Nghị quyết số 10-NQ/TW về: “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” có sức đột phá mãnh liệt đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam trong 35 năm qua.
>>Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nông nghiệp vượt cơn gió ngược
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ với DĐDN về một nghị quyết của Đảng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và trở nên nổi tiếng với tên gọi “Khoán 10”, nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024).
Ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị khóa VI Đảng cộng sản Việt Nam đã ra Nghị quyết số 10 về: “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”(Nghị quyết 10).
Nghị quyết 10 đã kế thừa và phát triển lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội trên “mặt trận” nông nghiệp qua các thời kỳ. Đó là các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn từ Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khóa IV.
Chỉ thị 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 về “cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” (Khoán 100). Quan trọng nhất là những vấn đề lý luận trong đường lối đổi mới toàn diện về kinh tế, trong đó có nông nghiệp được trình bày trong Văn kiện Đại hội VI của Đảng, tháng 12/1986.
Trên cơ sở tổng kết những bài học kinh nghiệm từ việc chỉ đạo thực hiện cácnghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, cũng như kết quả nghiên cứu cải tiến Khoán 100 thành khoán gọn ở các địa phương và cơ sở, năm 1988 Đảng ta đã tổng kết nâng lên thành Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, trong 35 năm thực hiện Nghị quyết 10, nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam thực sự có những đổi mới sâu sắc và toàn diện, đời sống vật chất tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có những đổi thay rõ rệt.
“Những kết quả này là minh chứng rõ ràng về tính đúng đắn và sức sống của Nghị quyết 10”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Thực tế, trước năm 1988 sau nhiều năm thực hiện hợp tác hóa, sản xuất nông nghiệp ngày càng đình đốn, sản lượng lương thực sụt giảm, thiếu đói triền miên, mỗi năm nước ta phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực để đáp ứng nhu cầu “đủ ăn”.
Còn nhớ, vào những năm 60 đã từng có một “Kim Ngọc” trong khoán nông nghiệp, mạnh dạn giao tư liệu sản xuất cho nông dân. Nhưng do bối cảnh lịch sử và nhận thức hạn chế cho rằng, nông dân được giao ruộng đất là xóa bỏ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sẽ tái diễn tình trạng phát canh thu tô, người bóc lột người.
Vì thế, mà mô hình khoán của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc bị đình lại, thậm chí bị phê phán gay gắt, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp tiếp tục đình đốn thêm nhiều năm nữa.
Đến khi có Nghị quyết số 10 của Đảng (tháng 4/1988) về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, lập tức sức sản xuất được giải phóng, ngay năm đó đã không phải nhập khẩu lương thực, thậm chí Việt Nam từng bước trở thành nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
“Chính vì tin dân, biết dựa vào dân mà một nghị quyết của Đảng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống một cách “thần kỳ” và trở nên nổi tiếng với tên gọi Khoán 10”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.
Thành tựu nổi bật nhất sau 35 năm thực hiện Nghị quyết 10 theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, đó là sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện và tăng trưởng với tốc độ cao, ổn định, hơn hẳn các thời kỳ trước đó.
Từ chỗ hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 2 triệu tấn gạo, nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cả về chiều rộng và chiều sâu.
Diện mạo 4 yếu tố cơ bản của kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm trên địa bàn các xã có nhiều khởi sắc. Giao thông nông thôn đạt nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng đường xã, đường liên thôn, đường nội đồng.
Hệ thống trường học ở các cấp trong khu vực nông thôn được xây dựng mới, nâng cấp và cơ bản xoá bỏ trường, lớp tạm. Hệ thống trạm y tế xã phát triển cả về số lượng ở cơ sở lẫn số lượng y bác sỹ có trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất và các trang thiết bị khám chữa bệnh.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và tương đối bền vững, được quốc tế đánh giá cao. “Đây chính là những thành tựu, những tiến bộ khẳng định vai trò của Nghị quyết 10 trong phát triển nông nghiệp, nông thôn cần được trân trọng”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định.
>>Nông nghiệp năm 2024: Chuyển mạnh "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp"
>>Vốn đâu cho doanh nghiệp nông nghiệp làm lớn?
Vẫn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, cùng với Khoán 10, tư duy quản lý kinh tế cũng được đổi mới, từng bước thoát khỏi sự giáo điều, cứng nhắc và xa rời thực tế.
Sự vận hành của nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng XHCN đã giải phóng, huy động được nguồn lực trí tuệ và vốn to lớn trong dân, làm cho sản xuất phát triển, nền kinh tế có sự tiến bộ vượt bậc, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.
Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, khẳng định vai trò trong nền kinh tế quốc dân. Đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có thương hiệu uy tín mang tầm quốc tế, có những triệu phú, tỉ phú USD… “Chính vì tin dân, biết khơi dậy sức dân mà chúng ta có được những thành tựu đó”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bước vào thời kỳ mới thực tế cuộc sống đòi hỏi phải tiếp tục có những điều chỉnh trong đường lối, chính sách lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế.
Trên tinh thần cầu thị, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng về lãnh đạo và quản lý kinh tế, gồm Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 10 phản ảnh rõ quan điểm phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
“Là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.
Như vậy, Đảng ta khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, nhấn mạnh “kinh tế tư nhân là nòng cốt quan trọng để phát triển kinh tế”. Trên tinh thần đó, phải xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng.
Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của kinh tế tư nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.
Kinh tế tư nhân phải được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 06/01/2024
21:46, 03/01/2024
02:00, 02/01/2024