết giữa công nghiệp đường sắt và các ngành công nghiệp phụ trợ; đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ để cải thiện hiệu quả sản xuất, vận hành…

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác trường, viện, doanh nghiệp trong nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao, các hoạt động hợp tác quốc tế…

Đối với cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt và an sinh xã hội, một số ý kiến đề nghị, làm rõ các tiêu chí cụ thể để xác định chi phí hợp lý và quy trình bù đắp chi phí cho doanh nghiệp, bao gồm cách thức xác minh và kiểm tra các khoản chi phí này.

Đồng thời, bổ sung các quy định về công khai thông tin trong quá trình hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt và an sinh xã hội như ngân sách hỗ trợ bao nhiêu, hỗ trợ cho tuyến nào, kết quả vận chuyển ra sao, bảo đảm tính minh bạch và ngăn ngừa các hành vi lạm dụng, tiêu cực.

Trước đó, tham gia góp ý Dự thảo Luật, GS TS Bùi Xuân Phong - nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Đường sắt lần này cần được nghiên cứu, đánh giá, bám vào các quy định, điều luật cụ thể, nêu rõ tại sao không khả thi, đánh giá tác động từ các luật khác, từ đó xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung chi tiết.

Cùng với đó, cần phải đảm bảo sự tương thích với các Điều ước quốc tế về đường sắt mà Việt Nam là thành viên. Kế thừa những ưu điểm của Luật Đường sắt 2017; bổ sung, thay thế những nội dung không phù hợp; tăng cường phân cấp, phân quyền trong hoạt động đường sắt; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển đường sắt của các nước trên thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đặc biệt, về đường sắt đô thị, GS TS Bùi Xuân Phong đề xuất, cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đặc thù, cơ chế, chính sách ưu đãi để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình đầu tư hệ thống đường sắt đô thị. Có cơ chế khai thác hiệu quả nguồn lực thông qua áp dụng mô hình phát triển đô thị dựa trên hệ thống giao thông công cộng (TOD) để huy động nguồn vốn. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn cho đầu tư đường sắt nói chung, đường sắt đô thị nói riêng.

“Ngoài ra, cần đa dạng hóa nguồn lực, huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công nghiệp, khai thác vận tải đường sắt. Ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Tham gia góp ý Dự thảo Luật, một số chuyên gia cũng bày tỏ, công nghiệp đường sắt gồm 4 lĩnh vực: xây dựng hạ tầng đường sắt; phương tiện đường sắt (đầu máy, toa xe, phụ tùng, phụ kiện); thông tin, tín hiệu và hệ thống cung cấp điện; vật tư, vật liệu, thiết bị đường sắt phục vụ cho quá trình xây dựng, vận hành, bảo trì các tuyến. Vì vậy, việc sửa đổi Luật cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách cụ thể để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào các khâu đoạn đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt.

Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, dự kiến, tại phiên họp ngày 27/5 tới đây, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Đường sắt: Cần cơ chế khuyến khích nội địa hóa công nghiệp đường sắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO