Quảng cáo sản phẩm sai sự thật, bán hàng giá cao kém chất lượng cho người tiêu dùng được xem là những hành vi “phi” đạo đức trong kinh doanh…
>>Hội thảo hay... lừa đảo người cao tuổi?
Vậy nhưng, thời gian qua tình trạng trên vẫn cứ tiếp diễn. Các tổ chức, cá nhân “đua nhau” đi khắp các thôn cùng, ngõ hẻm nơi thành thị và về cả các huyện miền núi xa xôi để tổ chức hội thảo, bán hàng hóa trái quy định, với phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi hơn.
Lừa dối người tiêu dùng…
Trong khuôn khổ nội dung Kỳ họp lần thứ 21 HĐND tỉnh Nghệ An diễn ra mới đây, nhiều đại biểu gửi tới các sở, ngành địa phương những tâm tư, bức xúc của cử tri về việc thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiếp diễn tình trạng tổ chức hội thảo, quảng bá sản phẩm ở nông thôn nhưng là “núp bóng” bán hàng trái quy định.
Chủ đề này không phải mới nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để bởi theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân đều được phép đi giới thiệu sản phẩm, tặng quà cho người dân. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã lợi dụng “kẽ hở” trên để vừa giới thiệu, vừa bán hàng dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm thu lợi nhuận một cách bất chính.
Đơn cử là việc một số tổ chức xin giới thiệu từ các hội, xác nhận chữ ký, sau đó đi xuống địa bàn cấp xã để tổ chức các chương trình hội thảo, giới thiệu sản phẩm, như: Nồi cơm điện, chảo đa năng, chảo lẩu, nồi áp suất, nồi chân không, chảo chống dính, máy xay sinh tố, quạt, bóng đèn, đèn năng lượng mặt trời, đèn tích điện, máy lọc nước, máy tạo ozone, máy massage,…
Tuy nhiên, qua phản ánh thì các sản phẩm trên có giá bán cao hơn nhiều lần so với các sản phẩm có cùng công năng của các nhãn hiệu lớn, uy tín trên thị trường. Đáng nói, chất lượng các sản phẩm cũng chưa được kiểm chứng trong quá trình sử dụng, thậm chí có một số sản phẩm không có tem, nhãn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Vấn đề này được cho là cần sự kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng đến từ chính quyền cấp cơ sở cũng như mức độ cảnh giác, tỉnh táo của người dân địa phương.
Nhớ lại câu chuyện lừa dối khách hàng xảy ra trên địa bàn huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An hồi cuối năm ngoái là ví dụ điển hình cho hình thức nêu trên và rất nhanh sau đó đã bị cơ quan Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan.
Theo nội dung vụ việc, một số đối tượng tự xưng là nhân viên của Công ty TNHH phát triển thương mại và đầu tư Việt Anh có địa chỉ tại quận Hà Đông, TP Hà Nội đến thuê Khách sạn Đại Phú Gia, khối 4, thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ với lý do tổ chức hội thảo, tri ân khách hàng.
Trong 2 ngày tổ chức hội thảo, nhóm đối tượng trên đã chào bán nhiều sản phẩm như đồ gia dụng, thực phẩm chức năng có giá trị thực dưới 1 triệu đồng….với giá cao gấp nhiều lần giá trị sản phẩm, trong đó có sản phẩm lên tới 10 triệu đồng. Đáng nói, khi đã nhận tiền xong, lợi dụng sự sơ hở của người dân, các đối tượng đã nhanh chân bỏ trốn. Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng, những đối tượng trên đã sớm phải tra tay vào còng bởi hành vi “lừa dối khách hàng” của mình.
Cần tránh “tiền mất, tật mang”
Quay trở lại nội dung chất vấn tại nghị trường, ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An bày tỏ quan điểm: Sở đã yêu cầu tăng cường giám sát ở cơ sở, nhất là địa phương. Khi phát hiện các trường hợp tổ chức giới thiệu, quảng bá, bán hàng như vậy cần kịp thời thông tin các lực lượng chức năng để kiểm tra hoạt động, xuất xứ sản phẩm, chất lượng sản phẩm...
“Đối với người dân, để không bị lừa, tránh mua được các hàng kém chất lượng, cần tìm hiểu kỹ về công ty bán hàng, sản phẩm... rồi vấn đề có xuất hóa đơn theo quy định hay không” – ông Hóa khuyến cáo.
Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Thanh Quý - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, các cơ quan đơn vị cấp tỉnh có giới thiệu cho các tổ chức, đơn vị kinh doanh về các địa phương giới thiệu, bán sản phẩm, là nội dung cử tri hết sức quan tâm.
Có những tình huống giới thiệu có định hướng trong công văn, tổ chức ngành dọc cấp dưới chỉ đạo để người dân mua. Thậm chí có phần % hoa hồng được hưởng, trích lại cho đơn vị. Trong khi đó sản phẩm lại không có chất lượng, sau khi người dân mua dùng thì mắc cảnh “tiền mất, tật mang”. Đề nghị các lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm, nêu thêm vấn đề này.
Còn ở góc độ người làm kinh doanh, bà Cao Thị Thùy Dung – đại diện một cửa hàng bán lẻ trên địa bàn nhìn nhận: Các chiêu trò tổ chức hội thảo, tặng quà tri ân, giới thiệu sản phẩm… để lừa người tiêu dùng không phải mới nhưng vẫn có rất nhiều người dân trên địa bàn, nhất là những người cao tuổi bị lừa bởi hình thức kinh doanh này.
“Đáng nói hơn, trong xã hội hiện nay, khi mà sức mạnh của đồng tiền có thể dễ dàng “lấn át” giá trị đạo đức đối với một số cá nhân, tổ chức riêng biệt thì mọi chuyện có thể xảy ra. Chính những hành vi, chiêu trò trên là một dạng của những người làm ăn, kinh doanh, buôn bán một cách bất chính. Họ sẵn sàng đánh đổi bản thân, dễ dàng suy thoái đạo đức làm kinh doanh để đạt được mục tiêu và thỏa mãn lòng tham vô bờ bến của mình” – bà Dung bức xúc nói thêm.
Về giải pháp, nhiều ý kiến cùng chung quan điểm, đó là để ngăn chặn triệt để tình trạng lợi dụng hoạt động quảng cáo, bán hàng kém chất lượng thì rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Ngoài ra, chính bản thân người tiêu dùng cũng nên thực sự tỉnh táo, cảnh giác trước khi mua những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Có thể bạn quan tâm
“Núp bóng” hội thảo, “lừa đảo” người già
02:30, 26/09/2023
SHB cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới: “Giả mạo hỗ trợ” đăng ký xác thực sinh trắc học
12:20, 11/07/2024
Cảnh báo người nộp thuế cảnh giác với các hình thức lừa đảo
17:30, 10/07/2024
Cảnh báo: Lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học
17:04, 03/07/2024
Vì sao lừa đảo mạo danh còn “đất diễn”?
03:30, 18/05/2024
Lừa đảo qua mạng lại bùng phát
03:00, 22/04/2024