Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ (VCCI) Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ: Cơ hội của phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế vẫn còn thấp hơn so với nam.
LTS: Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế phát triển thịnh vượng và bao trùm. Và hơn lúc nào hết, doanh nghiệp là một phần giải pháp để thực thi và thúc đẩy các giá trị bình đẳng nói chung, bình đẳng giới ở nơi làm việc nói riêng.
Bà Minh cho biết, theo thống kê của VCCI, tỷ lệ nữ giới giữ vai trò điều hành doanh nghiệp của Việt Nam hiện cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mức xấp xỉ 25%, tức là cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp là do doanh nhân nữ làm chủ. Tuy nhiên, trong năm 2020, tỉ lệ nữ doanh nhân đã bị giảm 7 bậc theo báo cáo của Mastercard.
- Hơn thế, có một thực tế, vẫn còn không ít doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình phát triển kinh doanh, thưa bà?
Đúng vậy! Đặc biệt trong hệ sinh thái hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp vẫn còn có những lĩnh vực, công đoạn chưa được bình đẳng. Đơn cử, vấn đề khó khăn nhất đối với nữ doanh nhân khi khởi nghiệp là huy động vốn. Họ thường khó thuyết phục, bởi lòng tin đối với năng lực của các nhà đầu tư về phụ nữ và nam giới khác nhau.
Báo cáo của Master Card cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo có nguy cơ đóng cửa do tác động từ COVID-19 cao hơn 7% so với doanh nghiệp cùng quy mô do nam giới lãnh đạo bởi những doanh nghiệp này chỉ tiếp cận được 5% tổng khoản vay. Tiếp cận vốn là nhu cầu cấp thiết nhất của các nghiệp nhỏ do phụ nữ lãnh đạo và làm chủ. Tuy nhiên, những lý do khiến nữ giới ít có khả năng tiếp cận vốn là do quy trình xét duyệt và cấp tín dụng còn bất bình đẳng.
- Vậy, theo bà những khó khăn này cần được khắc phục như thế nào?
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã không ngừng nỗ lực để đưa ra các sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới. Ví dụ, Nhật Bản đưa ra học thuyết kinh tế phụ nữ, Singapore lấy năm 2021 là năm tôn vinh phụ nữ, tôn vinh tất cả những người phụ nữ trong xã hội, đồng thời cũng tôn vinh những nam giới đã góp phần xóa bỏ định kiến, thay đổi tư duy để hỗ trợ phụ nữ phát triển.
Tại Việt Nam, vào ngày 2/3/2021, Liên Hiệp Quốc, Phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UN Women) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức diễn đàn để thu hút nam giới và trẻ em nam tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo hành giới dưới mọi hình thức. Họ cũng đã ra sáng kiến, đó là thành lập liên minh những người đàn ông thúc đẩy bình đẳng giới.
Theo báo cáo của Mastercard, Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao đạt 73% và phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 31%, thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á.
Theo Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất trên toàn thế giới về mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
- Nhưng không thể chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng, chính doanh nghiệp phải nắm vai trò trung tâm, thưa bà?
Hội đồng doanh nhân nữ (VCCI) đã có những hoạt động thực tiễn hỗ trợ cho cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam. Trong thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi đã làm báo cáo nghiên cứu nhanh về tác động của đại dịch COVID-19 đối với cộng đồng doanh nhân nữ của Việt Nam. Báo cáo này đã gửi đến các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và quốc tế, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các Đại sứ quán, các tổ chức Xúc tiến Thương mại...
Hội đồng doanh nhân nữ cũng đã kịp thời đưa những thông tin đầu vào để ADB chuyển đổi sang dự án hỗ trợ tài chính nhằm hỗ trợ cho các doanh nhân nữ của Việt Nam thông qua một số ngân hàng thương mại của Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi cũng ký thỏa thuận hợp tác với Standard Chartered Bank và một số ngân hàng thương mại trong nước để xây dựng chương trình hỗ trợ tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ cho doanh nhân nữ khắc phục khó khăn do đại dịch COVID.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giới thiệu doanh nhân nữ Việt Nam tham gia vào các diễn đàn khu vực và quốc tế để nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin và quan trọng hơn là cùng nhau chia sẻ những bài học vượt qua COVID-19.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam: Hướng tới nhà quản lý dũng cảm, chấp nhận sự thất bại và đồng hành với nhân viên
06:00, 08/03/2021
Thế lưỡng nan của nữ doanh nhân - Cân bằng để hạnh phúc
06:28, 07/03/2021
Phụ nữ hiện đại: Làm thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình?
05:40, 07/03/2021
Việt Nam có nhiều “nữ tướng” tài ba
19:31, 06/03/2021