Mặc dù đã có nhiều tiếp thu, chỉnh lý cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi đề ra, tuy nhiên, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) vẫn còn một số tồn tại được cho sẽ tạo “gánh nặng” cho doanh nghiệp…
>> Cân nhắc bổ sung thêm các quy định mang tính nguyên tắc cho Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
Theo đó, cho ý kiến về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách Quốc hội tháng 9 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội - Hoàng Thanh Tùng đánh giá, so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Dự thảo Luật trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 7 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 1 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, mục trong các chương của Dự thảo Luật cho hợp lý.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo; cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các định hướng sửa đổi Luật Thanh tra đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã nêu, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được cho vẫn còn một số tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ tạo “gánh nặng” về thanh, kiểm tra đổi với hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Tại văn bản trả lời công văn số 1113/UBPL15 ngày 16/9/2022 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc lấy ý kiến Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Luật Thanh tra hiện nay đã có nhiều quy định tương đối chặt chẽ về thẩm quyền, nội dung, trình tự thủ tục giúp hoạt động thanh tra trở nên minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đối tượng bị thanh tra. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng một số cơ quan Nhà nước tránh áp dụng các quy định chặt chẽ về thanh tra bằng cách tiếp cận doanh nghiệp nhưng không gọi là thanh tra, mà gọi là kiểm tra.
“Hoạt động kiểm tra này hiện đang không có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể hoặc có quy định nhưng rất chung chung, không minh bạch, dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng rất cao. Ví dụ, nhiều trường hợp pháp luật chuyên ngành chỉ quy định cơ quan quản lý chuyên môn có quyền kiểm tra doanh nghiệp, nhưng không có quy định cụ thể về kế hoạch kiểm tra, thời hạn kiểm tra, căn cứ kiểm tra, quyết định kiểm tra, đoàn kiểm tra, thủ tục thực hiện kiểm tra,… Như vậy, đây mới chỉ có quy định trao quyền chứ chưa có quy định kiểm soát quyền lực”, VCCI bày tỏ.
Và để ngăn chặn sự lạm dụng, VCCI đề nghị Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) bổ sung nguyên tắc quy định về việc lựa chọn đối tượng, phạm vi và thời gian thanh tra theo quản lý rủi ro.
>> Chống thất thu qua thanh tra, kiểm tra
Đáng nói, trong Dự thảo Luật sửa đổi đã đề cập đến hoạt động kiểm tra với hai nguyên tắc cơ bản là tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, đồng thời để pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động kiểm tra.
Thông tin với báo chí về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, quy định như Dự thảo Luật vẫn sẽ không giải quyết được vấn đề lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng hiểu rằng, hoạt động kiểm tra vốn rất đa dạng và việc để pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể là hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần có những nguyên tắc tối thiểu làm định hướng để xây dựng các quy định về kiểm tra tại pháp luật chuyên ngành”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Ngoài ra, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng quy định, một trong những căn cứ ra Quyết định thanh tra là theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, đây được hiểu là trường hợp thanh tra đột xuất. Nội dung này được hiểu rằng kể cả trong trường hợp không có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không có khiếu nại, tố cáo thì vẫn có thể tiến hành hoạt động thanh tra đột xuất.
Về nội dung này, theo ông Đậu Anh Tuấn, quy định như vậy là chưa hợp lý vì Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cũng không thể tuỳ tiện yêu cầu thanh tra đột xuất. Vì vậy, trong luật phải quy định thanh tra đột xuất phải xuất phát từ các dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có khiếu nại, tố cáo.
Đồng tình với những góp ý đã nêu, TS Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thanh tra doanh nghiệp nên theo hướng giảm tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp; Bỏ kế hoạch thanh tra định kỳ, theo kế hoạch hoặc nếu cần thiết phải được thực hiện theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và cần được báo trước và minh bạch hoá; Cần tách riêng quy định về thanh tra doanh nghiệp thành một chương riêng để tránh chồng chéo, trùng lặp do hoạt động doanh nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, là đối tượng của nhiều cơ quan thanh tra chuyên ngành.
Nhấn mạnh, mục tiêu thanh tra là để doanh nghiệp yên tâm tuân thủ pháp luật, chứ thanh tra không phải là để soi mói doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu không đồng tình với quy định cơ quan thanh tra được trích lại một tỷ lệ % khoản thu hồi sau thanh tra để phục vụ cho hoạt động thanh tra. Việc được trích lại khoản thu này đã tạo nên động lực lệch lạc trong công tác thanh tra, kiểm tra.
“Tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu có thể sung thêm ngân sách cho cơ quan thanh tra hoạt động nếu cần thiết thay vì để lại một phần tiền phạt thu từ thanh tra. Như vậy, cơ quan thanh tra có kinh phí hoạt động tốt và hoạt động thanh tra đúng mục tiêu, không bị lạm dụng”, TS Phan Đức Hiếu đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thanh tra: Khắc phục chồng chéo trong hoạt động thanh tra
03:30, 14/10/2022
Cân nhắc bổ sung thêm các quy định mang tính nguyên tắc cho Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
03:00, 08/10/2022
Chống thất thu qua thanh tra, kiểm tra
00:35, 30/08/2022
Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội tiếp tục “phản pháo” kết luận thanh tra
00:29, 24/07/2022
Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo loạt vấn đề về xăng dầu
13:58, 07/07/2022