Sức hút đặc biệt từ Đắk Nông

Diendandoanhnghiep.vn Đắk Nông không chỉ kêu gọi đầu tư bằng lợi thế tự nhiên, chính sách hấp dẫn mà chính quyền tỉnh đang làm tất cả để trở thành "địa chỉ của lòng tin" đối với doanh nghiệp.

>>> Đắk Nông vinh dự nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ

Tại Hội nghị Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2021 diễn ra mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đã chỉ ra 3 lĩnh vực trọng điểm tỉnh tập trung thu hút đầu tư gồm: Công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch nghỉ dưỡng.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cùng 5 chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội

Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên

Tiềm năng từ mối quan hệ 2 chiều

Chương trình hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên được tổ chức nhằm chuyển hóa tiềm năng lợi thế của các bên thành những giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội mỗi địa phương. Đây cũng là cầu nối liên kết doanh nghiệp các địa phương, mở ra cơ hội hợp tác mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Sau 11 năm triển khai, các doanh nghiệp TP.HCM đã từng bước mở rộng đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên. Gia Lai đứng đầu với 43 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Tiếp theo là Lâm Đồng: 146 dự án, tổng vốn đăng ký 23.400 tỷ đồng. Đắk Lắk: 50 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Đắk Nông: 27 dự án, tổng vốn đăng ký gần 2.000 tỷ đồng và Kon Tum: 9 dự án, tổng vốn đầu tư 542 tỷ đồng.

TP.HCM cũng là thị trường tiêu thụ nông lâm sản chính của các tỉnh Tây Nguyên (khoảng hơn 60%) sản lượng. Đồng thời cũng là cầu nối đưa hàng hóa, nông sản… của 5 tỉnh Tây Nguyên xuất khẩu ra thế giới.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu kết thúc hội nghị

Ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Có thể khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên hiện nay là toàn diện, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Dẫu vậy các đại biểu dự Hội nghị có chung đánh giá: Với tiềm năng, lợi thế hiện nay, mối liên kết hợp tác này vẫn chưa tương xứng. Cơ chế hợp tác chủ yếu vẫn có tính hỗ trợ một chiều từ TP.HCM. Bước vào giai đoạn phát triển mới, chính quyền và đội ngũ doanh nhân hai khu vực kinh tế cần thay đổi cách tiếp cận để mang lại hiệu quả cao hơn.

Sức hút từ Đắk Nông

Đồng tình với ý kiến các đại biểu tham dự Hội nghị, ông Hồ Văn Mười - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: Các doanh nghiệp lớn của TP.HCM nên đi xa hơn tới những vùng đất mới để tìm những “cơ hội vàng”. Ông Mười dẫn chứng ngay tại Đắk Nông: Trong suy nghĩ của nhiều người, Đắk Nông là tỉnh “em út” và đang ở “vùng trũng” trên bản đồ đầu tư. Nhưng nếu phân tích kỹ sẽ thấy Đắk Nông đang hội tụ cả 2 lợi thế lớn: Điều kiện tự nhiên và đà tăng trưởng kinh tế.

Về tự nhiên: Tỉnh có 650.000 ha trong đó có gần 2/3 là đất sản xuất. Thời tiết khí hậu giống với Bảo Lộc - Lâm Đồng, mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình từ 24 – 25 độ C. Đây là nhiệt độ lý tưởng cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và nông nghiệp công nghệ cao. Trữ lượng nước ngọt lớn, nước từ hồ Tà Đùng (Hạ Long trên cạn, kỳ quan của Tây Nguyên) chảy xuống hồ Trị An và tới TP.HCM.

ông Hồ Văn Mười - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

Ông Hồ Văn Mười - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ về 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh

Về kinh tế: Năm 2021 – 2022, Đắk Nông thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ. Trong 13 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đã thực hiện vượt 7 chỉ tiêu và đạt 5 chỉ tiêu. Đặc biệt, các chỉ số PCI, thu hút FDI và chỉ số cải cách hành chính tăng rất mạnh. Quốc phòng an ninh được đảm bảo…

Với lợi thế đó Đắk Nông xác định 3 trụ cột phát triển kinh tế sẽ là: Công nghiệp, Nông nghiệp công nghệ cao và Du lịch nghỉ dưỡng. Đây cũng chính là 3 lĩnh vực trọng tâm mà tỉnh đang nỗ lực kêu gọi đầu tư.

>>> Chủ tịch Hồ Văn Mười: Quyết tâm đưa “nhà đầu tư đến và ở lại Đắk Nông”

Làm rõ hơn về lợi thế của từng lĩnh vực, ông Mười cho biết: Việt Nam có trữ lượng bô xít lớn thứ 3 thế giới, riêng Đắk Nông chiếm 60%. Tỉnh đang tập trung quyết liệt kêu gọi đầu tư. Trong tương lai gần sẽ có công trình khai thác bô xít và chế biến Alumin – nhôm lớn hàng đầu châu Á. Để phục vụ ngành công nghiệp này, Đắk Nông cũng có sẵn lợi thế lượng gió, lượng nắng phù hợp cho phát triển năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo.

"Việc khai thác Bô xít cũng dễ dàng bởi chúng hoàn toàn nằm nổi trên mặt đất với độ dày khoảng hơn 1m. Lớp đất sau khai thác là đất đỏ bazan mịn, rất tốt cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bộ NN&PTNT cũng đã khảo sát đánh giá và khẳng định Đắk Nông có triển vọng và dư địa phát triển nông nghiệp công nghệ cao thuộc nhóm đứng đầu cả nước" - ông Mười khẳng định.

Không ít lãnh đạo doanh nghiệp từng chia sẻ: "Đắk Nông đường đi lại khó khăn, nhưng chính vì tình cảm của chính quyền mà họ vượt qua khó khăn đó để đến và đầu tư".

Lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng cũng được thừa hưởng lợi thế lớn từ tự nhiên. Cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm, độ cao trung bình 700m so với mực nước biển, Đắk Nông có rất nhiều suối, thác và hồ. Nổi tiếng nhất là hồ Tà Đùng. Ngay trong thành phố Gia Nghĩa cũng có tới 350 hồ tự nhiên.

Đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu đã được tổ chức UNESCO công nhận. Đây là hệ thống hàng trăm hang động trong đá bazan đã được xác lập kỉ lục về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều bí mật, tiềm năng lớn để phát triển mô hình du lịch sinh thái, thám hiểm.

Một lợi thế rất quan trọng không chỉ cho du lịch nghỉ dưỡng mà cho việc phát triển kinh tế nói chung là Đắk Nông nằm trên cung đường nối TP.HCM với Tây Nguyên dài 224km, thời gian di chuyển trung bình hơn 4 tiếng nhưng khi cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian xuống còn 2 tiếng.

Chung tầm nhìn, chung đề xuất

Sở hữu những lợi thế riêng, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển bứt phá thời gian tới nhưng rõ ràng Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung vẫn đang gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Chủ tịch Đắk Nông Hồ Văn Mười đưa ra ý kiến các tỉnh cùng chung tay đề xuất tháo gỡ khó khăn.

hủ tich TP Hồ Chí Minh và 5 Chủ tịch các tỉnh Tây Nguyên bắt tay thắt chặt quan hệ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội

Chủ tịch TP.HCM và Chủ tịch các tỉnh Tây Nguyên bắt tay thắt chặt quan hệ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội

Vấn đề lớn nhất là hạ tầng giao thông. Ông Mười phân tích: Tây Nguyên đang thiếu đường cao tốc, hiện 5 tỉnh Tây Nguyên mới có 18 km đường cao tốc. Cung đường huyết mạch - đường 14 tuy đẹp nhưng không thể đáp ứng nhu cầu thời gian tới. Vì vậy Chủ tịch Đắk Nông đề xuất mỗi tỉnh vừa tập trung mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vừa phải đoàn kết nhất trí cùng báo cáo đề xuất Quốc hội sớm đầu tư cho Tây Nguyên các công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt đề xuất sớm mở rộng mạng lưới đường cao tốc.

Thứ hai, đó là quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu. Chủ tịch Đắk Nông đưa ra ý kiến không thể để bà con 5 tỉnh Tây Nguyên cùng làm, cùng chạy theo phong trào, theo lợi nhuận trước mắt. Cần sớm có quy hoạch chung, tổng thể về vùng nguyên liệu để khai thác tối đa lợi thế mỗi địa phương. Mặt khác, nếu không quy hoạch và không áp dụng quy trình nuôi trồng, sản xuất, chế biến theo chuẩn quốc tế thì nông lâm sản làm ra cũng sẽ không thể xuất khẩu được. Bản thân Đắk Nông đã chủ động thuê tư vấn quốc tế lập quy hoạch vùng sản xuất trong tỉnh.

Để chương trình hợp tác với TP.HCM hiệu quả hơn trong thời gian tới, Chủ tịch Hồ Văn Mười nêu thêm các đề xuất như: Các hội nghị tổng kết hàng năm nên được tổ chức luân phiên giữa các tỉnh để cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM có góc nhìn mới mẻ hơn về các địa phương; các Sở Công thương tăng cường kết nối ngang để giúp các doanh nghiệp hợp tác dễ dàng, hiệu quả…

Phát biểu tổng kết hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định trong quá trình phát triển TP.HCM luôn xem việc liên kết, hợp tác với các địa phương là điều kiện, động lực để TP phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên. Ông cũng đáng giá rất cao các ý kiến, đề xuất của tỉnh Đắk Nông và coi đây là những giải pháp tạo ra sự đột phá trong thời gian tới.

Với quyết tâm sớm trở thành một tỉnh khá như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, Đắk Nông đã và đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng cơ hội đầu tư vào 3 lĩnh vực trọng tâm, Đắk Nông đang “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Sức hút đặc biệt từ Đắk Nông tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714092908 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714092908 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10