Bình luận

Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Cần hạn chế tối đa rủi ro chính sách

KHÔI NGUYÊN 08/08/2024 21:09

Nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) được các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá tích cực, có tính khả thi cao. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại một số quy định có thể tạo ra rủi ro chính sách…

sua-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-can-han-che-toi-da-rui-ro-chinh-sach-1.jpg
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nhóm vấn đề quan trọng về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nhóm vấn đề quan trọng về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm: các quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; bổ sung gần 30 loại “thu nhập khác” được tính là thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; bổ sung thêm các khoản thu nhập của doanh nghiệp nước ngoài phải chịu thuế khi kinh doanh tại Việt Nam; bổ sung một số khoản thu nhập được miễn thuế và các khoản chi được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đáng chú ý nhất là dự thảo văn bản luật này đã bổ sung các quy định về thuế suất thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, áp dụng thuế suất 15% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 3 tỷ đồng/năm; thuế suất 17% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu từ trên 3 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, những ngành nghề thuộc các nhóm lĩnh vực ưu tiên phát triển, như: ứng dụng công nghệ cao; sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số; cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin quan trọng; đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo; công nghệ sinh học; sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ, sản xuất, lắp ráp ô tô... đều được xếp vào nhóm được hưởng ưu đãi thuế.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể sẽ khiến ngân sách hụt thu khoảng 12.600 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, với hơn 94% số doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là nhỏ và siêu nhỏ thì tác động tích cực của chính sách thuế này là khá lớn đối với nền kinh tế.

Đồng quan điểm, hầu hết các chuyên gia cho rằng, chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với nhóm này đưa ra trong bối cảnh hiện nay là phù hợp và có tính khả thi cao. Bởi phần thiếu hụt do ưu đãi thuế doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phần nào có thể bù đắp bởi các loại thuế gián thu và các nguồn thu khác. Ngoài ra, khi được ưu đãi thuế, tình trạng trốn thuế, nợ thuế cũng sẽ giảm, các doanh nghiệp cũng sẽ sử dụng nguồn tiền này cho tiêu dùng và đầu tư. Từ đó, tạo động lực cho tăng thu thuế thu nhập doanh nghiệp các năm tiếp theo khi doanh nghiệp phục hồi, tái đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

sua-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-can-han-che-toi-da-rui-ro-chinh-sach-2.jpg
Nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) được các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá tích cực, có tính khả thi cao. Ảnh minh hoạ

Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp được xếp vào diện nhỏ và vừa nếu có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng và tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Với các tiêu chí này, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đang chiếm tới gần 94% tổng số doanh nghiệp ở nước ta và nếu tính cả số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa thì nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới trên 97% tổng số doanh nghiệp. Nếu dựa theo các tiêu chí này để xác định đối tượng được áp dụng mức thuế suất ưu đãi thì gần như toàn bộ doanh nghiệp ở nước ta sẽ được hưởng chính sách này.

Các chuyên gia nhận định, nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua, dự kiến sẽ có những tác động tích cực như tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, khuyến khích nhiều người khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, với mức thuế suất thấp hơn, doanh nghiệp sẽ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, sự phát triển của doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ góp phần tạo ra nhiều việc làm mới, đặc biệt là cho lao động trẻ và lao động nữ. Việc hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện đời sống người dân.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc giảm thuế cũng đặt ra một số thách thức làm giảm thu ngân sách nhà nước. Việc xác định đối tượng được hưởng ưu đãi và quản lý việc thực hiện chính sách này cũng đòi hỏi chính xác và mất nhiều công sức. Do đó, cần có một cơ sở dữ liệu chính xác và đầy đủ về doanh nghiệp để xác định đối tượng được hưởng ưu đãi, tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế và đảm bảo sự công bằng trong việc hưởng ưu đãi. Bên cạnh việc giảm thuế, cần có những chính sách hỗ trợ khác như đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tiếp cận vốn, hỗ trợ xúc tiến thương mại để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Về nôi dung này, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần thêm chính sách tiếp cận về mặt bằng, các thủ tục hành chính, đặc biệt hỗ trợ vốn trung hạn để họ thực hiện chuyển đổi số, thực hiện đổi mới. “Tất cả phải đồng bộ với nhau thì nó mới phát huy hết ý nghĩa của chính sách thuế để làm sao người ta kinh doanh có lời thì người ta mới nộp thuế", ông Tô Hoài Nam nói.

Những băn khoăn, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp rất cần được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Bởi lẽ, hạn chế tối đa rủi ro chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp là một yêu cầu đặt ra trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh, tạo việc làm và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Cần hạn chế tối đa rủi ro chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO