TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Hạn mức tín dụng không còn là ẩn số

LÊ MỸ 17/07/2022 12:30

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã đề ra từ đầu năm.

>>> Ngân hàng tiếp tục đối diện áp lực tăng lãi suất

NHNN cũng đồng thời theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, đặc biệt là diễn biến lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định thông điệp:

Ngân hàng Nhà nước liên tiếp khẳng định thông điệp: “Ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu”. Ảnh: Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Có thể thấy là trước áp lực lạm phát gia tăng, nhưng cho đến hiện tại, ngoại trừ các định hướng kiểm soát dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro, NHNN không mở rộng thêm nhưng cũng không thắt chặt tín dụng. Một số các động thái điều tiết để hút vốn thanh khoản ứ thừa trong hệ thống và cân bằng áp lực tỷ giá trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ cao, tuy được xem như một trạng thái “ném đá dọ đường” để hướng đến tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ, song NHNN cho đến hiện nay vẫn duy trì các định hướng, chỉ tiêu đã đề ra. 

Theo NHNN cho biết, tính đến 30/6/2022,  tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Cơ cấu tín dụng tập trung theo đúng định hướng điều hành của NHNN. Trong đó, riêng tín dụng bất động sản tính đến 31/5/2022 đạt dư nợ 2,33 triệu tỉ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế. 

Việc cơ quan quản lý kiểm soát tín dụng bất động sản, như vậy, được khẳng định là cần thiết và là định hướng điều hành chính sách theo đúng mục tiêu chính sách tiền tệ, đưa ra các quy định, chính sách bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. NHNN không siết tín dụng bất động mà chỉ kiểm soát vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Với thông điệp và các số liệu nêu trên, trong bối cảnh NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, đặc biệt là diễn biến lạm phát, tiến độ giải ngân đầu tư công, giải ngân theo chương trình phục hồi để có giải pháp điều hành phù hợp, dòng vốn nước ngoài có tiếp tục đổ vào Việt Nam hay không…, khả năng NHNN điều chỉnh hạn mức tín dụng ngoài chỉ tiêu “cứng” 14% như hiện nay trở nên rõ ràng hơn, với xác suất điều chỉnh gần như bằng 0 hoặc nếu có, sẽ ở mức rất thấp. 

Phát biểu tại một hội thảo, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng về lạm phát tại Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy có mấy điểm: Một là có độ trễ hơn so với quốc tế; hai là lạm phát cơ bản tăng thấp, 1,25%, cơ bản hiện nay do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền. “Chúng tôi kiến nghị tín dụng năm nay có thể tăng mạnh hơn một chút, có thể là 15%. Nếu chúng ta chỉ kiên định 14% thì chương trình phục hồi kinh tế sẽ khó thực hiện hơn”, ông nói.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng trong số nhiều nguyên nhân khiến lạm phát Việt Nam thấp hơn thế giới, có yếu tố NHNN điều hành linh hoạt công cụ chính sách (hút khoảng 135.000 tỷ đồng), năm là cung tiền vừa phải, vòng quay tiền chậm (thời kỳ hoàng kim, vòng quay tiền là 1-1,5 lần, nếu chậm quá là đọng vốn, thời kỳ cao điểm, vòng quay là 3-3,5 lần). Tuy nhiên, áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm khá cao. Giá hàng hoá thế giới còn tăng và còn có nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nhất là khi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, đà phục hồi kinh tế và sự sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tạo ra áp lực lạm phát cầu kéo. Tỷ giá chịu áp lực tăng khá rõ (2,5-3% năm 2022). CPI tăng khoảng 3,8-4,2% (có thể cao hơn nữa) năm 2022 và 4% năm 2023. 

Với biến số “nhập khẩu lạm phát” khi CPI của Mỹ tháng 6 vừa công bố đã lên đến đỉnh điểm 41 năm, đạt tới 9,1%, giới quan sát dự báo trong cuộc họp cuối tháng 7 này, FED sẽ mạnh tay tăng lãi suất tới 100 điểm cơ bản thay cho 75 điểm cơ bản như lộ trình dự kiến trước đây; đây sẽ là “biến số” khiến NHNNN chưa thể “tăng mạnh hơn - dù chỉ một chút"  với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung. Và theo đó, dư địa để nới room tín dụng theo kiến nghị của các NHTM, vô cùng hẹp. 

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 vừa diễn ra hôm diễn ra ngày 15/7, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng phấn đấu điều hành giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1%; ổn định tỷ giá khi giá cả hàng hóa tăng cao, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; kiểm soát lạm phát bình quân 4% trong bối cảnh lạm phát trên thế giới tăng cao, nền kinh tế có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát hiện hữu… Trong thông điệp của Thống đốc, yếu tố “điều hành khéo léo của chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng” trong những tháng cuối năm được nhấn mạnh.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho biết là NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế; theo dõi lạm phát và lãi suất thị trường để linh hoạt và kịp thời điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Như vậy, với dư địa tăng trưởng tín dụng của hơn 5 tháng còn lại của năm (chưa tới 5% nếu không điều chỉnh), rõ ràng, NHNN đang định hướng các TCTD sẽ phải có sự chủ động cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng, “tự tạo” dư địa để tiếp tục đẩy tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên có thể mang lại nguồn thu nhập lãi cho ngân hàng, tiếp tục luân chuyển dòng vốn được cho khách hàng. Tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống những tháng cuối năm chắc chắn phải chậm lại.

Tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ chậm lại, các TCTD sẽ phải cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng chất lượng hơn. Ảnh: Quốc Tuấn

Tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ chậm lại, các TCTD sẽ phải cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng chất lượng hơn. Ảnh: Quốc Tuấn

Một điểm đáng chú trong 689/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6 vừa qua, 2 trong số các giải pháp điều hành được nêu, cụ thể là: “Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững” và “Chủ động điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và quá trình cơ cấu lại TCTD. Chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen”. 

>>> Chưa có động thái “ghê gớm” siết chặt tín dụng bất động sản

“Ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu” có thể thấy là những thông điệp đã được nêu rất rõ và xuyên suốt trong mọi chủ trương, chính sách.

Tuy vậy, nhiều nhà băng đến lúc này vẫn kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ có đợt xem xét, có thể gần nhất vào tháng 8 hoặc muộn hơn, căn cứ trên việc tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế sao cho tăng trưởng tín dụng vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác, đồng thời tạo dư địa để thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, qua đó để nới thêm hạn mức tín dụng. Một chuyên gia cho rằng việc nới thêm hạn mức tín dụng vẫn có thể xảy ra, và nếu có sẽ là cơ chế ưu tiên cho những tổ chức đang tham gia tái cơ cấu hệ thống như Vietcombank, MBBank..., bên cạnh đó còn có những tổ chức tham gia hỗ trợ cơ cấu lại các quỹ tín dụng nhân dân và thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất với nguồn đăng ký lớn. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia Ngân hàng mới đây cũng cho rằng, hiện NHNN đang buộc phải cân nhắc nới room tín dụng. Theo ông, NHNN sẽ “lựa chọn thời điểm từ giờ đến hết quý III, định mức nới room với tỉ lệ tín dụng khoảng 16% có thể không ảnh hưởng lớn đến lạm phát”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hạn mức tín dụng - Công cụ kiểm soát rủi ro đã

    Hạn mức tín dụng - Công cụ kiểm soát rủi ro đã "lỗi thời"

    05:30, 11/06/2022

  • Xoá bỏ cơ chế hạn mức tín dụng, bao giờ?

    Xoá bỏ cơ chế hạn mức tín dụng, bao giờ?

    05:30, 10/06/2022

  • Chuyên gia nói gì về cơ chế hạn mức tín dụng hiện nay?

    Chuyên gia nói gì về cơ chế hạn mức tín dụng hiện nay?

    12:00, 07/06/2022

  • Khó bỏ cơ chế cấp hạn mức tín dụng ngay, vì sao?

    Khó bỏ cơ chế cấp hạn mức tín dụng ngay, vì sao?

    05:30, 03/06/2022

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xem xét tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xem xét tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp

    05:00, 28/09/2021

  • THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: NHNN sẽ tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng

    THỦ TƯỚNG GẶP DOANH NGHIỆP: NHNN sẽ tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng

    11:30, 26/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Hạn mức tín dụng không còn là ẩn số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO