Bình luận

Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Tránh tạo rủi ro chính sách

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 09/08/2024 04:00

Mặc dù được đánh giá có nhiều nội dung sửa đổi tích cực, khả thi, thế nhưng, góp ý Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều ý kiến đề xuất cân nhắc lại một số quy định, tránh tạo rủi ro chính sách…

Theo đó Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến để kịp thời trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây. Nội dung Dự thảo Luật (sửa đổi) đem đến nhiều kỳ vọng và cũng được đánh giá tích cực, có tính khả thi.

sua-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-24.6.1.2.jpg
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến để kịp thời trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây - Ảnh minh họa

Cụ thể như, Dự thảo đã bổ sung nhiều nhóm vấn đề quan trọng về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm: các quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; bổ sung gần 30 loại “thu nhập khác” được tính là thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; bổ sung thêm các khoản thu nhập của doanh nghiệp nước ngoài phải chịu thuế khi kinh doanh tại Việt Nam; bổ sung một số khoản thu nhập được miễn thuế và các khoản chi được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định về thuế suất thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, áp dụng thuế suất 15% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 3 tỷ đồng/năm; thuế suất 17% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu từ trên 3 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, những ngành nghề thuộc các nhóm lĩnh vực ưu tiên phát triển, như: ứng dụng công nghệ cao; sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số; cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin quan trọng; đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo; công nghệ sinh học; sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ, sản xuất, lắp ráp ô tô... đều được xếp vào nhóm được hưởng ưu đãi thuế.

sua-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-24.6.1.1.jpg
Bên cạnh những điểm tích cực, được ghi nhận, đánh giá cao, không ít nội dung tại Dự thảo Luật (sửa đổi) còn khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về những rủi ro chính sách - Ảnh minh họa

Thế nhưng, bên cạnh những điểm tích cực, được ghi nhận, đánh giá cao, không ít nội dung tại Dự thảo Luật (sửa đổi) còn khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về những rủi ro chính sách, gây khó khi áp dụng vào thực tiễn.

Chẳng hạn như về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, Dự thảo Luật bổ sung: “Khoản chi không đáp ứng điều kiện chi, nội dung chi theo quy định của pháp luật chuyên ngành” (điểm m khoản 2 Điều 9).

Hay như việc, Dự thảo quy định, doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm doanh thu đối với doanh thu từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản, cụ thể là 2% (điểm i khoản 2 Điều 11). Lý do đưa ra quy định này là vì việc xác định chi phí tạo ra doanh thu quá khó khăn, không có cơ sở, nên khó xác định lợi nhuận để tính thuế. Quy định này áp dụng cho cả các trường hợp chuyển nhượng vốn gián tiếp, tức là vốn của các công ty “mẹ”, công ty “bà”… qua nhiều cấp khác nhau.

Góp ý về những nội dung này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, thực tế đúng là có nhiều trường hợp rất khó xác định chi phí khi doanh nghiệp tại nước ngoài có giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp phát sinh doanh thu tại Việt Nam. Tuy nhiên, với trường hợp giao dịch chuyển nhượng vốn của các khoản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thì việc xác định chi phí tương đối dễ dàng. Các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ quy định về góp vốn, sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) để quản lý ngoại hối. Quy định như Dự thảo luật hiện nay sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp này.

Đối với trường hợp chuyển nhượng vốn gián tiếp, hiện nay chưa có quy định rõ ràng. Nếu hiểu theo nghĩa rộng nhất thì chuyển nhượng vốn gián tiếp bao gồm mọi giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của mọi công ty mẹ, công ty bà, công ty cụ… có sở hữu dự án đầu tư tại Việt Nam. Như vậy thì sẽ có rất nhiều giao dịch phải nộp thuế và việc kê khai, nộp thuế và kiểm tra, truy thu là không khả thi. Việc không có quy định rõ ràng sẽ làm tăng rủi ro chính sách đối với hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam.

Vì vậy, VCCI đề xuất, về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, trong trường hợp để tăng nặng tính răn đe của pháp luật chuyên ngành, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc việc bổ sung các chi phí không được trừ khi khoản chi “vi phạm quy định cấm của pháp luật chuyên ngành”. Cùng với đó, ban soạn thảo cần cân nhắc phân loại các trường hợp có thể và không thể xác định chi phí trong giao dịch chuyển nhượng vốn để có chính sách thuế cho phù hợp.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng về hai nội dung đã nêu là rất cần thiết. Trong trường hợp, để tăng nặng tính răn đe của pháp luật chuyên ngành, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc việc bổ sung các chi phí không được trừ khi khoản chi “vi phạm quy định cấm của pháp luật chuyên ngành”.

Được biết, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 5 Chương, 25 Điều, bao gồm các nội dung về căn cứ và phương pháp tính thuế; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu;…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Tránh tạo rủi ro chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO