TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Nỗi lo "bong bóng" tài sản...

LÊ MỸ 08/05/2021 05:45

“Thời điểm hiện tại không có bất cứ lý do nào để lo ngại về "bong bóng" tài sản” hoặc “bong bóng” tài sản đã đến lúc đáng cảnh báo"… đang là những quan điểm trái chiều.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển NHNN, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia trong một bài phỏng vấn mới đây, cho rằng cung tiền (M2), một chỉ số để tính toán lạm phát của Việt Nam có cấu phần từ cung tiền Chính phủ và tăng trưởng tín dụng. Trong đó, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây khá thấp và và cung tiền M2 cũng có tốc độ tương đương. Các gói cứu trợ của Việt Nam hầu như cũng không bằng “tiền tươi thóc thật” ở 2020 nên không đáng kể và lượng tiền bơm vào nền kinh tế không có sự đột biến bất thường. Do đó ông khẳng định không có bất cứ lý do nào để lo ngại về "bong bóng" tài sản như ở Mỹ, Nhật vì họ đã tung các gói cứu trợ lớn…

tín dụng vẫn tăng trưởng khoảng 12% nhưng GDP lại tăng rất thấp chỉ gần 3%. điều này cho thấy còn lượng tiền nào đó tồn tại trong lưu thông, trong doanh nghiệp nhưng con số này cũng không nhiều. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh họ sẽ xoay sang giữ tiền của mình vào các kênh tài sản. Điều này đã phần nào hỗ trợ giá bất động sản và chứng khoán tăng trong thời gian qua.

Tín dụng vẫn tăng trưởng khoảng 12% nhưng GDP lại tăng rất thấp chỉ gần 3% cho thấy còn lượng tiền trong lưu thông và doanh nghiệp giữ tiền làm hỗ trợ giá bất động sản và chứng khoán tăng trong thời gian qua?

Quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa thoạt tiên không phải không có lý khi các chuyên gia cũng đưa ra những số liệu có tính tương đồng, đặc biệt với nhận định chung là các gói hỗ trợ đã không được giải ngân hiệu quả.

Thế nhưng, dù là tăng trưởng tín dụng hay các gói hỗ trợ giải ngân được xem như cấu phần của cung tiền, thì trên mọi loại tiền tệ thanh toán và tiền tệ mở rộng được đưa vào nền kinh tế, lại là hệ quả có tính chủ đích của các nhà quản lý điều hành lẫn nhu cầu tự thân của nền kinh tế. Năm 2020, mục tiêu của các nhà quản lý điều hành đều là phải hỗ trợ nền kinh tế ổn định, vượt COVID-19. Và các quyết định mở rộng cung tiền nhanh theo đó mới thực là nguyên nhân thúc đẩy nền kinh tế phần nào đến được với mục tiêu. 

Ngay cả như vậy, ở cấu phần tăng trưởng tín dụng, một phân tích của TS Phan Minh Ngọc chứng minh "ngược" là với Việt Nam, thực ra 5 năm qua không hề thấp mà ở mức trên 18% cho đến năm 2017 rồi đột ngột giảm còn một nửa vào năm 2018, trồi sụt cho đến năm 2020 và tăng trở lại vào tháng 4/2021 ở mức 15,1%.

Tăng trưởng cung tiền nhìn chung ổn định hơn nhưng có tốc độ cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 5 năm qua, chứ không phải là tương đương với tốc độ tăng trưởng tín dụng". 

Vị chuyên gia này cũng cho rằng so sánh các gói kích thích của VN và các quốc gia phát triển là sự khập khiễng; cũng như khẳng định, lượng M2 của Việt Nam, theo công bố của NHNN đã tăng mạnh trong 2020 và 4 tháng 2021.

Nhìn 5 năm từ 2017 đến nay, quả thực tăng trưởng tín dụng không “thấp đều”, với con số chính thức lần lượt qua thời gian là: 18,2%; 14%, 12,1% và 14%. Riêng quý I/2021 cũng là quý mà sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng của các tháng đầu năm được cho là vào mùa “thấp điểm”, đã đạt tới tăng trưởng kỷ lục 3,69%. Bên cạnh đó, năm 2019, GDP danh nghĩa tăng 9,4% với mức M2 tăng 14,8%, độ chênh lệch tiếp tục được đẩy lên ở năm 2020 khi GDP danh nghĩa có thể đạt khoảng 4,24% với tăng trưởng M2 là 15% cho thấy tác động nghiêm trọng của COVID-19. Nói cách khác, do COVID-19, chúng ta nới lỏng tiền tệ song nhu cầu tự thân của nền kinh tế vẫn đang phải chịu quyết định của các hành vi tiêu dùng thận trọng, nên vận tốc của tiền không thể nhanh. Cuối 2020, Tổng cục Thống kê khảo sát lại cho kết quả chỉ có 17,9% số doanh nghiệp nhận được gói hỗ trợ. Tức có tới 82,1% chỉ nhận được hỗ trợ… trên tivi.  Tiền rẻ tràn ngập với lãi suất giảm, một phần đã đi vào các hình thức giao dịch tài sản như chứng khoán, bất động sản.

TS. Phạm Thế Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tính tỷ lệ M2/ GDP của Việt Nam ở 2020 cao nhất trong số năm quốc gia thuộc ASEAN-5. Đến cuối năm 2019 tỷ lệ này của Việt Nam là 175% còn ở các nước tương đồng trong ASEAN-5 chỉ là chưa tới 130% đối với Malaysia và Thái Lan, 63% đối với Phillipines và chưa đầy 40% đối với Indonesia. Nhưng tỷ lệ M2/GDP của Việt Nam vào thời điểm cuối năm 2020 là khoảng 190%. "Cung tiền M2 tăng khoảng 4,3 lần trong 10 năm là nguyên nhân gây lạm phát giá tài sản, đặc biệt là nhà đất", ông khẳng định.

Việt Nam đang có tốc độ mở rộng cung tiền nhanh hơn các quốc gia ASEAN-5 (nguồn biểu đổ: TS. Phạm Thế Anh)

Việt Nam đang có tỷ lệ M2/ GDP cao hơn hẳn các quốc gia ASEAN-5 (nguồn biểu đổ: TS. Phạm Thế Anh)

“Thực tế thì trong năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Điều này có thể hiểu được trong giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn. Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải (wealth effect) thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu. Điều này dẫn tới sự lan tỏa của sự tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng, dù chậm chạp, nhưng có thể cảm nhận được”, Kinh tế trưởng VEPR đánh giá.

Theo TS. Trương Văn Phước, người cũng đã từng ngồi ghế Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối của NHNN, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, năm 2020, thế giới qua các gói cứu trợ đổ tiền quá nhiều làm lấn át, thiếu hụt kết quả của một nền kinh tế thực, dẫn đến các cảnh báo rủi ro bong bóng bất động sản, các tài sản chứng khoán, tiền kỹ thuật số.... Và quan điểm lạm phát bình quân chu kì chứ không phải 1 năm tài khóa đang diễn ra mới quá, khiến những người làm chính sách phải cập nhật, suy nghĩ.

"Còn ở Việt Nam, thực ra cái ta gọi là vốn hóa thị trường cũng có nhiều con số chính xác...nhưng không chính xác. Tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ có một tỷ lệ nhất định trong 100% “tuồn qua” chứng khoán, và chứng khoán cũng có những con số tạo hệ số nhân vốn hóa. Sự tương thích giữa tài chính và kinh tế như biểu hiện của tất cả mọi người Việt Nam bỏ tiền vào chứng khoán đều thắng (cho đến gần đây), trong khi nền kinh tế vẫn khó khăn vì COVID-19, có còn là môn đăng hộ đối? Đó là bong bóng tài sản hay chứng khoán đã hoàn toàn thoát ly khỏi nền kinh tế?”, ông đặt câu hỏi.

Có thể bạn quan tâm

  • ADB cảnh báo nguy cơ bùng nổ

    ADB cảnh báo nguy cơ bùng nổ "bong bóng" tài sản ở Việt Nam

    04:15, 29/04/2021

  • “Nét phác hoạ” quý đầu tiên của bức tranh kinh tế 2021 (Kỳ II): Cảnh báo rủi ro lạm phát và bong bóng tài sản

    “Nét phác hoạ” quý đầu tiên của bức tranh kinh tế 2021 (Kỳ II): Cảnh báo rủi ro lạm phát và bong bóng tài sản

    11:00, 22/04/2021

  • Chưa có nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản

    Chưa có nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản

    14:03, 12/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Nỗi lo "bong bóng" tài sản...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO