Bình luận

Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Các sắc thuế phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 08/09/2024 04:00

Để đảm bảo tính khả thi, đáp ứng thực tế hoạt động của doanh nghiệp, góp ý Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, các sắc thuế phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo công bằng đối với mọi đối tượng.

Theo đó, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 4 Chương, 20 Điều. Dự thảo Luật (sửa đổi) đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng và đã được Quốc hội đồng ý, luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật.

sua-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-24.3.1.1.2.jpg
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 4 Chương, 20 Điều - Ảnh minh họa

Cụ thể, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã quy định chi tiết về các đối tượng người nộp thuế là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở luật hóa quy định đang được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật; Quy định rõ thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh…

Về thu nhập được miễn thuế, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung, tiêu chí và điều kiện cụ thể đối với một số khoản thu nhập được miễn thuế trên cơ sở luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật; Bổ sung quy định liên quan đến phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa được miễn thuế để quy định trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định cụ thể mức tỉ lệ của phần thu nhập không chia trên thu nhập tính thuế của cơ sở thực hiện xã hội hóa thì mức tỉ lệ tối thiểu là 25% thu nhập tính thuế; đồng thời, bổ sung đối tượng là liên hiệp hợp tác xã cho phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023;

sua-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-24.3.1.1.1.jpg
Góp ý Dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng, các sắc thuế phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo công bằng đối với mọi đối tượng - Ảnh minh họa

Bổ sung thêm một số khoản thu nhập được miễn thuế gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành, thu nhập từ tiền lãi và từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành; Khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước và từ Quỹ hỗ trợ đầu tư do Chính phủ thành lập; khoản bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật; Khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; Thu nhập từ hoạt động có thu của Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, Quỹ hỗ trợ đầu tư...

Về doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp, Dự thảo đã bổ sung quy định chi tiết về nguyên tắc xác định doanh thu và thời điểm xác định doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp trên cơ sở luật hóa quy định tại các văn bản dưới Luật đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua. Và quy định cụ thể các trường hợp đặc thù hiện đang được hướng dẫn tại các văn bản dưới Luật để giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, về phương pháp tính thuế đã bổ sung quy định áp dụng phương pháp tính thuế đơn giản theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng trong trường hợp xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, khuyến khích cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, qua đó, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân và quy định mức thu cụ thể.

Đánh giá cao những nội dung chính sách được cơ quan soạn thảo đề xuất, tuy nhiên, góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, các sắc thuế phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo công bằng đối với mọi đối tượng, không làm hệ thống thuế phức tạp thêm.

Không chỉ có vậy, một số ý kiến đề nghị, áp dụng chung thuế suất ưu đãi tối thiểu là 15% (với 3 bậc thuế suất là 20%, 17% và 15%), đặc biệt cần cải cách thủ tục xin được ưu đãi thuế.

Góp ý Dự thảo, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thực tế có trường hợp doanh nghiệp bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư hoặc đã bỏ tiền đầu tư dự án kinh doanh, song lý do khách quan, dự án gặp rủi ro và doanh nghiệp không có doanh thu từ dự án đó (doanh nghiệp vẫn có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác). Trong những trường hợp như vậy, cơ quan thuế thường căn cứ vào quy định “khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế” để loại bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí đã đầu tư của dự án gặp rủi ro.

Điều này là bất hợp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến động lực đầu tư của doanh nghiệp. Nếu không cho phép tính chi phí được trừ trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ ngần ngại khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư các dự án mới có rủi ro cao, dự án đầu tư mạo hiểm, mô hình kinh doanh mới hoặc các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, theo đại diện VCCI, quy định “khoản chi không phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành” có thể hiểu rất rộng dễ dẫn đến loại trừ nhiều khoản chi hợp lý của doanh nghiệp khi tính thu nhập chịu thuế, vì vậy cần được làm rõ.

Được biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024 và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Các sắc thuế phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO