Nhiều ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước nhằm tăng cường phân cấp phân quyền, cởi trói các nguồn lực tạo động lực mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo.
Sau hơn 8 năm thực hiện, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả và minh bạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế-xã hội cùng với yêu cầu cấp thiết của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đã đặt ra những thách thức mới và đòi hỏi Luật ngân sách Nhà nước phải có sự thay đổi căn bản. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2025 theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Việc sửa đổi Luật được thực hiện trên cơ sở quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu cao nhất là hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách Nhà nước, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương đồng thời phát huy tính chủ động của ngân sách địa phương, như tạo điều kiện để các địa phương chủ động huy động, sử dụng nguồn lực cho các dự án đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Một trong những điểm nhấn trong Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) lần này là tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách Nhà nước. Cụ thể là trao quyền chủ động cho các địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả và tính kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh. Đáng chú ý, thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm với việc tối ưu hóa quy trình, như đơn giản hóa quy trình lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách Nhà nước đối với các dự án khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu.
Xoay quanh vấn đề này, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Minh Khương đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, tập trung vào việc đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và tuân thủ Luật Kiểm toán Nhà nước trong quá trình quản lý, sử dụng ngân sách cho các dự án khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Góp ý về quy định liên quan đến Quỹ dự trữ tài chính, ông Khương đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa việc trích quỹ dự trữ tài chính theo dự toán và theo tỷ lệ 50% số dư cuối năm, nhằm đảm bảo tính chính xác và hiệu quả trong việc quản lý quỹ.
Đối với mức trích lập quỹ dự trữ tài chính, Phó tổng Kiểm Toán Phó Tổng Kiểm toán cho rằng quy định mức tối đa như trong Dự thảo Luật là chưa phù hợp với thực tiễn sử dụng ngân sách ở các địa phương. Đồng thời đề xuất giao Hội đồng Nhân dân quyết định cụ thể mức trích lập, tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương để bảo đảm tính linh hoạt và sát thực tiễn.
Ngoài ra, ông Khương cũng kiến nghị điều chỉnh các nội dung liên quan đến thời hạn lập dự toán, thẩm quyền điều chỉnh dự toán của Bộ Tài chính, cũng như sự cần thiết của việc hài hòa các quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước với Luật Kiểm toán Nhà nước và các văn bản pháp luật khác.
“Việc sửa đổi luật cần hướng đến mục tiêu tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời vẫn đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong quản lý ngân sách trên cả nước”, ông Khương nhấn mạnh.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong cả khu vực công và khu vực tư, ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị mở rộng phạm vi sử dụng Quỹ dự trữ tài chính và tăng thẩm quyền cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong việc điều chỉnh ngân sách.