Tác động từ Mỹ tới sự hỗn loạn trên các thị trường tài chính châu Á

DIỄM NGỌC 28/10/2023 05:00

Giá tài sản giảm mạnh ở châu Á là do sự khác biệt trong chính sách tiền tệ toàn cầu; khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ gia tăng nhanh chóng đã hút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi.

>>FED tăng lãi suất, tài chính châu Á không dễ khủng hoảng

Để dập tắt lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã tăng lãi suất và duy trì chính sách thắt chặt cho đến khi đạt được mục tiêu đề ra. Tại châu Á, nhiều vấn đề đã xảy ra trong vài tháng qua làm dấy lên lo ngại về sự ổn định tài chính trên toàn khu vực.

Bối cảnh tài chính châu Á đã thực sự thay đổi đáng kể trong vài tháng qua

Bối cảnh tài chính châu Á đã thực sự thay đổi đáng kể trong vài tháng qua. Ảnh: Bloomberg

Theo SCMP đưa tin, vào ngày đầu tuần 23/10, đồng Ringgit của Malaysia đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 và ở mức giảm 13% tính từ đầu tháng 2/2023. Ngoại trừ đồng Yên Nhật, đây là đồng tiền có diễn biến tệ nhất ở châu Á trong năm nay.

Đồng Rupee của Ấn Độ đang giao dịch gần mức thấp kỷ lục so với đồng đô la Mỹ đạt được vào tháng 10/2022. Còn áp lực bán ra đối với đồng Rupiah của Indonesia trong tháng 10 mạnh đến mức buộc Ngân hàng Trung ương nước này phải tăng lãi suất vào tuần trước. Khi Ngân hàng Trung ương Indonesia thắt chặt chính sách lần cuối vào tháng 1/2023, quốc gia này đã tự tin có thể đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2-4%.

Bối cảnh tài chính châu Á đã thực sự thay đổi đáng kể trong vài tháng qua. Dữ liệu từ JPMorgan cho thấy, thị trường nợ Chính phủ bằng đồng nội tệ trong khu vực phải hứng chịu dòng vốn nước ngoài chảy ròng vào tháng 8 và dòng vốn vào gần đây nhất là từ tháng 6.

Đặc biệt, đợt bán tháo diễn ra vào thời điểm các chỉ số kinh tế quan trọng đang được cải thiện. Lạm phát cơ bản chưa tính giá thực phẩm và năng lượng ở Ấn Độ đã giảm xuống 4,8%. Ở Indonesia và Malaysia, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 2 - 2,5%, trong khi Thái Lan – quốc gia cũng phải đối mặt với áp lực bán mạnh thì tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 0,8%.

Ở một số nước, nhất là những nước nhập khẩu ròng năng lượng, rủi ro trong nước đã góp phần gây ra tình trạng hỗn loạn. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ ngày càng gia tăng và có thể còn tăng thêm nếu giá dầu tăng mạnh do rủi ro địa chính trị leo thang mạnh mẽ, bắt nguồn từ cuộc chiến của Israel chống lại Hamas. Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu của Indonesia tăng mạnh hơn dự đoán đã làm trầm trọng thêm tình trạng bán tháo trên thị trường nợ địa phương của quốc gia này.

>>Thấy gì từ đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ?

Ông Nicholas Spiro, chuyên gia tại Lauressa Advisory nhìn nhận, yếu tố quan trọng nhất khiến giá tài sản giảm mạnh ở châu Á là sự khác biệt trong chính sách tiền tệ toàn cầu. Sự gia tăng nhanh chóng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã thúc đẩy đồng đô la Mỹ tăng giá và hút vốn ra khỏi các tài sản rủi ro hơn như các thị trường mới nổi. Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm thực tế được theo dõi chặt chẽ, gần như chỉ ở mức trên 0% một năm trước, nhưng đến nay đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Châu Á dễ bị tổn thương hơn các nền kinh tế đang phát triển khác vì lãi suất ở đây có xu hướng thấp hơn. Theo JPMorgan, chênh lệch lãi suất trung bình giữa các thị trường mới nổi của châu Á và Hoa Kỳ lần đầu tiên ở mức âm sau hơn hai thập kỷ, khiến khu vực này mất đi “vùng đệm lợi suất” thích hợp để chống chọi với sự tăng đột biến của lãi suất Kho bạc .

“Mặc dù sự sụt giảm lạm phát cơ bản trên khắp châu Á sẽ đưa chu kỳ nới lỏng lãi suất của ngân hàng trung ương đến gần hơn, nhưng việc cải thiện các yếu tố cơ bản trong nước đang bị ảnh hưởng bởi việc định giá lại mạnh mẽ trên thị trường nợ của Mỹ”, JPMorgan lưu ý.

Chuyên gia tại Lauressa Advisory cho rằng, điều quan trọng là phải nhìn nhận mọi việc theo quan điểm tích cực hơn. Các nền tảng kinh tế cơ bản của châu Á mạnh hơn nhiều so với cách đây 10 năm, khi Ấn Độ và Indonesia còn là một phần của nhóm “5 thị trường mới nổi dễ bị tổn thương”.

Đến nay, vị thế cán cân thanh toán đã được cải thiện, các Ngân hàng Trung ương đã tích lũy được lượng dự trữ ngoại hối lớn và các cải cách chính sách đã làm tăng sức hấp dẫn của khu vực, đặc biệt là Ấn Độ đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Dữ liệu do HSBC công bố cho thấy, dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán châu Á ngoài Nhật Bản trong năm nay vẫn ở mức tích cực.

“Hơn nữa, nguyên nhân khiến dẫn đến sự suy giảm đột ngột đối với châu Á hoàn toàn là do căng thẳng gia tăng trên thị trường trái phiếu Mỹ. Xét về  nguy cơ bị đổ vỡ thì nền kinh tế Mỹ có khả năng cao hơn, khi đang trong tình trạng nguy hiểm hơn nhiều so với vài tháng trước.

Nguồn cung nợ Mỹ tăng mạnh ngay khi lãi suất đạt mức cao nhất trong 22 năm đang thúc đẩy các nhà đầu tư đòi hỏi lợi suất cao hơn để mua trái phiếu kho bạc, gây sức ép lên các công ty và người tiêu dùng. Mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng tài chính công của Hoa Kỳ có thể khiến lợi suất tăng cao hơn, góp phần gây ra suy thoái kinh tế trước cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào năm sau”, vị chuyên gia phân tích.

Có thể thấy, với việc lãi suất Mỹ được dự đoán sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, thì thị trường châu Á sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Như vậy, các nền kinh tế trong khu vực không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hỗn loạn mà có thể sẽ vẫn giữ vị thế tốt để đối phó với các điều kiện tài chính khắc nghiệt.

Có thể bạn quan tâm

  • Trái phiếu Chính phủ: Trái chủ dịch chuyển khẩu vị đầu tư

    05:22, 13/08/2022

  • 3 yếu tố ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu Chính phủ

    04:45, 15/06/2022

  • Áp lực đầu tư công, lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ điều chỉnh

    05:27, 25/08/2022

  • Vì sao lợi suất trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn đều giảm?

    05:16, 11/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tác động từ Mỹ tới sự hỗn loạn trên các thị trường tài chính châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO