Sửa Luật Giá: Cần xác định rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh

GIA NGUYỄN 11/11/2022 11:23

Xoay quanh Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), nhiều ý cho rằng, để bảo đảm không trùng lắp, mâu thuẫn với các luật khác, cần rà soát để xác định rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh…

>> Sửa đổi Luật Giá: Tại sao phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Được cho là đạo luật gốc về quản lý giá, có chức năng quy định những nguyên tắc căn bản trong quản lý Nhà nước về giá; quy định các biện pháp, mức độ kiểm soát, điều tiết từ phía Nhà nước và liên quan đến nhiều luật khác… Do đó, không ít ý kiến cho rằng, sửa Luật Giá lần này cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính thống nhất trong quản lý theo hướng các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này.

Luật Giá được cho là đạo luật gốc về quản lý giá, có chức năng quy định những nguyên tắc căn bản trong quản lý Nhà nước về giá... - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Luật Giá được cho là đạo luật gốc về quản lý giá, có chức năng quy định những nguyên tắc căn bản trong quản lý Nhà nước về giá... - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Thực tế hiện nay, bên cạnh Luật Giá, không ít các Bộ luật, luật khác cũng đang quy định nội dung về quản lý giá (như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng...).

Cụ thể, đối với các quy định liên quan đến định giá Nhà nước, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Luật Giá nhằm tránh việc lạm dụng có phát sinh không thực sự cần thiết... Tuy nhiên, trong thực tế khi xây dựng các Luật chuyên ngành đã có những quy định liên quan đến định giá Nhà nước dẫn đến sự trùng lặp, mâu thuẫn, chồng chéo.

Chẳng hạn quy định thêm hàng hóa, dịch vụ áp dụng định giá Nhà nước ngoài danh mục tại Luật Giá như Luật Giao thông đường bộ bổ sung giá dịch vụ ra, vào bến xe do UBND tỉnh quy định (Điều 83); Luật Đường sắt năm 2017 bổ sung giá dịch vụ vận tải hành khách, hành khách trên đường sắt đô thị do UBND cấp tỉnh quy định (điều 56, Điều 67); Luật Đấu giá tài sản năm 2016 bổ sung khung giá thù lao dịch vụ đấu giá tài sản do Bộ Tài chính quy định (Điều 78),...

Theo các chuyên gia, việc các Luật quy định bổ sung danh mục mặc dù đều xuất phát từ yêu cầu cấp thiết đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trong quản lý Nhà nước, tuy nhiên, cũng dẫn đến Danh mục hàng hóa, dịch vụ định giá còn được bổ sung, quy định trùng lặp, chồng chéo tại nhiều Luật, thậm chí tại các Nghị định, Thông tư dẫn đến hạn chế cho việc kiểm soát, theo dõi, tổng hợp tập trung.

>> Điều hành giá theo nguyên tắc thị trường: Tiệm cận pháp luật giá quốc tế

Nhiều ý kiến cho rằng, cần đảm bảo tính khả thi đối với các quy định liên quan đến hiệp thương về giá, tránh để xảy ra các trường hợp liên như giá xăng, giá điện - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Nhiều ý kiến cho rằng, cần đảm bảo tính khả thi đối với các quy định liên quan đến hiệp thương về giá, tránh để xảy ra các trường hợp tương tự như giá xăng, giá điện - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Và từ thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát để xác định rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Giá (sửa đổi); làm rõ mối quan hệ của luật này với các luật khác để bảo đảm không trùng lắp, mâu thuẫn. Đồng thời, xây dựng quy định dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành mang tính nguyên tắc trong quản lý để tạo căn cứ áp dụng, minh bạch, dễ tiếp cận.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, góp ý xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát lại một số vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến hiệu quả, tính chặt chẽ, minh bạch trong quản lý Nhà nước về giá chưa được quy định rõ, như: dịch vụ thuộc diện bình ổn giá; căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong các trường hợp kinh doanh trên nền tảng số; công tác hậu kiểm, việc phòng ngừa các sai phạm trong lĩnh vực thẩm định giá. Để tiếp tục bổ sung các quy định, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện.

Đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách về giá phù hợp với khu vực đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo tính phù hợp. Sự phân cấp phân quyền trong thẩm định giá cần thể hiện thật rõ ràng; tránh chồng chéo về trách nhiệm; làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản và các cấp địa phương;...

Về cơ chế hiệp thương giá, cần quy định chặt chẽ, tránh tạo ra sự thông đồng, hoặc có lợi cho một bên. Tiếp tục nghiên cứu quy định rõ hơn, đảm bảo tính khả thi đối với các quy định liên quan đến hiệp thương về giá, tránh để xảy ra các trường hợp tương tự như giá xăng, giá điện thời gian qua, biến động rất nhiều, điều chỉnh nhưng khó giảm, gây ảnh hưởng đến người sử dụng.

Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), một số ý kiến cũng cho rằng, trong quy định: “Cấm lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước, điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá”… Cần làm rõ, cụ thể nội dung “bất hợp lý”, “không phù hợp” để tránh xảy ra nhiều cách hiểu khác nhau.

Cho ý kiến về Dự thảo Luật (sửa đổi) tại Tổ trước đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, giá một số hàng hóa, trang thiết bị, vật tư tiêu hao tăng rất nhanh trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19, thực tế, một số đoàn thanh tra, kiểm tra đã cảnh báo dấu hiệu vi phạm khi bán giá hàng hóa cao hơn giá nhập vài chục phần trăm, tạo tâm lý lo lắng cho các sở y tế khi phải mua bán trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư phòng, chống dịch. Thậm chí, bên cung ứng, bên bán cũng không muốn tham gia vào các giao dịch với các cơ sở y tế vào thời điểm dịch bùng phát do sợ phải giải trình với các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề lợi nhuận. Hiện nay, có rất nhiều cách hiểu khác nhau khi giá tăng lên đột biến như vậy.

Từ đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc giá thành toàn bộ đối với một số mặt hàng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh…

“Để giải quyết triệt để vấn đề này, có thể xem đây như một trong những biện pháp bình ổn giá có thời hạn để bổ sung vào nội dung Dự thảo”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa đổi Luật Giá: Tại sao phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    Sửa đổi Luật Giá: Tại sao phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    00:06, 07/11/2022

  • Điều hành giá theo nguyên tắc thị trường: Tiệm cận pháp luật giá quốc tế

    Điều hành giá theo nguyên tắc thị trường: Tiệm cận pháp luật giá quốc tế

    04:00, 06/11/2022

  • Sửa Luật Giao dịch điện tử: Cân nhắc phạm vi điều chỉnh

    Sửa Luật Giao dịch điện tử: Cân nhắc phạm vi điều chỉnh

    04:00, 02/11/2022

  • Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Cần tính toán kỹ để đảm bảo khả thi

    Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Cần tính toán kỹ để đảm bảo khả thi

    00:06, 24/10/2022

  • Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hoàn thiện pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số

    Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hoàn thiện pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số

    04:00, 11/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Giá: Cần xác định rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO