Nhìn nhận tổng quan, bộ ngắt mạch thị trường vừa có tác động tích cực, cũng vừa gây ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường chứng khoán (TTCK) nếu không được áp dụng phù hợp.
>>>Chính sách ngắt mạch TTCK của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam
Tác động hai chiều của bộ ngắt mạch
Bộ ngắt mạch là công cụ quản lý tự động được sử dụng để ngăn chặn sự hoảng loạn của thị trường thông qua cơ chế "nghỉ tạm thời" giúp làm dịu sự biến động. Cơ chế ngắt mạch thị trường không chỉ hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, mà còn góp phần cải thiện sự minh bạch của TTCK.
Giảm rủi ro cho thị trường
Đầu tiên, khi thị trường trở nên hoảng loạn, bán tháo xảy ra thì bộ ngắt mạch đóng vai trò khôi phục lại sự ổn định. Trong nghiên cứu gần đây nhất của Liên đoàn các Sàn giao dịch Thế giới (WFE) vào năm 2022 về mối liên hệ giữa bộ ngắt mạch và chất lượng TTCK thì áp lực bán được giảm bớt và giá cổ phiếu trên thị trường trở nên ổn định hơn sau khi cơ chế ngắt mạch kích hoạt. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ tháng 03/2020 trên TTCK Hoa Kỳ. Điều này chứng minh cho việc tạm dừng giao dịch trên toàn thị trường sẽ làm giảm rủi ro cho thị trường.
Gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư
Thứ hai, công cụ này giúp nâng cao mức độ nhận biết rủi ro thị trường của nhà đầu tư, để các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân lên kế hoạch kịp thời. Các quyết định sai lầm được đưa ra trong những lúc vội vã. Để lý trí chiến thắng được cảm xúc tức thời, nhà đầu tư cần một thời gian để chuyển hóa cảm xúc, bình tâm suy nghĩ, lựa chọn phương án tối ưu nhất, dựa trên kinh nghiệm thực chiến tích luỹ cùng thị trường.
Hỗ trợ tính minh bạch của TTCK
Thứ ba, kích hoạt bộ ngắt mạch góp phần hỗ trợ tính minh bạch trên TTCK. Theo Ông Nandini Sukumar - Giám đốc điều hành của WFE, thông qua cơ chế ngắt mạch, thị trường sẽ tạo thời gian nghỉ thích hợp để nhà đầu tư có thể tìm hiểu và xác minh thông tin trước khi đưa ta quyết định đầu tư.
>>>Mô hình ngân hàng liên kết trong thời đại số
Góp phần nâng cao hiệu quả mức độ giám sát thị trường
Thứ tư, ngắt mạch thị trường hỗ trợ hạ nhiệt TTCK bằng sự điều tiết trong phiên giao dịch liên tục sau một thời gian tăng hoặc giảm điểm mạnh mẽ. Nếu không có bộ ngắt mạch thì thị trường sẽ bị điều chỉnh đáng kể do tâm lý bán tháo chi phối. Các nhà đầu tư phản ứng thái quá và tình trạng suy thoái kéo dài, các doanh nghiệp trên TTCK có thể bị mất khả năng huy động vốn.
Ảnh hưởng của bộ ngắt mạch đối với TTCK
Bên cạnh những tác động tích cực, bộ ngắt mạch TTCK được chứng minh tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực nếu chính sách không được áp dụng thích hợp.
Ảnh hưởng nguyên tắc tự do cung cầu
Tuy nhiên công cụ này cũng gây tranh cãi trên thị trường tài chính. Chủ yếu những tranh luận đặt ra khía cạnh về tôn trọng tự do cung cầu. Đối với phía người ủng hộ, quan điểm cho rằng bộ ngắt mạch sẽ cung cấp thời gian chờ thuận lợi khi mức giá bị căng thẳng và hỗ trợ các nhà giao dịch đưa ra quyết định giao dịch hợp lý. Còn về phía những người phản đối, quan điểm lo ngại về sự can thiệp của Chính phủ vào các vấn đề kinh tế vượt quá mức tối thiểu cần thiết sẽ gây ra rào cản đối với quá trình tự do kinh tế (laissez-faire) trên TTCK.
Tại Việt Nam, kiến nghị áp dụng bộ ngắt mạch thị trường đã được đưa ra lần đầu tiên trong Dự thảo Nghị định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán, tức Nghị định số 155/2020/NĐ-CP hiện hành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên tôn trọng tự do cung cầu của thị trường. Chính vì vậy, cho đến nay cơ chế ngắt mạch TTCK vẫn chưa được triển khai.
Khả năng làm trầm trọng thị trường
Tuy không trực tiếp làm giảm thanh khoản thị trường nhưng nhiều bằng chứng cho thấy bộ ngắt mạch có thể làm trầm trọng thêm sự tiêu cực của thị trường. Năm 2019, nghiên cứu của Wang, Xu và Zhang về tác động của bộ ngắt mạch trên TTCK Trung Quốc cho thấy công cụ này không làm giảm biến động thị trường khi giá các cổ phiếu tăng hoặc giảm mạnh, mà ngược lại giá cổ phiếu trên thị trường có xu hướng bị hút về phía bộ ngắt mạch. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng thị trường chỉ hạ nhiệt sau khi giá cổ phiếu đã tăng hoặc giảm đáng kể sau một thời gian.
Đồng quan điểm, trong nghiên cứu mang tên “The Dark Side of Circuit Breakers”, Chen và cộng sự cũng cho rằng áp dụng ngắt mạch thị trường có thể khuếch đại sự biến động và làm giảm giá cổ phiếu nếu cơ chế này không được thiết kế phù hợp. Cụ thể, thị trường càng gần tỷ lệ ngắt mạch, áp lực cổ phiếu trên thị trường bị bán ra sẽ càng mạnh và giá cổ phiếu càng giảm nhanh chóng hơn.
Cần có sự chuẩn bị từ sớm
Trên thế giới, có hai loại công cụ kiểm soát chính đối với TTCK được các quốc gia lựa chọn áp dụng là circuit breaker (cơ chế ngắt mạch) và limit up - limit down (chính sách biên độ giá). Sự khác biệt chính giữa hai công cụ này là trong trường hợp đạt đến ngưỡng tỷ lệ quy định, các cổ phiếu trên thị trường vẫn sẽ hoạt động tiếp tục trong dải giá nếu quốc gia áp dụng chính sách biên độ giá, trong khi thị trường sẽ tạm dừng một thời gian nếu quốc gia áp dụng cơ chế bộ ngắt mạch.
Tại Việt Nam, TTCK nước ta đang áp dụng chính sách biên độ giá trần - giá sàn. Tuy vậy, theo xu hướng chung của các quốc gia có TTCK phát triển, chính sách biên độ giá sẽ được gỡ bỏ, thị trường sẽ giao dịch mà không có biên độ giới hạn. Khi ấy có thể thị trường sẽ cần một chính sách quản lý rủi ro cố định trong ngắn hạn, và bộ ngắt mạch sẽ là lựa chọn phù hợp. Để có thể áp dụng cơ chế ngắt mạch thị trường một cách tối ưu nhất, nước ta cần có sự chuẩn bị chu đáo.
Một là, cải tiến hệ thống công nghệ thông tin. Trong đó, tập trung phát triển hệ thống ngắt mạch tự động nhằm thực hiện giám sát thị trường chính xác và hiệu quả. Đồng thời, xây dựng và đào tạo nhân sự công nghệ kế thừa có chuyên môn nghiệp vụ về chuyển đổi số.
Hai là, nhằm hạn chế ảnh hưởng đối với tự do cung cầu, thúc đẩy quá trình cạnh tranh tự do của thị trường, chính sách ngắt mạch cần xây dựng khung thời gian và tỷ lệ phù hợp, trên cơ sở tôn trọng quyền tự do giao dịch của thị trường. Nếu áp dụng cơ chế ngắt mạch thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định và Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm công bố về tỷ lệ ngắt mạch theo quy định tại Điều 5 Thông tư 120/2020/TT-BTC.
Ba là, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý TTCK là những cán bộ, công chức có tâm và có tài. Cơ chế ngắt mạch TTCK nói riêng và chính sách quản lý rủi ro thị trường nói chung luôn cần tìm đội ngũ hiền tài với tinh thần cống hiến, để phát triển TTCK Việt Nam an toàn và bền vững.
Có thể bạn quan tâm