Tác dụng ngược của gói cứu trợ

THY HẰNG thực hiện 03/10/2020 05:30

Tất cả các gói cứu trợ của Chính phủ cần độ chính xác trong tiêu chí, đặc biệt việc thực hiện phải nhanh nhạy, tránh tình trạng đưa ra những gói này để an lòng dân.

Khi gói 16.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho doanh nghiệp lãi suất 0%/năm nhằm chi trả tiền lương cho người lao động đến nay vẫn chưa giải ngân được cho doanh nghiệp nào, có nghĩa nó có kết quả ngược. 

Trao đổi với DĐDN TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đây phải coi là một bài học đau xót. Bởi vì, doanh nghiệp và người lao động vốn đã khốn khổ vì đại dịch, nay những tính toán cân đối tài chính, những kế hoạch vượt bão, duy trì sản xuất, duy trì cuộc sống tối thiểu đi vào “ngõ cụt”. Đã khổ càng thêm khổ!

- Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã đồng ý hạ chuẩn, thưa ông?

Đáng buồn khi một chính sách được tính toán cơ cấu ngân sách, mức độ thiệt hại rất công phu, nhưng cả nước hiện chỉ có một doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí được vay rồi sau đó đã không vay nữa vì cân đối được dòng tiền.

Những tiêu chí trước đây quá khó khiến doanh nghiệp không thể “với tới” buộc Chính phủ phải hạ chuẩn tiêu chí vay vốn là “chuyện nhỏ”. Chậm cứu trợ để doanh nghiệp và người lao động “chết mà không được cứu” mới là chuyện lớn.

Có nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ bị “ngâm tôm” hàng tháng trời trong khi doanh nghiệp, người lao động mong từng ngày từng giờ.

- Tuy nhiên giảm chuẩn vay nhưng vẫn phải đảm bảo "sức khoẻ" tài chính ngành ngân hàng, thưa ông?

Đúng vậy, việc giảm tiêu chí vay cũng cần có tỷ lệ hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, khả năng chịu đựng của ngân sách, đề phòng sự trục lợi chính sách. Ví dụ giảm tiêu chí doanh thu thành, trong 3 tháng liên tiếp gần đây phải giảm tối thiểu 30% thì mới được hưởng ưu đãi này, còn nếu giảm quá ít thì doạnh nghiệp không đủ điều kiện.

Đồng thời, tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay cần phải bỏ. Doanh nghiệp chỉ cần giảm doanh thu và gặp khó khăn là sẽ được vay gói tín dụng 16.000 tỷ đồng này, không cần đến mức không có doanh thu.

 Nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm do gặp khó khăn của COVID-19, nhưng vẫn không tiếp cận được gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng. Ảnh: PV

Nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm do gặp khó khăn của COVID-19, nhưng vẫn không tiếp cận được gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng. Ảnh: PV

Đặc biệt, loại bỏ điều kiện “nợ xấu” là doanh nghiệp không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019. Vì doanh nghiệp có nợ xấu và việc hỗ trợ vay vốn trả lương tức hỗ trợ người lao động là tách bạch. Một doanh nghiệp gặp khó trong dịch bệnh mà vẫn muốn duy trì lực lượng lao động thì là rất cần thiết để có thể tái hồi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Do đó, vấn đề doanh nghiệp có nợ xấu trong quá khứ mà không được tiếp cận gói này là không phù hợp.

Về điều kiện có từ 20%, hoặc từ 30% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên là bất hợp lí. Bởi vì trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang cho lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, cố gắng gượng để duy trì lao động còn hồi phục sau dịch.

- Bên cạnh vấn đề tiêu chí, vấn đề chậm giải ngân các gói hỗ trợ cũng phải tính toán tới yếu tối tác động tới việc hồi phục nền kinh tế, thưa ông?

Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng mà chưa rõ diễn biến ra sao, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, đợt sóng COVID-19 lần 3 có thể còn trở lên nguy hiểm hơn trong mùa đông tới đây, chính sách phải tránh để những doanh nghiệp vốn “lao đao” nay thêm “nguy kịch”. Tất cả các gói cứu trợ của Chính phủ cần độ chính xác trong tiêu chí, đặc biệt việc thực hiện phải nhanh nhạy, tránh tình trạng đưa ra những gói này để an lòng dân thì “có tiếng mà không có miếng”.

Chính phủ đã rất quan tâm đến việc giải ngân vốn đầu tư công để kích cầu nền kinh tế. Gói cứu trợ này mức độ cấp bách thậm chí còn cao hơn. Để các gói tín dụng triển khai có hiệu quả, cần có cơ chế bảo lãnh của Chính phủ giúp các ngân hàng mạnh dạn cho vay, đồng thời cần kéo dài chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sang năm 2021, thay vì dừng lại ở năm 2020.

- Xin cảm ơn ông!

 Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh khẳng định, Bộ đang sửa đổi điều kiện tiếp cận gói vay 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương. Theo đó, Bộ đề nghị Chính phủ bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay.

Có thể bạn quan tâm

  • Các gói hỗ trợ nhiều rào cản, doanh nghiệp suy giảm niềm tin

    Các gói hỗ trợ nhiều rào cản, doanh nghiệp suy giảm niềm tin

    05:00, 30/09/2020

  • Doanh nghiệp ngành nhôm khó tiếp cận gói hỗ trợ dịch COVID-19

    Doanh nghiệp ngành nhôm khó tiếp cận gói hỗ trợ dịch COVID-19

    15:30, 25/09/2020

  • Gói hỗ trợ lần 2: Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí thay vì giảm thuế thu nhập

    Gói hỗ trợ lần 2: Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí thay vì giảm thuế thu nhập

    11:00, 15/09/2020

  • Gói hỗ trợ đợt 2: Cần đơn giản tối đa thủ tục hành chính

    Gói hỗ trợ đợt 2: Cần đơn giản tối đa thủ tục hành chính

    05:00, 07/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tác dụng ngược của gói cứu trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO