Nhiều quy định trong Nghị định 65/2022 sẽ được dời, lùi thời gian áp dụng. Đó là những điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022 mà Bộ Tài Chính trình Chính phủ.
>>>Nghị định 65 giảm thiểu khả năng gian lận với trái phiếu doanh nghiệp
Cụ thể, Bộ Tài Chính đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Trong đó, có một số điểm đáng chú ý như:
Theo dự thảo, Bộ Tài Chính đề xuất giãn thời gian thực hiện thêm một năm đối với quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65, từ ngày 1/1/2023 sang ngày 1/1/2024. Nghị định 65 quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay.
Trong tờ trình Chính phủ dự thảo nghị định mới, bộ này báo cáo thị trường đang gặp khó khăn về thanh khoản. Việc giãn thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm sẽ giúp thị trường có thêm thời gian điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân.
Bộ Tài Chính cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, từ ngày 1/1/2024 sẽ thực hiện thay vì từ 1/1/2023 như quy định tại Nghị định 65. Đối với trái phiếu chào bán ra công chúng, doanh nghiệp phát hành vẫn phải xếp hạng tín nhiệm từ đầu năm sau.
Trước đó, Nghị định 65 yêu cầu từ ngày 1/1/2023, hồ sơ chào bán trái phiếu của doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, được áp dụng với những doanh nghiệp có (i) tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc (ii) tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.
Đáng chú ý, Bộ Tài Chính còn đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư. Việc gia hạn phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu lưu hành chấp thuận.
Theo Bộ Tài Chính, trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới trong khi lại có áp lực trả nợ đối với trái phiếu đáo hạn năm 2023-2024. Do đó, quy định này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào 2 năm tới và có khả năng huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ.
Ngoài ra, trong dự thảo nghị định mới, Bộ Tài Chính cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.
Bộ Tài Chính nhận định thị trường trái phiếu đang gặp khó khăn do (1) sai phạm của một số doanh nghiệp bị cơ quan điều tra phát hiện và một số thông tin thất thiệt đã ảnh hưởng đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư; (2) thanh khoản của cả nền kinh tế gặp khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền; (3) lãi suất ngân hàng tăng mạnh trong thời gian ngắn dẫn đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ thị trường chứng khoán sang kênh ngân hàng, nhà đầu tư bán trái phiếu doanh nghiệp để chuyển sang gửi tiết kiệm với lãi suất cao.
Do đó, Bộ Tài Chính đã kiến nghị Chính phủ và các có cấp thẩm quyền các giải pháp vĩ mô về chính sách tiền tệ, vấn đề truyền thông, thanh kiểm tra và tổ chức thị trường để lấy lại niềm tin và tháo gỡ khó khăn thanh khoản cho thị trường.
Nhận định sơ bộ về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 và Nghị định 153/2020, ông Huỳnh Hoàng Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu & Phân tích Đầu tư FIDT cho rằng, nếu sửa đổi được thông qua sẽ ảnh hưởng tích cực lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và qua đó sẽ ảnh hưởng tích cực lên các lớp tài sản khác như thị trường cổ phiếu, đặc biệt của các doanh nghiệp nhờ vào các sửa đổi theo hướng thoáng hơn. Cụ thể trong đó: (1) các điều kiện khó đáp ứng và cần thời gian để thị trường thích nghi được dời thời gian áp dụng sang 2024; (2) mở ra cơ sở cho việc giải quyết qua thương lượng, cơ cấu, hoán đổi tài sản đối với các trái phiếu doanh nghiệp tới hạn và doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, giúp giảm nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Vẫn vắng người mua, thưa kẻ bán
05:20, 12/12/2022
Trái phiếu doanh nghiệp: Áp lực thanh khoản trong 12 tháng tới
12:00, 10/12/2022
Giải pháp nào để "phá băng" thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
12:00, 09/12/2022
Ưu tiên gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
05:00, 09/12/2022