Doanh nhân

Trợ lực thay đổi bức tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Minh Châu thực hiện 07/11/2024 01:55

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP nhận định, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là bước đà quan trọng để ngành thủy sản “cất cánh”.

hoai nam2
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP.

Sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm Canada, Mexico, Chile, và Peru.

- Hiệp định CPTPP đã làm thay đổi bức tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam sau 5 năm thực thi ra sao, thưa ông?

Sau 5 năm thực thi, Hiệp định CPTPP đã mở ra cơ hội rất lớn cho ngành thủy sản Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã tăng từ 2,2 tỷ USD lên 2,9 tỷ USD năm 2022 và 2,4 tỷ USD trong năm 2023. Như vậy, CPTPP là nhóm thị trường có tăng trưởng tỷ trọng tăng mạnh thứ 2, sau Trung Quốc.

Nếu như năm 2018, nhóm thị trường CPTPP chỉ chiếm 25% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thì tới năm 2023 con số này chiếm gần 27%.

Đây là những con số rất đặc biệt, thể hiện thị phần của thủy sản Việt Nam tại các thị trường này tăng rõ nét, cho thấy thế mạnh cạnh tranh đã được hỗ trợ nhờ hiệp định CPTPP.

Tuy nhiên, cơ hội lớn song cũng đi kèm những thách thức lớn cho ngành công nghiệp thủy sản của Việt Nam. Chúng ta đối mặt với sự canh tranh khốc liệt về thị trường với các đối thủ cạnh tranh như Ecuador và Ấn Độ có lợi thế về nguồn cung và giá cả, đồng thời cũng ký kết các hiệp định thương mại với một số nước trong CPTPP.

Ngoài ra, các quy định và yêu cầu nghiêm ngặt từ CPTPP cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp thủy sản về việc tuân thủ và thích ứng với các yêu cầu này.

thuy-san-190524-1.jpg
Doanh nghiệp thủy sản cần chú trọng gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, ưu tiên hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: Vũ Sinh

- Quy mô xuất khẩu lớn khiến Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Theo ông, chúng ta cần chuẩn bị ra sao để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc bị điều tra? Vai trò hỗ trợ của VASEP được khẳng định như thế nào?

Chắc chắn rằng, việc bị điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và thị phần của thị trường xuất khẩu. Mặt khác, chúng ta cũng học được nhiều kinh nghiệm quý báu từ việc ứng phó và xử lý những vụ việc này.

Từ phía hiệp hội, với 20 – 25 năm kinh nghiệm xử lý các vụ việc điều tra, chống bán phá giá, đặc biệt với hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra, chúng tôi luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thuê tư vấn pháp lý đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài, cố gắng giảm thiểu thời gian và đặc biệt là giảm thiểu tối đa gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Với những kinh nghiệm “xương máu”, hiệp hội cùng với doanh nghiệp đúc kết ra được những kỹ năng để chủ động ứng phó và xử lý có hiệu quả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu trong nước; nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho nền kinh tế, các ngành sản xuất, xuất khẩu thông qua xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.

- Bên cạnh việc giữ vững thì việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng vô cùng quan trọng và cấp thiết. Ông có kiến nghị ra sao để tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP, tạo đà bứt phá cho doanh nghiệp?

Trước hết, chúng tôi ghi nhận rằng, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đồng hành từ các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công thương với trợ lực từ ưu đãi thuế quan, từ việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong quản lý xuất nhập khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đối tác quốc tế.

Hiệp hội sẽ luôn đóng vai trò cầu nối đồng hành giữa doanh nghiệp và Bộ Công thương – đơn vị chủ trì và đàm phán các vụ việc bị điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại trong suốt thời gian qua. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, ngoại giao kinh tế tại các thị trường tiềm năng như khu vực Nam Mỹ,...; liên tục cung cấp và cập nhật thông tin về các nước thành viên CPTPP;...

Mặt khác, từ phía doanh nghiệp, cần tăng tốc để chớp thời cơ trước khi các quốc gia tham gia CPTPP mở cửa hội nhập rộng hơn. Cụ thể là chú trọng gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, phù hợp với tiêu chí, thị hiếu của thị trường; ưu tiên hướng tới các sản phẩm xanh, , thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trợ lực thay đổi bức tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO