Việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt của NHNN thời gian qua đã giúp hoạt động ngân hàng gần với doanh nghiệp hơn. DĐDN phỏng vấn Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú.
Chính sách tiền tệ cần là “hậu phương” cho chính sách tài khoá
- Năm thứ hai kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, nhất là làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 khiến cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung gặp nhiều khó khăn, vậy NHNN đã có chính sách điều hành CSTT như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, thưa Phó Thống đốc?
Bám sát các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ ngay từ khi đại dịch bùng phát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động điều hành hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp điều hành CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa (CSTK) và các chính sách vĩ mô khác nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát và triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành với doanh nghiệp và người dân.
Tôi cho rằng, việc điều hành CSTT của NHNN phù hợp với xu hướng của nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới. Tuy nhiên CSTT có những đặc điểm riêng phù hợp với tình hình trong nước.
Trong thời điểm dịch bùng phát NHNN đã đưa các giải pháp kịp thời,đó là, bảo đảm thanh khoản trên thị trường tiền tệ, tạo điều kiện để các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay, sẵn sàng nguồn vốn hỗ trợ các TCTD đẩy mạnh tín dụng cho doanh nghiệp và nền kinh tế…
Đại dịch COVID-19 khiến sản xuất, lưu thông đứt gãy, dòng tiền gián đoạn. Giải pháp hỗ trợ thanh khoản được NHNN triển khai nhằm hỗ trợ các thị trường vận hành thông suốt, duy trì dòng tiền, hỗ trợ ngân hàng và doanh nghiệp bảo đảm khả năng thanh toán. Tương tự, thanh khoản được duy trì dồi dào tại hệ thống các TCTD trên cơ sở NHNN mua lượng lớn ngoại tệ, đưa tiền đồng ra thị trường, đồng thời hằng ngày chào mua giấy tờ có giá trên thị trường mở nhằm phát tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, ổn định thị trường tiền tệ, giảm chi phí vốn đầu vào cho TCTD, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD giảm lãi suất cho vay.
- Với đặc điểm của một nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu vốn lớn song lại phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng nên việc giảm lãi suất cho vay tại Việt Nam không dễ dàng, vậy NHNN đã đưa ra giải pháp gì, thưa Phó Thống đốc?
Một trong những giải pháp mà NHNN áp dụng trong thời gian qua, đó là ổn định lãi suất điều hành ở mức thấp, tạo điều kiện để mặt bằng lãi suất cho vay và huy động của TCTD giảm. Có như vậy mới kịp thời tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp và người dân, ngay trong năm 2020 khi dịch bệnh mới xuất hiện, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm từ 1,5%/năm đến 2%/năm và là một trong những Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất mạnh nhất khu vực. Trong năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất thấp này, kết hợp với việc duy trì thanh khoản dồi dào trên thị trường tiền tệ.
3 yếu tố sẽ tác động chính sách tiền tệ của các quốc gia năm 2022
Kết quả là, đến nay, lãi suất huy động và cho vay bằng VND bình quân của các TCTD giảm tương ứng khoảng 0,46%/năm và 0,72%/năm so với cuối năm 2020 sau khi đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020. Lãi suất cho vay bình quân đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (gồm lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp vừa và nhỏ; xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao) là 4,4%/năm. Điều này có thể nói, đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc điều hành CSTT linh hoạt của NHNN trong thời gian qua…
- Ngoài việc giảm lãi suất, giảm chi phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thì việc đảm bảo cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho sản xuất kinh doanh được NHNN triển khai thế nào, thưa Phó Thống đốc?
Ngay từ đầu giải pháp mà NHNN áp dụng, đó là để bảo đảm cung ứng vốn tín dụng đầy đủ và kịp thời cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế, linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng đối với các TCTD theo hướng tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng.
Với đặc thù thị trường tài chính phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng, việc điều hành tín dụng được NHNN điều hành có sự hài hòa, hợp lý. Việc tăng trưởng tín dụng quá cao gây rủi ro lạm phát, song tăng trưởng tín dụng quá thấp lại có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn cho tăng trưởng cho nền kinh tế và doanh nghiệp.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và lạm phát khoảng 4% do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 12% trong năm 2021, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
- Việc điều hành CSTT đó là ổn định thị trường ngoại tệ cũng được các tổ chức trong nước và nước ngoài đánh giá cao chính sách điều hành của NHNN trong thời điểm dịch bệnh bùng phát?
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nhất là thời điểm bùng phát dịch nên việc điều hành tỷ giá của Việt Nam luôn phải đối mặt với những thách thức đến từ bên ngoài như việc các nước lớn đang dần thu hẹp các gói nới lỏng tiền tệ, đồng USD lên giá...
Ngay cả đối với thị trường trong nước, yếu tố tâm lý cũng luôn thường trực mỗi khi thị trường tài chính thế giới biến động. Trước thực tế đó, việc điều hành thị trường ngoại tệ của NHNN vẫn bảo đảm linh hoạt, bám sát cung cầu thị trường. Trong khi xu hướng rút vốn khỏi các nước mới nổi và đang phát triển khiến đồng tiền của nhiều nước trong khu vực mất giá khá lớn thì tỷ giá VND/USD tiếp tục ổn định, đến cuối tháng 10/2021 tỷ giá trung tâm tương đương cuối năm trước. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
- Một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong và sau đại dịch COVID-19 sẽ được NHNN tiếp tục triển khai thế nào?
Các chỉ đạo của NHNN với các TCTD là phải đồng hành, sát cánh với các doanh nghiệp, người dân ngày càng thiết thực hơn. Đó là ban hành thông tư cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Với 2 lần sửa đổi và bổ sung, quy mô, phạm vi đối tượng được áp dụng các biện pháp hỗ trợ đã được mở rộng đáng kể, thời gian hỗ trợ cũng được kéo dài đến tháng 6-2022. Đến cuối tháng 10, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 330.000 khách hàng với dư nợ 540.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 1,8 triệu khách hàng với dư nợ 3,5 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng.
NHNN cũng đã triển khai cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% và không yêu cầu tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Hàng nghìn lượt người lao động đã được hỗ trợ trả lương trong thời gian ngừng việc từ các gói cho vay này, theo đó đợt hỗ trợ thứ nhất (kết thúc vào ngày 31-1-2021) có 245 đơn vị sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động; đợt hỗ trợ thứ hai được triển khai tích cực kể từ tháng 7-2021, đến 25-10-2021 có 1.244 đơn vị sử dụng lao động vay để trả lương 177.845 lượt người lao động (thời hạn kết thúc đợt hỗ trợ này là 31-3-2022 hoặc khi số tiền giải ngân đạt 7.500 tỷ đồng)...
- Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!
Có thể bạn quan tâm
NHNN: Phát triển VAMC thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu
05:00, 06/02/2022
NHNN xem xét nới room tín dụng dài hạn cho các TCTD
05:30, 27/12/2021
VNDIRECT: NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng
05:06, 17/12/2021
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng: Đến 2025, 50% nghiệp vụ ngân hàng sẽ trên kênh số
11:36, 22/11/2021