Theo các doanh nghiệp, việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ với quan điểm bảo hộ thương mại được cho là sẽ tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần cùng nhau xây dựng chiến lược để khai thác tốt thị trường Mỹ, lập tức cải thiện chuỗi liên kết, đa dạng hóa sản phẩm, tạo sự tiện lợi đáp ứng được nhu cầu và tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2024, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 68,1 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 8,58 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 21,4%, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.
Một trong những “ngôi sao” phải kể đến là thuỷ sản, những năm gần đây, Mỹ liên tục là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm.
Theo bà Lê Hằng, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), các chính sách thương mại đặc thù của Mỹ dưới thời ông Trump có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới. Trước hết, trong bối cảnh Mỹ - Trung Quốc có thể gia tăng đối đầu thương mại, Hoa Kỳ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam. “Tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Việc nước này tăng thuế quan đối với thủy sản Trung Quốc có thể tạo “khoảng trống”, mở ra cơ hội lớn cho tôm và cá tra Việt Nam thay thế sản phẩm thủy sản Trung Quốc và chiếm lĩnh thị phần”, bà Lê Hằng, đại diện VASEP cho biết.
Tuy nhiên, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng 2 mặt từ chính sách của chính quyền Trump. Với chính sách bảo hộ hàng hoá của Mỹ, tăng thuế nhập khẩu lên 10 - 20% với tất cả các nước, gồm cả Việt Nam sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ.
Câu chuyện thách thức không của riêng mặt hàng thuỷ sản, Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh đánh giá, ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ đã hứa sẽ làm cho nước Mỹ "vĩ đại trở lại", hứa "làm cho nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trở lại", dù làm theo cách gì và như thế nào thì cũng đều có tác động hai mặt với xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng.
Theo đó, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ thêm khó ở khía cạnh là nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam vào Mỹ có thể bị kiện cáo nhiều lên, vì ông Trump có quan điểm ủng hộ các vụ kiện nhằm bảo hộ cho sản xuất của nước Mỹ. Thực tế thời gian qua, không ít mặt hàng nông sản của Việt Nam đã bị vướng vào các vụ kiện như mật ong, thủy sản, tôm, cá... Tranh chấp thương mại diễn ra sẽ gây khó khăn cho hàng nông sản của Việt Nam khi Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Vì vậy, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần thay đổi, không phải chỉ vì lý do ông Trump lên làm Tổng thống, mà từ lâu giải pháp căn cơ cho nông sản Việt xuất sang Mỹ vẫn là phải tăng cường hợp tác, kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp của Mỹ để chế biến hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sâu hơn, thay vì chỉ xuất thô như hiện nay.
"Nông thủy sản Việt chế biến sâu theo đúng khẩu vị của thị trường Mỹ sẽ khiến hàng của chúng ta có lợi thế lớn hơn, giảm bớt được các lý do để phía Mỹ kiện tụng và áp thuế hàng hóa của ta cao lên", ông Lê Đăng Doanh nói.
Đồng tình với quan điểm này, bà Ngô Tường Vi, CEO Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam phải cùng nhau xây dựng chiến lược để khai thác tốt thị trường này, đa dạng hóa sản phẩm, tạo sự tiện lợi để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ, cũng là tạo được lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.
"Chúng ta cần lập tức cải thiện chuỗi liên kết hiện nay. Tôi luôn mong muốn tập hợp được các doanh nghiệp khác để cùng nhau làm điều này. Bởi vì khi chúng ta bước vào được những chuỗi hệ thống bán lẻ của các tập đoàn hàng đầu của Mỹ thì thị trường của chúng ta không phải chỉ riêng Mỹ nữa mà sẽ là thị trường toàn cầu", bà Tường Vi nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thị trường Mỹ vẫn luôn là thị trường lớn cần quan tâm nhất bởi sức tiêu thụ của người dân Mỹ rất lớn. Doanh nghiệp Việt có thể chinh phục được thị trường này là điều không dễ dàng. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản sang Mỹ cần chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã vùng trồng, mã đóng gói, và các hoạt động sơ chế, chế biến cùng với chiến lược xúc tiến thương mại bài bản để tránh các tác động tiêu cực nếu có.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty Chế biến dừa Lương Quới kỳ vọng, Chính phủ tiếp tục tìm cách duy trì sự cân bằng về tỷ giá VND so với tiền tệ các nước và cân bằng cho các doanh nghiệp xuất khẩu để gia tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt.